12/12/2016 - 20:01

Chăm bữa ăn cha mẹ già

Cha mẹ bước vào tuổi già như "chuối chín cây", việc ăn uống tưởng dễ dàng cũng trở nên khó khăn, lại mắc phải nhiều bệnh mãn tính kèm theo, khiến cơ thể suy kiệt. Do vậy, con cháu, người thân cần quan tâm để người cao tuổi (NCT) có chế độ ăn uống hợp lý, để dung nạp đầy đủ năng lượng, sống khỏe mạnh, an vui tuổi xế chiều.

Mấy tháng nay, dì Võ Thị Tám (69 tuổi, ở quận Bình Thủy) bị sụt cân, ốm hẳn vì ăn uống kém. Qua trò chuyện, dì chia sẻ, dạo gần đây, bác sĩ nói dì bị mỡ trong máu và chỉ số đường huyết cao, nên dì phải kiêng cử nhiều loại thức ăn. Không chỉ vậy, dì Tám còn đau dạ dày, thường xuyên ăn không tiêu dẫn đến sợ ăn uống.

 Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, NCT cần quan tâm tập thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe. Ảnh: P.M

Chú Trần Hải Thanh (63 tuổi, ở quận Ninh Kiều) bị suy nhược cơ thể, phải nhập viện điều trị. Các con chú Thanh cho biết, chú rất sợ bệnh; hễ bệnh là tìm bác sĩ thăm khám, uống thuốc hằng ngày, không bỏ cữ nào, nhưng không chịu ăn uống điều độ nên dù uống thuốc bệnh vẫn không khỏi và sức khỏe ngày càng giảm sút.

Sự buồn chán, cô đơn tuổi xế chiều cũng ảnh hưởng đến tình trạng chán ăn ở NCT. Dì Trần Thị Hai (ở quận Bình Thủy) tâm sự, trước đây, khi các con còn nhỏ, đời sống kinh tế gia đình thiếu thốn, nhưng cả nhà quây quần cùng nhau, cơm canh đạm bạc nhưng rất ngon. Giờ cuộc sống dư dả nhưng trống vắng, vì con cái bận rộn công việc, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Dì một mình thui thủi, quanh quẩn nên đến bữa cơm chỉ ăn chút đỉnh cho có, chớ không còn cảm giác ngon miệng.

Theo bác sĩ Trần Trọng Nhân, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NCT chán ăn uống, suy yếu. Trước hết, chính là tuổi càng cao thì các chức năng trong cơ thể càng suy giảm; trong đó, mắt mũi, vị giác đều kém nên ít bị kích thích bởi mùi vị thức ăn. Tình trạng mất răng, răng lung lay cũng ảnh hưởng việc nhai của NCT. Đồng thời, chức năng dạ dày, ruột suy giảm nên tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất cũng giảm theo. Bên cạnh đó, NCT thường mắc phải nhiều bệnh lý mãn tính như: tiêu hóa, xương khớp, tim mạch… với nhiều triệu chứng dai dẳng, gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng tâm lý, khiến người bệnh không thiết tha ăn uống, chỉ quan tâm uống thuốc để mau khỏi bệnh. Uống nhiều thuốc, uống liên tục, các tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng chức năng tiêu hóa thức ăn, giảm cảm giác ngon miệng, khiến NCT dần chán ăn. Nhiều người không biết rằng dinh dưỡng tốt có thể đẩy lùi bệnh tật.

Bác sĩ Trần Trọng Nhân khuyến cáo, khi NCT ăn uống kém nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn hướng điều trị, can thiệp kịp thời, tránh kéo dài, khiến sức khỏe suy kiệt. Chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho NCT cần đủ chất, đa dạng các thành phần. Uống đủ nước cũng giúp NCT hấp thu các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn và tránh táo bón. Trung bình uống 2- 2,5 lít nước/ngày. Đa phần NCT thiếu can xi do quá trình lão hóa, do đó, trong chế độ ăn cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu can xi, như ăn các loại đậu, bông cải xanh, tôm, cua, các loại cá nhỏ nhai luôn xương… Bên cạnh nguồn thực phẩm, cần bổ sung loại sữa phù hợp để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể. NCT cũng cần vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, tăng cường sức khỏe. Quan trọng hơn cả, con cái, người thân cần quan tâm đến ông bà, cha mẹ, nhất là qua những bữa cơm gia đình, để người cao tuổi cảm thấy được quan tâm, được yêu thương, nên ngon miệng, ăn nhiều hơn. Qua đó, sức khỏe NCT tốt hơn, đủ sức vượt qua bệnh tật, an vui cùng con cháu.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết