18/04/2011 - 20:39

TP CẦN THƠ

Cây mè cho hiệu quả kinh tế cao

Trồng mè ở phường Thới An, quận Ô Môn.
Ảnh: V.CÔNG

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua có nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa đông xuân đã chuyển ngay sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày (trong đó cây mè thường chiếm 3/4 diện tích) và các loại cây màu trên chân ruộng lúa. Trong đó, mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày - mè đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa chuyên canh...

* Hiệu quả cây mè

Năm 2010, toàn thành phố gieo trồng gần 5.000ha cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó cây mè chiếm khoảng 3/4 diện tích. Loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực của thành phố được trồng ở vùng gần bờ sông Hậu, thuộc 2 quận Thốt Nốt và Ô Môn. Vụ mè xuân hè 2010, tại các quận này thu hoạch cho năng suất trung bình khoảng 1-1,23 tấn/ha. Vụ này, nông dân làm ra bao nhiêu mè bán cũng hết, giá mè trên thị trường trung bình khoảng 25.000-26.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến trên 30.000 đồng/kg (vào đầu vụ), thấp nhất khoảng 23.000 đồng/kg. Với mức giá trên, nông dân có thu nhập thường khoảng 25-29 triệu đồng/ha và có thể hơn, được xem cao hơn trồng lúa vụ này. Anh Âu Thanh Quang (ở khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) trồng 10 công mè vụ xuân hè 2010 thu hoạch được 1,8 tấn, trừ chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng. Anh Quang cho biết, đã canh tác 2 lúa-1 mè được hơn 10 năm nay, đất nhà gò cao trồng mè cho hiệu quả cao hơn gấp đôi so với trồng lúa vụ xuân hè, cây mè ít sâu bệnh nên cũng dễ chăm sóc hơn.

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, vụ xuân hè năm nay diện tích trồng mè tại 2 địa phương Ô Môn và Thốt Nốt tiếp tục tăng. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, vụ này nông dân trong quận trồng 2.851ha mè, tập trung chủ yếu ở các phường như: Trung Kiên, Tân lộc, Thuận Hưng... (trong khi năm 2010 mè chỉ khoảng 2.185ha)...

Ông Cao Ngọc Lợi, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông quận Ô Môn, cho biết: “Hiện đang có hơn 1.400ha mè, tăng hơn 200ha so với cùng kỳ năm trước. Vụ xuân hè này cây mè được nông dân Ô Môn trồng ngày càng nhiều trên chân ruộng lúa tại các vùng đất gò ở các phường như: Thới Long, Thới An, Phước Thới...”. Quận Ô Môn định hướng phát triển tăng diện tích cây mè (mô hình 2 lúa-1 màu), chủ yếu là vận động nông dân xuống giống mè ở những vùng đất thích hợp cho loại cây này phát triển.

Ông Phan Văn Tám, ở khu Vực Thới Trinh, phường Thới An, Ô Môn, trồng 3 công mè, cho biết: “Tôi mới thu hoạch, mè hiện đã có thương lái đến hỏi mua với giá 42.000 đồng/kg. Mè của tôi vụ này không trúng lắm, chỉ đạt khoảng 8 giạ/công (tương đương 160 kg/công). Nhưng với giá bán 42.000 đồng/kg (tăng 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), tính sơ tôi đã có lời khoảng 5 triệu đồng/công mè, cao hơn gấp đôi mức lời của vụ lúa đông xuân 2010-2011”. Ông Dương Văn Việt, ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn đã có thâm niên gắn bó với cây mè được 9 năm, cho biết: Trước đây tôi làm lúa chuyên canh, từ năm 2003 tôi chuyển 8 công lúa sang trồng mè trong vụ hè thu. Khi ấy, giá mè chỉ ở mức 13.000 đồng/kg, nhưng 8 công mè của tôi cho lợi nhuận trên 12 triệu đồng/vụ. Từ đó đến nay tôi liên tục duy trì việc trồng mè luân canh trên chân ruộng lúa. Vụ hè thu 2011, tôi trồng 6 công mè luân canh trên chân ruộng lúa, 2 công ruộng còn lại tôi chuyển hẳn sang trồng chuyên canh rau muống. Với giá mè ở mức 40.000-42.000 đồng/kg hiện nay, có thể lời 5-7 triệu đồng/công, còn mè thất cũng lời được 1 vài triệu đồng/công, nhưng ít tốn công chăm sóc hơn nhiều so với làm lúa...”.

* Cần hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nông dân

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã định hướng và khuyến khích nông dân phát triển trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày có khả năng tồn trữ lâu, chờ giá cao mới bán như: mè, đậu xanh... Nhưng do thiếu kỹ thuật, vốn, điều kiện kho chứa... nên đa số nông dân phải bán sản phẩm cho thương lái ngay sau thu hoạch và thường bị “ép giá” khi bước vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong những năm gần đây, giá lúa trong vụ hè thu thường tuột xuống ở mức thấp nhất so với các vụ lúa khác, trong khi đó chi phí sản xuất lúa lại tăng cao do mùa nắng, phải tốn nhiều chi phí cho tiền bơm nước. Do vậy, vụ hè thu được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chọn phát triển trồng cây công nghiệp ngắn ngày trên chân ruộng lúa. Tuy nhiên, điều mà nhiều nông dân lo lắng nhất và còn ngại phát triển mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày luân canh trên chân ruộng lúa chính là đầu ra sản phẩm. Do vậy, nông dân rất cần sự định hướng sản xuất từ các ngành chức năng và cần được sự hỗ trợ thêm về kỹ thuật và thông tin thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Dẫn, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, lúa vụ xuân hè năng suất không cao nên nông dân chuyển qua trồng màu (canh tác theo 2 lúa-1 màu). Đối với ngành chức năng địa phương khuyến khích phát triển diện tích mè phù hợp chứ không phát triển mạnh, bởi vì cây mè chỉ thích hợp ở các khu vực đất cao, không phù hợp với vùng đất thấp. Đồng thời, nếu phát triển nhanh về diện tích mè cũng lo gặp khó trong khâu tiêu thụ. Đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc trong quá trình sản xuất để giảm thiểu rủi ro cho nông dân!

VĂN CÔNG-ANH KHOA

Trồng mè ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: V.CÔNG

Chia sẻ bài viết