11/07/2022 - 08:50

Chia di sản thừa kế theo pháp luật 

Việc chia di sản thừa kế nói chung và chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng, được pháp luật quy định chặt chẽ, cụ thể. Qua đó, giúp người thừa kế dễ dàng thực hiện, tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có.

Bà Nguyễn Thị Sáu phấn khởi khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký thừa kế quyền
sử dụng đất.

Bà Ðặng Thị D ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, vừa hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, do chồng bà đứng tên. Sau đó, bà D thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà D kể: “Chồng tôi mất đột ngột, không để lại di chúc định đoạt việc phân chia tài sản. Cha mẹ anh mất trước đó, nên tôi và hai con thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Hai con tôi từ chối nhận di sản thừa kế, nên tôi là người nhận di sản thừa kế. Tôi thấy pháp luật quy định rất rõ, cụ thể về việc phân chia di sản của người chết để lại”. Bà Nguyễn Thị Sáu ở phường Thới An, quận Ô Môn, cũng vừa thực hiện xong việc khai nhận di sản thừa kế và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Sáu cho biết: “Trước đây, chồng tôi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông ấy mất không để lại di chúc. Mấy năm sau đó, tôi và các con đến văn phòng công chứng thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, tôi cũng đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Theo quy định, trước khi chia thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo di chúc hoặc theo pháp luật hoặc vừa chia theo di chúc vừa theo pháp luật, cần phải xác định di sản thừa kế nhà đất trong khối tài sản chung với vợ hoặc chồng của người chết.

Khoản 1, Ðiều 650, Bộ luật Dân sự 2015 quy định chia di sản thừa kế theo pháp luật trong những trường hợp sau: không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế…

Người được hưởng thừa kế theo pháp luật cũng được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng. Căn cứ Ðiều 649 và Ðiều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế. Diện thừa kế là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng (cha, mẹ nuôi với con nuôi,…) với người để lại di sản.

Khoản 1, Ðiều 651, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Theo quy định tại khoản 2, Ðiều 651, Bộ luật Dân sự 2015, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế được hưởng di sản bằng nhau.

Dù pháp luật quy định cụ thể, nhưng trên thực tế, vẫn không ít trường hợp phát sinh tranh chấp tài sản do người mất không để lại di chúc. Từ đó, những người thuộc hàng thừa kế khiếu kiện, tranh chấp, gây xào xáo, mất tình thâm. Trường hợp tranh chấp di sản thừa kế của 6 anh em ông H.V.T ở phường Thới Long, quận Ô Môn, do không ai thuận với ai. Ông T yêu cầu chia, các người em còn lại của ông T thì không đồng ý, vì cho rằng đây là căn nhà hương hỏa, để thờ cúng ông bà. Bà H.T.H, em ông T nói: “Lúc còn sống, cha mẹ đã chia phần cho các con, mỗi người một phần đất khác nhau để ở, canh tác. Ai nấy đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ấy vậy, nay tôi bị kiện yêu cầu chia thừa kế đối với căn nhà mà tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong nhiều năm nay. Từ đó, tôi phải mất thời gian, công sức, chi phí để tham gia giải quyết vụ kiện”.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, khuyến nghị: “Những người có tài sản, muốn để lại di sản cho con, cháu nên nghiên cứu lập di chúc có phân phân chia tài sản cụ thể, rõ ràng cho từng người. Có như vậy, mới tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có phát sinh trong thân tộc, do người mất không để lại di chúc định đoạt tài sản”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết