Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Bên cạnh yếu tố môi trường và lối sống hằng ngày, tuổi tác cũng tác động to lớn tới nhu cầu ngủ. Vì thế, hiểu rõ những yếu tố chi phối giấc ngủ sẽ giúp mỗi người xây dựng thói quen ngủ, nghỉ phù hợp. Dưới đây là lời khuyên chăm sóc giấc ngủ theo từng độ tuổi của các chuyên gia sức khỏe Mỹ.
Độ tuổi 20
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người từ 18-60 tuổi cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, người trong độ tuổi 20 khó ngủ đủ thời lượng này vì có lối sống năng động, thường thức khuya hoặc phải dậy sớm để đi học hoặc đi làm. Theo chuyên gia thần kinh học Paul Kaloostian, đó là vì đối tượng này linh hoạt hơn về nhu cầu thể chất và não bộ của họ rất dễ thích ứng hoàn cảnh. Dù vậy, người nhóm tuổi này cần xây dựng thói quen ngủ có lợi cho sức khỏe về lâu dài, như tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine, hạn chế tình trạng căng thẳng tinh thần và tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày để đảm bảo có giấc ngủ tốt.

Sau tuổi 40, chất lượng giấc ngủ của nữ giới suy giảm mạnh hơn so với nam giới.
Ðể dậy sớm dễ dàng hơn, Tiến sĩ tâm lý Lynelle Schneeberg gợi ý người độ tuổi 20 cần tập thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày, phơi nắng sớm và dùng bữa sáng trong vòng 1 tiếng sau khi thức dậy.
Độ tuổi 30
Nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi 10 năm, thời lượng giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) sẽ giảm 2% và thời lượng giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) cũng giảm dần theo cho đến lúc 60 tuổi. Tuy người ở độ tuổi 30 bắt đầu cảm nhận tác động mà tuổi tác gây ra, nhưng rào cản lớn nhất mà họ cần vượt qua để có được giấc ngủ ngon lúc này là các yếu tố môi trường, như lịch trình làm việc, sử dụng đồ công nghệ, nghĩa vụ gia đình, áp lực tài chính. Song, đây cũng là thời điểm thông minh để giải quyết những rối loạn giấc ngủ mà nếu không được chữa khỏi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể về lâu dài - chẳng hạn như chứng ngừng thở khi ngủ.
Những người lập gia đình ở độ tuổi 30 còn cần cân bằng nhu cầu ngủ của bản thân dựa trên thói quen ngủ của các con. Do đó, họ cần dạy trẻ cách phát triển thói quen ngủ có lợi, để qua đó cũng đảm bảo bản thân được ngủ đủ giấc. Lời khuyên chung cho độ tuổi 30 là duy trì lịch trình thức/ngủ nhất quán, hạn chế tiêu thụ caffeine, năng tập thể dục, uống nhiều nước và dùng thực phẩm có lợi cho giấc ngủ.
Độ tuổi 40
Những người tuổi tứ tuần cần hiểu rằng nhu cầu ngủ thay đổi ra sao sau mỗi 10 năm và nếu đang theo đuổi lối sống lành mạnh thì họ có thể ngăn chặn một số tác động bất lợi. Hơn nữa, người trên 40 tuổi cũng cần điều chỉnh thói quen theo những hướng dẫn chung về giấc ngủ. Việc thực hiện đều đặn một hoạt động nào đó mỗi ngày trước giờ ngủ, ví dụ như uống sữa nóng hoặc vệ sinh răng miệng, giúp báo hiệu cho não bộ biết rằng bạn sẽ sớm nghỉ ngơi. Người thuộc nhóm tuổi này cũng cần tránh ngủ trưa quá lâu - đặc biệt là vào lúc xế chiều - để buổi tối dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Thực tế cho thấy một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm, nên duy trì thể chất khỏe mạnh cũng tác động tích cực đến chất lượng giấc ngủ.
Độ tuổi 50
Ðây là độ tuổi có những thay đổi rõ rệt nhất về giấc ngủ. Do có thể khởi phát nhiều bệnh, người ở độ tuổi này thường dùng nhiều loại thuốc vốn có thể ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ. Vì vậy, ngoài thực hiện một lối sống lành mạnh, người tuổi ngũ tuần cần hỏi ý kiến bác sĩ để tránh dùng các loại thuốc góp phần gây mất ngủ. Ở độ tuổi 50, sự suy giảm chức năng của vùng dưới đồi trong não và những thay đổi về nồng độ 2 hoóc-môn melatonin và cortisol cũng bắt đầu diễn ra, ảnh hưởng chất lượng và thời lượng ngủ. Ðây là lý do vì sao người trên 50 tuổi bắt đầu ngủ ít hơn, hoặc thường xuyên thức giấc giữa đêm.
Xét về giới tính, phụ nữ - nhất là những người đang trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh - thường có tỷ lệ mất ngủ tăng lên đáng kể.
AN NHIÊN (Theo Realsimple.com)