So với khu vực phía Bắc, Cầu mây phát triển ở khu vực ĐBSCL khá muộn và cũng không có nhiều địa phương đầu tư môn thể thao này. Thế nhưng, Cầu mây Đồng Tháp đã cho thấy những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí ở đấu trường cả nước chỉ sau vài năm được thành lập.
VÐV nam của Cầy mây Ðồng Tháp (phải) vừa được tạo điều kiện thi đấu cọ xát tại Ðại hội Thể thao ÐBSCL năm 2020. Ảnh: Dương Thu
Năm 2014, Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có định hướng phát triển môn Cầu mây ở các tỉnh ÐBSCL với mục đích tìm kiếm tài năng bổ sung cho đội tuyển Cầu mây nữ quốc gia. Khi đó, thể thao Ðồng Tháp với truyền thống hàng đầu quốc gia môn Ðá cầu đã quyết định đầu tư bộ môn mới mẻ này.
Trong những ngày đầu thành lập, Cầu mây vốn ít người chơi lại chỉ tuyển VÐV nữ, nên Ðồng Tháp gặp nhiều khó khăn trong tuyển chọn VÐV. Kiên trì qua nhiều tháng rong ruổi nhiều nơi, các HLV cũng tuyển được 14 VÐV nữ lứa tuổi 12. HLV Cầu mây Ðồng Tháp Phan Minh Triết cho biết: “Với môn thể thao mới mẻ này, HLV phải hướng dẫn các em từ những kỹ thuật cơ bản nhất như: tâng cầu bằng chân, đến tâng cầu bằng đùi và đầu, sau đó đến các động tác chuyên môn như: đỡ bước 1, chuyền cầu, phát cầu cũng như tấn công”.
Thầy và trò đã nỗ lực khổ luyện, quyết tâm cải thiện chuyên môn. Các VÐV trẻ của Cầu mây Ðồng Tháp đã đạt được những thành tích đầu tiên. Năm 2015, Cầu mây Ðồng Tháp đoạt 1 HCÐ ở Ðại hội Thể dục thể thao ÐBSCL tổ chức tại Sóc Trăng; 2 HCB, 1 HCÐ tại Giải Cầu mây trẻ U16 mở rộng TP Hồ Chí Minh. Năm 2017, Cầu mây Ðồng Tháp có được 1 HCB, 1 HCÐ trong lần đầu tiên “chinh chiến” ở Giải vô địch trẻ Cầu mây toàn quốc, do Bắc Giang đăng cai. Trong 2 năm 2018 và 2019, Ðồng Tháp đều duy trì thành tích 1 HCV, 1 HCB tại Giải vô địch trẻ Cầu mây toàn quốc.
Trong năm 2020, với sự tiến bộ vượt bậc, các VÐV trẻ của Ðồng Tháp thi đấu thành công tại các giải toàn quốc. Tham dự Giải vô địch trẻ Cầu mây toàn quốc tại Ðồng Nai vào tháng 7-2020, Ðồng Tháp đã gây tiếng vang khi đoạt được 2 HCV, 1 HCB và 1 HCÐ để đứng vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp, chỉ kém đội dẫn đầu là Hà Nội về số HCB. Còn tại Giải vô địch các CLB Cầu mây toàn quốc năm 2020, diễn ra từ ngày 20 đến 25-10, đội Cầu mây Ðồng Tháp dù chỉ đăng ký thi đấu 3 nội dung nhóm nữ (đôi nữ, ba nữ và bốn nữ), nhưng xuất sắc đoạt 1 HCV, 1 HCÐ từ đó xếp hạng 3 toàn đoàn. Ðầu tháng 12-2020, các chân cầu của đất Sen Hồng tiếp tục giành 3 HCV, 1 HCB, 6 HCÐ, xếp hạng 3/14 đơn vị tranh tài tại Ðại hội Thể thao ÐBSCL lần thứ VIII năm 2020 tại tỉnh Vĩnh Long.
Có thể nói, thành tích của Cầu mây Ðồng Tháp đặc biệt bởi chỉ mới đào tạo VÐV nữ. Gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Tháp đã đầu tư để Cầu mây tuyển sinh thêm nhóm nam với gần 10 VÐV. Ðây là tín hiệu tích cực mang nhiều kỳ vọng cho Cầy mây Ðồng Tháp trong những năm tới.
Lứa VÐV nữ đầu tiên của Cầu mây Ðồng Tháp cũng đang bước vào giai đoạn phát triển tốt. Ðặc biệt trong nhóm này có 2 gương mặt nổi bật là Trần Thị Ngọc Yến và Lê Thị Tú Trinh vừa được triệu tập lên đội tuyển Cầu mây Việt Nam. Ngoài ra, 6 VÐV khác gồm: Huỳnh Quyên, Bé Ngoan, Ngọc Trân, Ngọc Linh, Bích Ngọc, Khánh Quyên cũng đang được tập trung đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ.
HLV Phan Minh Triết cho biết: “Trong chu kỳ 4 năm đào tạo, bộ môn đã đoạt được HCV giải trẻ, HCÐ Ðại hội Thể thao toàn quốc, đến năm thứ 5 thì bộ môn đã có HCÐ và HCB vô địch quốc gia. Dù vậy, nếu so với các đơn vị mạnh trong nước như: Hà Nội, Công an, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Nghệ An... thì lực lượng của Ðồng Tháp còn mỏng. Bộ môn cần nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới để có khả năng cạnh tranh với các đội mạnh của cả nước”.
Thiên Phú