18/09/2008 - 08:02

Huyện Vĩnh Thạnh

Chăm lo cho học sinh, giáo viên

Vĩnh Thạnh là huyện xa trung tâm thành phố, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Nhờ đó, Vĩnh Thạnh luôn là một trong những đơn vị đạt thành tích cao về giáo dục của thành phố.


Trước ngày khai giảng năm học mới, anh Nguyễn Thành Tiến, nhà ở ấp Vĩnh Quới, thị trấn Vĩnh Thạnh, chở con gái học lớp 2 đến điểm nhận quà do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential trao cho 50 học sinh nghèo hiếu học của huyện. Nhìn con nhận quà, anh Tiến cảm động: “Chuẩn bị cho 2 đứa con đi học, vợ chồng tôi chỉ mua được 10 quyển tập. Bây giờ, con nhận được tập và tiền, tôi mừng lắm”. Với nhiều người, phần quà trị giá 100.000 đồng không lớn, nhưng với vợ chồng anh Tiến là rất quí. Gia đình không ruộng đất, vợ chồng anh Tiến làm thuê làm mướn kiếm sống, tiền công ngày nào ăn hết ngày đó, lấy đâu tiền mua sách, cặp, quần áo cho con đi học. Anh Tiến kể: “Tôi đã làm đơn xin miễn giảm học phí cho con, nhưng vẫn phải đóng khoảng 200.000 đồng. Hai vợ chồng ráng lo, quyết không để con phải nghỉ học”.

Năm học này, Võ Ngọc Đóa, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, không còn phải lội bộ hoặc quá giang bạn bè đến lớp. Em vừa nhận được chiếc xe đạp do Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh trao tặng. Đóa phấn khởi khoe: “Có xe mới, đường đến trường của em và anh trai đỡ vất vả hơn”. Nhà cách trường hơn 4km, trước đây, mỗi sáng hai anh em Đóa chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi học. Những buổi xe hư, không có tiền sửa, hai anh em phải lội bộ hoặc quá giang bạn bè. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chuyện mua xe đạp mới đối với anh em Đóa chỉ là mơ ước. Đóa kể: “Ban ngày đi học; ban đêm, em và anh trai đi giăng lưới bắt cá cho mẹ bán. Những ngày cha mẹ không tìm được việc làm thuê, hai anh em bắt cá bán được bao nhiêu thì cả nhà chi xài bấy nhiêu. Tiết kiệm mãi mà nhà em không thể nào mua nổi chiếc xe đạp, dù chỉ là xe cũ”.

Theo ông Phan Văn Hợi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, những năm qua, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể đối với học sinh trên địa bàn huyện đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Trong đó, nổi bật nhất là Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh. Học sinh thiếu tập, Hội Khuyến học hỗ trợ tập; học sinh ở xa trường, thiếu điều kiện đi học, Hội tặng xe đạp... Ông Phạm Ngọc Trác, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi coi việc chăm lo cho học sinh là trách nhiệm chung của Hội, của cộng đồng. Mỗi học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn là nỗi băn khoăn, bức xúc của từng thành viên trong Hội. Vì vậy, chúng tôi cố gắng vận động các mạnh thường quân, các đơn vị hỗ trợ, giúp các em được tiếp tục học tập và học thật giỏi”.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ và Công ty BHNT Prudential trao quà cho học sinh nghèo huyện Vĩnh Thạnh vào đầu năm học mới. Ảnh: L.G 

Để chuẩn bị cho năm học 2008-2009, Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh đã vận động và trao cho học sinh nghèo 165 chiếc xe đạp, gần 1.000 phần quà, hơn 10 ngàn quyển tập và nhiều suất học bổng... Theo thống kê của Công đoàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh, đầu năm học này, các đơn vị đã hỗ trợ quà và học bổng trị giá trên 170 triệu đồng cho học sinh của huyện. Ông Phạm Ngọc Trác cho biết: “Không dừng lại ở những hoạt động trên, Hội sẽ luôn đồng hành với học sinh trong suốt năm học để kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn”.

Bên cạnh việc chăm lo cho học sinh, các ban, ngành, hội, đoàn thể còn quan tâm đến đời sống giáo viên. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi cũng đã vận động để xây dựng 5 căn nhà mái ấm công đoàn cho 5 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ở các trường: Tiểu học Thị trấn Thạnh An 3, Tiểu học Thạnh Phú 1, THCS Cờ Đỏ, Tiểu học Thạnh Mỹ 2 và Tiểu học Vĩnh Trinh 3. Sự hỗ trợ này sẽ phần nào giúp giáo viên an tâm công tác. Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng vừa kết hợp trao 51 suất học bổng tấm lòng vàng và tuyên dương con em giáo viên học giỏi...”.

Công tác xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh chăm lo cho học sinh, giáo viên có điều kiện học tập, giảng dạy tốt hơn. Ông Phan Văn Hợi khẳng định: “Năm học 2008-2009, ngành giáo dục huyện tiếp tục kết hợp cùng các đoàn thể đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục để chăm lo tốt cho học sinh, giáo viên”.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết