20/07/2021 - 08:58

Cây di sản-Cột mốc văn hóa ở Trường Sa 

Trên quần đảo Trường Sa, những cây phong ba, bàng vuông, mù u cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang trước sóng gió, bão giông. Cây di sản trên huyện đảo Trường Sa như những cột mốc văn hoá khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam từ bao đời nay.

Tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng kỳ diệu thay những cây mù u, phong ba, bàng vuông… vẫn kiên cường sức sống trên quần đảo tiền tiêu. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao quyết định công nhận 4 cây cổ thụ: Cây phong ba (đảo Song Tử Tây); cây mù u (đảo Sơn Ca); cây bàng vuông (đảo Nam Yết) và cây mù u (đảo Sinh Tồn) trên huyện đảo Trường Sa là cây di sản. Trong đó, cây mù u ở đảo Sinh Tồn gần 100 năm tuổi, 3 cây còn lại có tuổi đời trên dưới 300 năm.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây thường xuyên chăm sóc cây phong ba di sản

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Việc công nhận và cấp bằng cho 4 cây di sản ở Trường Sa không chỉ khẳng định ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam-một đất nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán độc lập như những quốc gia khác”.

Cây phong ba di sản trên đảo Song Tử Tây có gốc to chừng ba người ôm không xuể, cây cao khoảng 25 mét và tán rộng 35 mét. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên quét lá và dọn vệ sinh xung quanh gốc cây. Vào mùa mưa bão, bộ đội tổ chức cắt tỉa những cành sâu, cành yếu giúp cây không bị bão gió quật đổ.

Binh nhất Nguyễn Văn Quang, Chiến sĩ đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Việc chăm sóc cây di sản đối với chúng tôi là một phần trách nhiệm nhưng cũng là một niềm vinh dự và tự hào. Bởi vì, cây phong ba di sản là một cột mốc chủ quyền khẳng định quá trình phát triển của đảo Song Tử Tây cũng như quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.

Dưới tán cây mù u di sản trên đảo Sơn Ca, cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi sau những giờ học tập, huấn luyện

Trải qua bao phong ba bão táp, cây bàng vuông di sản trên đảo Nam Yết vẫn vươn mình tươi xanh trong nắng gió. Tán lá cây bàng vuông che mát cả một khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông ngay trước cột mốc chủ quyền trên đảo. Cây bàng vuông di sản góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên cũng như khẳng định ý chí kiên cường, làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Các cây di sản trên huyện đảo Trường Sa có hàng trăm năm tuổi, gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của người dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Các cây di sản không chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa, giáo dục truyền thống mà còn là minh chứng cho sự có mặt liên tục của người Việt trên quần đảo Trường Sa từ rất sớm. Đây là mắt xích của lịch sử xâu chuỗi, liên kết quá trình khai hoang, mở mang bờ cõi của những thế hệ tiền nhân để lại cho con cháu đời sau.

Trung tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cây di sản trên đảo, chúng tôi đã tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo giữ gìn và tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cây xanh nói chung và cây di sản nói riêng. Đây là một điểm đến, đồng thời cũng là nơi giáo dục văn hoá, truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

Cùng với các cây xanh trên đảo, cây di sản mang đến bóng mát, chắn gió, sóng biển và là nơi cán bộ, chiến sĩ vui chơi, nghỉ ngơi sau những giờ học tập, huấn luyện. Giữa muôn trùng sóng gió, màu xanh của cây lá như làm dịu đi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Sức sống bất diệt, trường tồn của các cây cổ thụ trên đảo chính là di sản, là sợi dây kết nối mà các thế hệ cha ông đi mở cõi đã để lại cho đời đời con cháu Việt Nam hôm nay và mai sau.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên quần đảo Trường Sa luôn khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Các cây di sản trên quần đảo Trường Sa đã sinh trưởng, phát triển và trụ vững hàng trăm năm nay. Để gìn giữ, bảo tồn cây di sản, chúng tôi thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa để cây ngày càng xanh tốt, vững vàng trước sóng gió, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ta trên quần đảo Trường Sa.

Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của những cây di sản như chính sức mạnh của dân tộc Việt Nam bao đời nay kiên cường giữ biển, giữ đảo, giữ gìn từng tấc đất, chủ quyền thiêng liêng. Giữ gìn và phát huy những giá trị của cây di sản, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa hôm nay luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết