05/09/2013 - 14:54

Chỉ tiêu và chất lượng?!

Câu chuyện "xin - cho" chỉ tiêu của các cơ sở giáo dục đại học (gọi chung các trường) vào mỗi năm học không phải mới. Gần đây, vào tháng 8-2013, tại TP Cần Thơ, nhiều hội nghị giữa các trường với lãnh đạo Trung ương, địa phương, lại một lần nữa bàn về việc tăng chỉ tiêu. Điểm mới là các đơn vị không chỉ "xin" chỉ tiêu mà còn "xin" hạ điểm chuẩn để "được" nguồn tuyển, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mặt chất lượng ở các ngành đào tạo; nhất là ở những ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe - ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Mới đây, vào cuối tháng 8-2013, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) chủ trì cuộc họp với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh, thành ĐBSCL về thực hiện Đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành Tây Nam Bộ" (gọi tắt là đề án), do Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phối hợp với BCĐ TNB thực hiện. Theo đề án, mỗi năm, Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ đào tạo cho mỗi quận, huyện thuộc các tỉnh, thành vùng TNB 4 chỉ tiêu ứng với 4 ngành (kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật đô thị). Đối tượng được xét đi học có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh, thành thuộc khu vực TNB, phải được Hội đồng xét duyệt ở các tỉnh, thành đề nghị, được BCĐ TNB phê duyệt và Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh xét tuyển. Người được xét đi học, sau khi xong khóa học hoàn chỉnh kiến thức (thời gian 10 tháng), nếu đạt yêu cầu theo quy định mới được tham gia khóa học chính thức. Những đối tượng đủ điều kiện quy định trong Đề án được xét miễn học khóa hoàn chỉnh kiến thức để tham gia khóa học chính thức (thời gian 4,5 năm). Tại cuộc họp, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh, thành "xin" chỉ tiêu cho tỉnh phân bổ (thay vì giao cho mỗi quận, huyện) và mở rộng đối tượng đầu vào. Những thí sinh dự tuyển ngành kiến trúc, chỉ cần 2 môn đạt 10 điểm; còn điểm thi môn vẽ thấp thì bồi dưỡng thêm 3 - 6 tháng… Đành rằng, những thí sinh sau khi đạt các điều kiện trên sẽ qua khóa bồi dưỡng kiến thức, mới chính thức "nhập trường". Thế nhưng, khía cạnh nào đó, chất lượng đào tạo là điều đáng quan ngại. Bởi lẽ, đối tượng dự tuyển có nhiều dạng như: tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và thậm chí THPT. Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành học chính quy năm 2013 tại TP Hồ Chí Minh (đối với nhóm học sinh phổ thông - khu vực 3) đạt từ 20,5 điểm trở lên (tùy ngành); tại TP Cần Thơ đạt từ 15 điểm trở lên.

Tại Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL mở rộng năm 2013, do Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức vào trung tuần tháng 8-2013, hầu hết lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành ĐBSCL đều đề xuất tăng chỉ tiêu đào tạo các ngành theo địa chỉ sử dụng, với mức điểm thấp hơn nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế. Đồng nghĩa với việc: nếu thí sinh dự thi đại học chính quy năm 2013 vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có điểm thi 3 môn chỉ khoảng 19-22 điểm (tùy ngành) đều có khả năng dự tuyển vào các ngành y - dược theo hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong khi đó, điểm tuyển trúng tuyển vào các ngành y- dược chính quy năm 2013 của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ phải đạt từ 21,5 đến 25 điểm (tùy ngành); điều này cho thấy khoảng cách chất lượng đầu vào của hai hệ "vênh" quá xa. Phát biểu tại Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng tâm tư: Trường và địa phương cần tính toán lại nhu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y tế phù hợp tình hình thực tế; quan tâm chất lượng đào tạo của sinh viên ngành y, dược và cả về y đức. Bởi vì, một số cơ sở đào tạo ngoài công lập lấy mức điểm chuẩn vào y - dược rất thấp. Cơ sở đào tạo này chỉ nhắm đến mục tiêu lợi nhuận, gây nên yếu kém trong khám và điều trị bệnh. Trong khi, sau khi ra trường, năng lực các sinh viên này không đáp ứng nhu cầu xã hội.

Không thể phủ nhận việc thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực cho vùng cũng như những ý kiến đề xuất từ các cuộc hội nghị để "vực dậy" nguồn nhân lực y tế. Song, chưa nói về điều kiện nguồn lực của các trường đào tạo nhưng khi nhìn "đầu vào" của các hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng, cử tuyển... đã thấy rõ "độ vênh" khá lớn đối với các hệ đào tạo chính quy. Vậy chuyện "xin" để tăng chỉ tiêu liệu có song hành cùng chất lượng?

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết