19/09/2024 - 12:04

Chàng trai chế tác xương rắn thành trang sức 

Trịnh Quang Nhã (22 tuổi, ngụ phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã chế tác đồ trang sức đẹp mắt hoàn toàn từ xương rắn, hút hồn tín đồ yêu thời trang, nhờ đó cũng giúp anh có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Nhã tỉ mẩn sáng tạo từ xương rắn.

Nhã thường tìm đến chợ để mua xác rắn đã chết. Sau đó đem về xử lý, lọc lấy xương để làm chất liệu chế tác ra sản phẩm trang sức cầu kì, tinh xảo đến từng chi tiết, tạo ra thứ trang sức độc đáo “hớp hồn” giới trẻ. Anh Nhã kể, bản thân vốn làm ngành thiết kế 2D, chủ yếu làm sản phẩm cho các local brand. Say mê vẻ đẹp của loài rắn, bản thân anh cũng nuôi một chú rắn làm kiểng nên anh mong muốn lưu giữ vẻ đẹp của chúng theo một cách riêng.

Năm 2020, tình cờ biết đến nghệ thuật làm tiêu bản xương từ các nhóm trên mạng xã hội khiến anh ấn tượng và quyết định mày mò tự học hỏi.

Những tiêu bản xương rắn hoàn chỉnh sau khi qua những công đoạn xử lý công phu.

Ban đầu, do kinh nghiệm không có, anh gặp nhiều khó khăn. Phần lớn mẫu vật mua về đều bỏ thùng rác do làm sai dẫn đến lỗi, hư hỏng… Sau nhiều lần thất bại, dần dà anh rút kinh nghiệm để cho ra các sản phẩm chỉn chu, đẹp mắt. “Khoảng 2 tháng đầu, không có kiến thức, nên phần lớn sản phẩm tôi làm ra không đạt. Ba mẹ tôi lại lo lắng bởi thấy tôi thường xuyên đem xác rắn về. Nhưng sau khi biết đó là một môn nghệ thuật nên ba mẹ tôi cũng không ngăn cấm”, Nhã cho biết.

Sản phẩm đầu tay của Nhã là tiêu bản xương rắn dài 40cm. Sau khi chia sẻ đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Đó cũng là động lực để anh gắn bó với công việc sáng tạo nghệ thuật này. Để có nguyên liệu chế tác, Nhã mua xác rắn bị chết do yếu, bệnh tật,… từ các chợ hoặc các trại nuôi với giá chỉ bằng 1/3 khi rắn còn sống. Để làm ra một sản phẩm trang sức hoàn chỉnh từ xương rắn, đầu tiên cần tìm xác rắn nhỏ phù hợp, mổ, lột da và loại bỏ nội tạng, thịt. Sử dụng bọ với số lượng lớn để loại bỏ toàn bộ thịt còn sót lại và tẩy rửa khử khuẩn những đốt xương. Sau đó, cho vào khuôn silicon và đổ nhựa resin AB cứng vào. Sau khoảng 24 giờ tách khuôn và mài dũa cho ra thành phẩm.

Mặt dây chuyền đủ màu sắc từ xương rắn.

“Do không có điều kiện nuôi bọ cánh cứng Dermestid để xử lý xương chuyên dụng. Vậy nên sau khi tìm hiểu, nhận thấy loài sâu gạo cũng là một “công nhân” xử lý chuyên cần nên tôi sử dụng bọ phát triển từ loài sâu gạo thay thế, giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chỉ khoảng 10-15 phút toàn bộ thịt sẽ bị bọ loại bỏ”, Nhã cho biết. Do tính chất của xương nên khi làm không tránh khỏi bị bọt khí. Một số nhẫn bị bọt làm thủng lỗ, phải tốn thời gian từ 1-2 ngày để sửa. Để làm ra một chiếc nhẫn từ xương rắn, anh Nhã phải tốn 2-3 ngày, thậm chí có sản phẩm mất hơn tuần. Riêng vòng tay chỉ mất thời gian khoảng 30 phút mỗi vòng. “Việc khó khăn nhất với tôi là khi đổ nhựa resin để chế tác bởi vì mình không phải thợ resin chuyên nghiệp, cũng như xương có nhiều lỗ nhỏ li ti khiến bọt khí trào lên trong resin làm mất thẩm mỹ có khi là hỏng luôn sản phẩm, phải bỏ”, Nhã cho biết.

Từ năm 2021, Nhã chính thức kinh doanh vòng tay, nhẫn từ xương rắn. Đến nay, anh đã chế tác và bán ra hơn 200 chiếc nhẫn, trên 100 chiếc vòng tay từ xương rắn. Giá bán từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm (tùy theo loại và yêu cầu của khách đặt hàng). Riêng tiêu bản rắn có giá vài triệu đồng mỗi sản phẩm. Là một người làm nghề tự do nên thu nhập của Nhã không ổn định. Có tháng thu nhập trên 10 triệu đồng, nhưng những tháng đắt hàng, thu nhập của anh lên đến vài chục triệu đồng.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết