12/11/2021 - 22:39

Chẳng có dòng nhạc nào buộc phải dung tục! 

Những năm gần đây, từ sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế về nhạc rap, dòng nhạc này nhanh chóng được giới trẻ đón nhận. Nhiều người trẻ cũng thành công từ việc sáng tác và biểu diễn nhạc rap. Vậy nhưng, dường như có sự ngộ nhận rằng: Nhạc rap là phải ngôn ngữ nửa tây nửa ta, thêm yếu tố gây sốc, dung tục thì mới hợp thời!

Bài nhạc rap “Lý Ta nói” đang được lan truyền trên không gian mạng với tốc độ chóng mặt. Công bằng mà nói, bài hát có giai điệu bắt tai nhưng khi nghe kỹ ca từ thì không thể chấp nhận được đó là một sản phẩm nghệ thuật. Thật ra, tên bài hát “Lý Ta nói” chỉ là đọc trại chữ chứ toàn bài hát đều xưng “tao” và “mày”. Thô tục “nhẹ” như: “Tao nói mày nghe, mà mày không nghe cái lời tao nói sao thằng kia? Có gan mới hay, có sao nói đi, mà tán cái ly nếu như mày không nghe lời”. Còn “nặng” thì không tiện ghi ra đây với những lời lẽ tục tằn, khó chấp nhận trong lời ăn tiếng nói hằng ngày chứ đừng nói là tác phẩm nghệ thuật.

Bài rap “Lạ quá” của B Ray và Karik đang rất nổi tiếng trên mạng xã hội cũng dung tục không kém. Hàng loạt từ tục bằng tiếng Anh được văng ra từ những “thần tượng” của giới trẻ. Hay khi nghe người có nghệ danh Danhka hát “Ngày mai ta chết”, nhiều người tức giận với sự cục súc của ca từ và tự hỏi, họ hết lời hay ý đẹp cho bài hát hay sao mà phải “tao, mày” nghe phản cảm vậy?

Nhạc rap du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng phát triển khá nhanh. Ðặc biệt, với sự xuất hiện của hai chương trình truyền hình thực tế đình đám là “Rap Việt” (HTV) và King of rap (VTV) thì làn sóng rap như vũ bão. Nhà nhà cùng rap, ai cũng hát rap với sự ngộ nhận, dễ dãi hóa một dòng nhạc. Nhạc rap thật ra là một dòng nhạc hay và có từ lâu đời ở các nước phương Tây. Nhưng hiện tại ở nước ta, không quá lời khi nói, nhạc rap đang bị biến dạng. Người hát rap phải cố chọn cho mình nghệ danh “thật quái”, “thật Tây” rồi ăn mặc dị hợm, xăm trổ khắp người để ra “chất rapper”. Ca từ của rap thì nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, thêm chút dung tục, thậm chí phản cảm thì mới được cho là “chất”, là “đời”.

Ðã có không ít vụ người hát rap bị xử lý do sử dụng ca từ, hình ảnh trái thuần phong mỹ tục. Ðơn cử nhất là một rapper nọ bị xử phạt và sám hối vì sản phẩm xúc phạm tôn giáo. Hay rapper khác với sản phẩm “Mua cho con chiếc còng tay” bị lên án vì trái luân thường đạo lý, nói chuyện loạn luân với những từ ngữ nhạy cảm.

Những bản rap nghe lời thôi đã thấy kinh hãi bởi sự dung tục nhưng nhiều người nói rằng: Có nhìn thấy các bạn trẻ lắc lư, khoái trá khi nghe những bản nhạc ấy còn đáng sợ hơn nhiều. Các bạn trẻ ấy tìm thấy được giá trị thẩm mỹ, giáo dục hay tính nhân văn nào từ những sản phẩm đó. Có chăng chỉ là những giai điệu bắt tai nhất thời hay thần tượng một cách cực đoan.

Dù cho dòng nhạc nào, hiện đại hay truyền thống, thì cái đẹp, cái nhân văn trong tác phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết. Chẳng có dòng nhạc nào buộc người ta phải dung tục, nếu không phải người hát dòng nhạc đó cố tạo ra một xu hướng, giá trị sai lệch!

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết