03/06/2008 - 10:38

Chăm lo nhà ở cho giáo viên

An cư mới lạc nghiệp. Thế nhưng, toàn TP Cần Thơ đang có khoảng 2.000 giáo viên thiếu thốn về nhà ở. Trong nhiều năm qua, khó khăn này đã được Công đoàn ngành giáo dục thành phố tháo gỡ bằng nhiều cách. Song, để giải quyết vấn đề một cách căn cơ và triệt để, cần những giải pháp mang tính chất đồng bộ.

Ba căn nhà công vụ vừa được xây tại Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền, với kinh phí 130 triệu đồng do Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ ủng hộ. Ba căn nhà này đã giải quyết chỗ ở cho gần 20 giáo viên ở xa đến dạy học, tháo gỡ được phần nào khó khăn cho các thầy cô nơi đây. Thầy Bùi Công Tạo, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện Phong Điền, cho biết: “Trước đây, khi chưa có nhà công vụ, thầy cô giáo phải ở nhờ nhà dân hay kê bàn nghỉ trưa tại lớp học. Cũng do không có nhà công vụ, ngày nào giáo viên cũng phải đi đi về về, tốn khoảng 3 giờ đồng hồ và 1,5 lít xăng cho mỗi người”. Còn thầy giáo Lê Văn Thuận cho biết: Nhà thầy ở tỉnh Hậu Giang, việc có nhà công vụ đã làm cho giáo viên không những tiết kiệm được thời gian, tiền bạc mà cả sức khỏe nữa. Thay vì phải mất thời gian đi về, bây giờ giờ rảnh rỗi thầy cô có thể soạn giáo án, chơi cờ, xem ti vi...

Các giáo viên Trường THCS Trường Long phấn khởi trong căn nhà công vụ do Công đoàn ngành Giáo dục thành phố vận động xây dựng. Ảnh: ANH DŨNG. 

Cũng là mô hình nhà công vụ, song Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ lại có cách làm khác: Vận động Hội Phụ huynh học sinh vào cuộc. Thầy Huỳnh Ngọc Xinh, Hiệu trưởng trường, cho biết: Do trường mới chia tách từ Trường Hà Huy Giáp, giáo viên lại ở xa đến nhiều, vì vậy nhà công vụ là không thể không có. Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường đã trình bày với ban đại diện hội cha mẹ học sinh. Và đã có kết quả ngay lập tức. Ông Trần Văn Phùng, Trưởng Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh của trường, cho biết: “Phụ huynh học sinh người đóng góp 1 triệu, người 2 đến 3 triệu đồng. Nhờ đó, Hội đã xây dựng được 6 phòng, giải quyết chỗ ở cho 24 giáo viên độc thân. Thừa thắng xông lên, năm sau, Hội tiếp tục vận động xây thêm 7 căn cho 7 hộ gia đình giáo viên. Hội tự đứng ra thiết kế, rồi vận động phụ huynh giúp công xây dựng nên rất đỡ tốn kém”.

Nhờ đẩy mạnh việc xã hội hóa xây dựng nhà công vụ và vận động hội phụ huynh vào cuộc, đến nay, Cờ Đỏ đã xây dựng được 41 nhà công vụ - giải quyết 80% nhu cầu về nhà ở cho giáo viên từ xa đến, dẫn đầu trong toàn thành phố về phong trào này.

Ngoài mô hình nhà công vụ, việc xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cũng được xem như một kênh quan trọng để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho giáo viên. Theo LĐLĐ TP Cần Thơ, 80% kinh phí của Quỹ “Tấm lòng vàng” do công nhân lao động đóng góp được dành cho ngành giáo dục. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở trong giáo viên là những “gam màu nóng” trong bức tranh chung về nhà ở của công nhân, viên chức, lao động. Trung bình mỗi “Mái ấm Công đoàn” được đầu tư 12 triệu đồng, các hộ gia đình có thể giúp thêm kinh phí tùy theo khả năng để có thể xây dựng những ngôi nhà theo ý muốn. Thầy Trần Phương Bình, Trường Tiểu học xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, kể: “Được quỹ hỗ trợ 12 triệu đồng, gia đình tôi vay thêm ngân hàng và tiền dành dụm bấy lâu, để xây nhà. Nhờ đó, cả gia đình đã thoát khỏi cảnh ở trong cái chòi nhỏ ngoài bờ ruộng...”.

Một cách làm khác được Công đoàn ngành giáo dục thực hiện thành công đó là lập dự án xây dựng làng giáo viên, từ đó mua đất trong dân, rồi Công đoàn đứng ra xây dựng hạ tầng cơ sở như đường, điện, nước, sau đó phân lô bán nền theo giá rẻ. Dự án đã thành công ở phường Phước Thới, quận Ô Môn; mỗi nền 100m2 ở đây chỉ có giá trên 60 triệu đồng và được trả dần trong 3 lần. Đến nay, 60 giáo viên đã được xét mua và trong tương lai không xa, một làng giáo viên sẽ được hình thành tại đây.

Với 3 cách làm là xây dựng nhà công vụ, xây dựng “Mái ấm Công đoàn”, xây dựng các dự án bán nền nhà cho giáo viên, những năm qua, Công đoàn ngành giáo dục đã đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho giáo viên. Tuy nhiên, mô hình nhà công vụ chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, còn về lâu về dài, giáo viên cần được an cư, cần có được ngôi nhà cho riêng mình. Còn mô hình “Mái ấm Công đoàn” cũng chỉ áp dụng được với những trường hợp giáo viên đã có sẵn đất, nền nhà, mà với đồng lương giáo viên hiện nay, thì việc tự mua đất vượt khỏi khả năng của nhà giáo. Trong sâu thẳm lòng mình, các thầy cô vẫn mơ ước có được một mái ấm riêng của mình. Nhưng đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?

Ông Tống Chí Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục quận Ô Môn, cho rằng: “Nhà nước cần xây dựng các chung cư cao tầng bán rẻ cho giáo viên. Tổ chức Công đoàn cũng tiếp tục xây dựng thêm các dự án về nhà ở để giải quyết rốt ráo vấn đề này”. Đồng chí Hồ Thị Hòa, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục thành phố, thì cho rằng: “Nhu cầu về nhà ở của giáo viên đến nay vẫn còn cao. Giải quyết tốt vấn đề này, ngoài quyết tâm của tổ chức Công đoàn, còn cần đến sự ủng hộ của chính quyền các cấp và nhất là sự tự thân phấn đấu vươn lên của bản thân các nhà giáo”.

BÁ ĐẠT

Chia sẻ bài viết