31/03/2024 - 09:23

Chan chứa tình người trong “Bán một cành mai ăn Tết” 

“Bán một cành mai ăn Tết” (NXB Trẻ) gồm 20 truyện ngắn về chủ đề năm mới và mùa xuân của Hoàng Công Danh. Những trang sách ấy chan chứa tình người và những câu chuyện tử tế.

Tiết trời dễ chịu của mùa xuân và không khí năm mới rộn ràng là thời gian mọi người dễ mở lòng với nhau hơn, nhất là những người cùng cảnh ngộ. Như 2 người đàn ông trung niên bán hoa chợ Tết trong truyện “Tiền rơi ở chợ hoa”. Một người bán hoa mai và một người bán hoa đào, bày hoa cạnh nhau, tâm tình và giúp nhau buôn bán. Họ còn khiến người đọc bất ngờ và xúc động ở việc xử lý gói tiền 12 triệu đồng nhặt được cũng như cách hỗ trợ nhau để kịp về quê đón năm mới cùng gia đình. Kém may mắn hơn, bà cụ trong truyện “Bán một cành mai ăn Tết” không bán được cành mai như ý; gần đó có một anh chàng thất bại trong sự nghiệp tới nỗi chỉ còn mong trúng số để vớt vát cho một năm tay trắng. Tối cuối cùng của năm cũ, anh chàng giúp bà buộc cành mai vào xe đạp chở về, tặng bà một trong hai tờ vé số xổ ngày đầu năm. Hành động nhỏ của anh làm ấm lòng người trong cái se lạnh của phiên chợ xuân...

Những truyện ngắn khác cũng gợi lên cảm xúc nhẹ nhàng, rung động như vậy. Cách viết dung dị và chân thực, tô đậm tính nhân văn càng khiến những câu chuyện thêm ấn tượng và đáng nhớ. Đó có thể là sự bất ngờ, xúc động của cô con dâu trưởng trước tình cảm của mẹ chồng và em dâu thứ dành cho mình (“Người dưng”); là nghĩa cử nhường vé trong chuyến xe chở những người đồng hương về quê của 2 người xa lạ (“Đồng hương”); là cách cư xử tinh tế của một người chồng trách nhiệm đã khiến gia đình giải quyết được khó khăn về kinh tế và luôn đầm ấm, hạnh phúc (“Quỹ đen và phong bì đỏ”); là nhiệt huyết của một cô giáo thành phố về vùng cao dạy học (“Trên đỉnh núi quanh năm có một cây nêu”). Hay chỉ là những niềm vui đơn giản từ những việc làm ý nghĩa của người bảo vệ già trong truyện “Hoa cuối năm”, của ông lão sống một mình ở quê trong truyện “Vết rạn dấu chân chim”...

Bên cạnh đó, Hoàng Công Danh cũng khiến độc giả bật cười thú vị qua những câu chuyện mang màu sắc châm biếm hoặc phóng đại như: “Một ngày đẹp trời”, “Cắt tóc đêm ba mươi”, “Chuyện trên trời rơi xuống”... Đôi lúc, lại giật mình trước sự huyền bí pha lẫn chút ma mị trong truyện “Sương mây trên đỉnh Sa Mù”, “Long mạch”...

Dù là viết về đề tài gì, Hoàng Công Danh cũng khiến người đọc ấn tượng với lối hành văn mượt mà và cách bố cục lớp lang, nhiều bất ngờ thú vị ở cái kết. Ở tập truyện ngắn này, anh không những khắc họa những giá trị văn hóa truyền thống trong đón năm mới của người Việt mà còn đào sâu những câu chuyện tử tế, ăm ắp tình ngườì; tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết