01/06/2018 - 07:13

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6

Chăm lo thiếu nhi phát triển toàn diện 

Trẻ em là tương lai đất nước, niềm tự hào, hạnh phúc mỗi gia đình nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục từ gia đình cũng như xã hội để trẻ phát triển toàn diện nhất. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại TP Cần Thơ được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng những hoạt động ý nghĩa. Nổi bật là tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ, tích cực vận động chăm lo thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng sống... Qua đó, giúp thiếu nhi phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố ký kết kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em. Ảnh: QUỐC THÁI
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố ký kết kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em. Ảnh: QUỐC THÁI

Không để trẻ yếu thế thiệt thòi

Những ngày cuối tháng 5, học sinh Trường Tương Lai (quận Ninh Kiều) hớn hở thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, dự liên hoan chia tay dịp cuối năm học. Theo cô Trần Thị Phương Ánh, Hiệu trưởng nhà trường, trường hiện có 165 học sinh thuộc đối tượng trẻ em chậm phát triển về trí tuệ. Trường tiếp nhận trẻ từ 6 đến 11 tuổi các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền và một phần quận Ô Môn. Hơn 30 năm qua, Trường Tương Lai không chỉ là mái nhà thứ hai, mà còn là nơi vun đắp, giáo dục các em phát triển ngôn ngữ, rèn kỹ năng sống để sớm hòa nhập cộng đồng. Cô Ánh cho biết: "Nhờ sự quan của các cấp, các ngành, trường được xây dựng lại khang trang và đưa vào sử dụng từ tháng 3-2017. Hiện trường có 10 phòng học và các phòng chức năng, như: hướng nghiệp - nghề nghiệp, tập vật lý trị liệu, can thiệp rối loạn hành vi, với trang thiết bị đầy đủ, đảm bảo thực hiện tốt công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ". Tại Trường Tương Lai, các em được dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết làm việc nhà và được định hướng nghề nghiệp với 3 lĩnh vực: thêu may (dành cho nữ), tiểu thủ công cơ bản (dành cho nam) và chăm sóc cây hoa kiểng, rau.

Di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, em Lê Thị Như Ý (14 tuổi, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều) bị teo chân, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Gia cảnh khó khăn, cha chạy xe ôm, mẹ làm thuê nên Ý càng tự ti, ít nói, sống khép kín. Hơn 3 năm học tại trường, qua các hoạt động ngoại khóa: tham quan các di tích lịch sử- văn hóa, trải nghiệm đi siêu thị, công viên,... giúp Ý tự tin, dạn dĩ hơn trong giao tiếp, hình thành kỹ năng giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, Ý có thể tự vệ sinh thân thể, giữ gìn quần áo sạch sẽ, biết đọc - viết chữ và hăng hái tham gia hoạt động văn nghệ. Cô Trần Thị Phương Ánh chia sẻ: "Chúng tôi dạy các kỹ năng để sau khi rời trường, các em có thể tự chăm sóc bản thân và phụ giúp một số việc cơ bản trong gia đình, như: dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, hoa kiểng hoặc buôn bán nhỏ…". Hằng năm, nhiều nhà hảo tâm, phụ huynh đóng góp gửi tặng các em nhiều phần quà từ các loại nhu yếu phẩm, đến dụng cụ học tập hoặc tổ chức nhiều sân chơi bổ ích…

Các cấp bộ Đoàn - Đội trong thành phố cũng đẩy mạnh vận động xã hội chăm lo cho thiếu nhi, nhất là trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi. Từ đầu năm đến nay, tuổi trẻ thành phố xây dựng 10 căn nhà "Khăn quàng đỏ", vận động gần 9.000 phần quà tặng thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng. Cuối tháng 5-2018, Hội đồng Đội TP Cần Thơ, Quận đoàn Bình Thủy và Đảng ủy- UBND phường An Thới bàn giao căn nhà "Khăn quàng đỏ" cho em Nguyễn Ngọc Thúy Ngân, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Long Hòa 2. Gia đình Ngân rất khó khăn, cha làm thợ hồ, mẹ đi bán vé số, thu nhập bấp bênh... Căn nhà "Khăn quàng đỏ" được trao tặng rộng 30m2, trị giá 55 triệu đồng, nền lót gạch bông, vách tường kiên cố. Anh Nguyễn Thái Huy (cha Ngân) tâm sự: "Tôi rất vui vì các con được tặng quà, dụng cụ học tập, học bổng để có điều kiện tiếp tục đến trường".

Tạo môi trường giúp trẻ phát triển

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết, những năm qua, còn một bộ phận trẻ em chưa được hưởng đầy đủ hoặc một phần các quyền cơ bản. Toàn thành phố hiện có khoảng 2.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, chủ yếu trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi… Tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại còn xảy ra nên cần thiết tạo điều kiện "an toàn" để trẻ em phát triển. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em gắn với 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Hằng năm, Thành đoàn Cần Thơ đều tổ chức Ngày hội Tuổi thơ với nhiều hoạt động vui chơi cho thiếu nhi thành phố. Trong ảnh: Thiếu nhi TP Cần Thơ tham gia vũ hội đường phố trong khuôn khổ Ngày hội Tuổi thơ năm 2018. Ảnh: QUỐC THÁI
Hằng năm, Thành đoàn Cần Thơ đều tổ chức Ngày hội Tuổi thơ với nhiều hoạt động vui chơi cho thiếu nhi thành phố. Trong ảnh: Thiếu nhi TP Cần Thơ tham gia vũ hội đường phố trong khuôn khổ Ngày hội Tuổi thơ năm 2018. Ảnh: QUỐC THÁI

Theo anh Trần Hải Long, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, với chủ đề  "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số", trong dịp hè, Thành đoàn- Hội đồng Đội thành phố sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn cho thiếu niên, nhi đồng, như: tập huấn bơi lội và phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn thương tích; kỹ năng phòng, chống rắn cắn, côn trùng đốt và kiến thức về an toàn giao thông. Phối hợp mở các khóa huấn luyện "Học kỳ quân đội", "Em học làm chiến sĩ Công an nhân dân", "Một ngày làm Cảnh sát phòng cháy chữa cháy"… để trang bị kỹ năng sống cho các em. Tuổi trẻ thành phố tiếp tục phối hợp các ngành đẩy mạnh vận động tặng học bổng, dụng cụ học tập, phát động cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu học sinh nghèo.

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, đại diện Ban Thường vụ Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Ban An toàn giao thông thành phố ký kết kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em. Dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh tặng quà cho 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, anh Võ Anh Tuấn, Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi (VHTN) quận Ninh Kiều, cho biết, sẽ phối hợp các ngành tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho thiếu nhi dịp hè. Cụ thể, Nhà VHTN quận mở các lớp văn hóa nghệ thuật: ca, múa, khiêu vũ thể thao, đàn organ, piano, guitar, hội họa; tập huấn lớp kèn Đội, tổ chức hội thi "Viết chữ đẹp" dành cho học sinh khối tiểu học và "Văn hay, chữ đẹp" dành cho học sinh khối THCS. Bên cạnh đó, Nhà VHTN quận tiếp tục phát huy hiệu quả các câu lạc bộ: ca, múa thiếu nhi, Anh văn, Võ thuật, Kỹ năng sống. "Để tạo cơ hội cho trẻ em có môi trường vui chơi, học tập tốt, Nhà VHTN quận miễn giảm học phí cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đăng ký học các môn văn hóa, nghệ thuật trong dịp hè"- anh Võ Anh Tuấn chia sẻ.

*   *   *

Thực hiện Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, tuổi trẻ thành phố phối hợp với các địa phương tập trung tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống và phổ biến kiến thức pháp luật; chú trọng phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi thông qua ngày hội đọc sách, mô hình tủ sách lưu động, tổ chức trại hè, học kỳ quân đội, xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi kết hợp với việc tiếp nhận học sinh tham gia sinh hoạt hè tại địa bàn. Các đội hình thanh niên tình nguyện phối hợp xã, phường, thị trấn duy trì ít nhất 1 điểm vui chơi, tổ chức ít nhất 10 lớp dạy bơi cho trẻ em và thực hiện chương trình "Trường đẹp cho em" (sửa chữa, vệ sinh trường lớp) ít nhất 30 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết