31/03/2024 - 07:36

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh 

Thống kê sơ bộ kết quả khám răng cho học sinh 10 trường học trên địa bàn TP Cần Thơ vừa qua, các bác sĩ ghi nhận 46% các cháu bị sâu răng, 15% bị viêm nướu. Các bác sĩ nha khoa khuyến cáo, chăm sóc răng miệng đúng cách cho trẻ là giải pháp hiệu quả để phòng các bệnh lý liên quan; đồng thời giúp trẻ có răng chắc, khỏe.

Tỷ lệ học sinh bị sâu răng cao

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) là đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối triển khai các hoạt động nha học đường trên địa bàn thành phố. Dự kiến giai đoạn 2023-2025, CDC Cần Thơ sẽ tổ chức khám răng cho học sinh ở 27 trường trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình nha học đường, theo Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 28-4-2023 của UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện đề án “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030”.

CDC Cần Thơ phối hợp trung tâm y tế quận, huyện khám răng cho học sinh.

Từ cuối năm 2023 đến nay, CDC Cần Thơ đã phối hợp trung tâm y tế quận, huyện, các trường học tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tại 13 trường học (mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn 4 quận, huyện: Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai. Tại các trường, đoàn khám đã hướng dẫn chải răng, khám sàng lọc bệnh răng miệng cho trên 7.400 học sinh. Qua thống kê sơ bộ kết quả khám tại 10 trường, tỷ lệ sâu răng chung (tính cả răng sữa và răng vĩnh viễn) chiếm khoảng 46% và tỷ lệ viêm nướu chiếm khoảng 15%. Để tăng cường nguồn lực cho chương trình, CDC Cần Thơ cũng huy động sự hỗ trợ từ Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam tham gia tổ chức đố vui và tặng hơn 2.700 phần quà (bàn chải, kem đánh răng) cho học sinh tại các điểm trường khám sàng lọc.

Bác sĩ Nguyễn Trương Thái Trân, Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp, CDC Cần Thơ, cho biết: Sau buổi khám, CDC sẽ tổng hợp kết quả khám răng và gửi về các trường học. Đối với các học sinh có vấn đề về răng miệng (sâu răng, viêm nướu,…), CDC cũng đề nghị nhà trường thông báo cho phụ huynh được biết để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Chăm sóc răng miệng đúng cách

Qua kết quả khám răng cho học sinh, bác sĩ Nguyễn Trương Thái Trân nhận định: Tại các trường thực hiện tốt hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe răng miệng cho học sinh thì tỷ lệ sâu răng, viêm nướu cũng thấp hơn. Vì thế nhà trường, cán bộ y tế trường học, giáo viên cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết của việc chăm sóc răng miệng cho học sinh và phụ huynh. Dự kiến trong quý II-2024, Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp, CDC Cần Thơ, tiếp tục triển khai khám lưu động tại các trường học trên địa bàn quận Bình Thủy, quận Ninh Kiều và mở rộng thực hiện ở các quận, huyện còn lại. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trương Thái Trân, trẻ bắt đầu mọc răng sữa đầu tiên khi khoảng 6-8 tháng tuổi, quá trình này kéo dài và hoàn thiện bộ răng sữa khi bé đạt 25-33 tháng. Do đó, trẻ nên bắt đầu được vệ sinh răng ngay từ khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Giai đoạn 6 tháng tuổi đến trước 2 tuổi: cần vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng gạc với nước muối sinh lý, hoặc chải răng cho trẻ bằng bàn chải lông mềm, phù hợp lứa tuổi (có thiết kế cán bàn chải ngắn, phù hợp cầm nắm cho trẻ) với kem đánh răng không chứa fluor (loại nuốt được). Giai đoạn từ 2 tuổi: phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tự chải răng bằng bàn chải lông mềm, phù hợp lứa tuổi. Tuy nhiên phụ huynh cần kiểm tra và có thể chải lại thêm lần nữa cho trẻ để đảm bảo răng được vệ sinh sạch sẽ. Bắt đầu cho trẻ chải răng với kem đánh răng có fluor khi trẻ biết nhổ bọt ra theo hướng dẫn của người lớn để tránh việc trẻ nuốt kem đánh răng làm tăng hấp thu fluor, có thể làm nhiễm fluor sau này. Nên dùng loại kem đánh răng cho trẻ em, mùi vị hấp dẫn, ít cay và hàm lượng fluor phù hợp lứa tuổi.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nha khoa, trẻ em từ 3-6 tuổi nên sử dụng kem đánh răng có nồng độ fluor từ 200-500ppm (1ppm = 1mg/L). Trẻ 6-11 tuổi nên dùng kem đánh răng với hàm lượng fluor không quá 1.000ppm. Từ 12 tuổi, trẻ có thể sử dụng kem đánh răng có hàm lượng fluor như người lớn. Chải răng đúng cách, ít nhất 2 lần/ngày sau bữa ăn, nhất là bữa tối. Tránh chải răng theo chiều ngang vì có thể gây mòn cổ răng. Có thể dùng thêm nước súc miệng hằng ngày như nước muối sinh lý, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng, hoặc có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, hỗ trợ làm sạch các mảng bám thức ăn sẽ giúp hạn chế vi khuẩn trong khoang miệng. Trong chế độ ăn hằng ngày, cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi, chất xơ và vitamin B, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga... Ngoài ra, khi sâu răng nhẹ thường không có triệu chứng. Vì thế, cha mẹ nên có thói quen đưa trẻ đi khám răng định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm, tránh gây các biến chứng về sau.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết