Một cô gái 16 tuổi dính dáng đến một vụ đụng xe hơi, làm 9 người thiệt mạng ở Thái Lan, đã trở thành mục tiêu công kích của hơn 300.000 người dùng Facebook ủng hộ một trang web được thiết lập để kết tội cô ta. Một người giận dữ viết trên trang web này rằng “chỉ có cái chết của cô mới đáng cho những gì cô đã làm”. Một trong những thành viên của chiến dịch thù ghét ảo này còn đe dọa sẽ hãm hại nếu bắt gặp cô.
 |
|
Cô gái 16 tuổi, từ một gia đình Thái Lan giàu có, đối mặt với các cáo buộc lái xe bất cẩn dẫn đến chết người và không có bằng lái, sau khi xe hơi của cô đụng vào một chiếc xe buýt công cộng nhỏ ở Thủ đô Bangkok hồi tháng trước. Không lâu sau đó, một tấm hình được tung lên mạng cho thấy có vẻ như cô gái dựa vào thanh chắn bên đường, bình tĩnh sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry, sau khi thoát khỏi tình cảnh bị chấn thương nặng. Cô nhanh chóng bị quy chụp trên các diễn đàn Internet là rảnh rỗi trò chuyện với bạn bè trong khi các nạn nhân nằm hấp hối gần đó. Hình ảnh của cô và chi tiết liên hệ cũng đã được tải lên mạng, và sau đó cô nhận được nhiều lời đe dọa sát hại. Trong khi tình huống của vụ đụng xe chưa rõ ràng, sự chửi bới trên Facebook, Twitter và các trang web khác đã làm “nổi cộm” một hiện tượng u ám về “các nhóm thù ghét” trên những trang mạng xã hội nổi tiếng.
Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Thái Lan, mà nó đang nổi lên ở nhiều quốc gia châu Á khác. Ở Trung Quốc, nơi phương tiện truyền thông truyền thống được kiểm duyệt nghiêm ngặt, web đã trở thành một công cụ quan trọng cho người dùng bộc lộ quan điểm và trút giận. Có nhiều trường hợp của diễn viên nổi tiếng, quan chức hay công dân bình thường phải hứng chịu sự bất bình hay giận dữ trên Internet, đặc biệt là khi nổ ra các vụ tham nhũng hay lạm dụng quyền lực. Một trong các vụ rùm beng nhất gần đây là liên quan đến ngôi sao điện ảnh Chương Tử Di, đã phải nhận nhiều sự chỉ trích trực tuyến sau khi có thông tin tiết lộ cô chỉ trao một phần khoản tiền ủng hộ đã hứa cho nạn nhân của trận động đất lớn ở tỉnh Tứ Xuyên hồi năm 2008. Vụ việc đã gây ra thiệt hại lớn cho cô diễn viên này và cô phải xin lỗi trong một cuộc phỏng vấn đầy nước mắt. Cuối cùng toàn bộ số tiền 152.000 USD đã được chi ra.
Ở Hàn Quốc thì có trường hợp của ca sĩ hip-hop nổi tiếng Tablo, phải đối mặt với một chiến dịch web dữ dội từ tháng 11-2009 khi những người viết blog đưa ra nghi ngờ về trình độ học vấn của anh. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra tội phạm, kết luận rằng chứng nhận học vấn của Tablo là thực, và đề nghị khởi tố 14 người viết blog về tội phỉ báng.
Supinya Klangnarong, cộng tác viên của nhóm chiến dịch ảo Thai Netizen, cho rằng những công cụ này cho phép chúng ta dễ dàng bày tỏ cảm xúc, ý tưởng và suy nghĩ. Tự bày tỏ là tốt, nhưng chúng ta cần biết giới hạn của nó và cách sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực. Chúng ta cần một chuẩn để kiểm soát thế nào là bày tỏ sáng tạo và thế nào là đe dọa.
Ngọc Tuyền (Theo AFP)