05/02/2017 - 10:10

Câu đối Tết của danh nhân

Thú chơi câu đối Tết đã có từ lâu trong văn hóa Việt. Từ người bình dân đến các bậc trí giả đều thích câu đối. Danh nhân thể hiện chất tài hoa trong câu đối đã tạo ra một lối "ăn Tết" trí tuệ. Ngày Tết, nhắc lại những câu đối đặc sắc, tài hoa cũng là thưởng thức bữa tiệc trí tuệ vậy.

Câu đối của Vua Lê Thánh Tông: Chất vương giả trong đề tài bình dân

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497)- vị Vua thứ tư nhà Hậu Lê, không những có tài trị nước, mà còn là nhà văn hóa lớn. Ông vừa viết văn, làm thơ (cả thơ Nôm lẫn thơ chữ Hán) và được nhân dân ca tụng về lòng nhân đức và tài hoa. Đề tài trong thơ ông đề cập đến con người bình thường trong xã hội: ăn mày, thằng mõ, bà hàng nước… với phong thái vương giả.

Các ông đồ hướng dẫn học sinh viết thư pháp Việt tại Khu tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: DUY KHÔI

Tương truyền cứ đến ngày giáp Tết, Vua Lê Thánh Tông thường giả thường dân vi hành. Gặp một căn nhà tồi tàn, không có câu đối, ông hỏi nguyên nhân. Gia chủ ấp úng. Cuối cùng nhà Vua biết gia chủ làm nghề lấy phân, liền cho đôi câu đối trên giấy hồng điều, đọc lên như phong thái của một bậc võ quan.

Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự

Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm

Nghĩa là: Mình mặc chiếc áo võ (áo tơi của người hốt phân), đảm nhận cái khó của thế gian/ Tay cầm ba thước kiếm (dụng cụ lấy phân), tận thu nhân tâm của thiên hạ (phân).

Đến một ngôi nhà thợ nhuộm vải, cũng không thấy câu đối Tết, Vua lại tặng:

Thiên hạ thanh hoàng, gian ngã thủ

Triều trung chu tử, tổng ngô môn

Nghĩa là: Thiên hạ, xanh, vàng, do tay ta (Theo sự mê tín xưa: trời xanh là cảnh thái bình, trời vàng là cảnh loạn lạc - nên còn hiểu sự thái bình hay loạn ly trong thiên hạ đều do tay ta làm ra cả) / Trong triều đỏ tía, tất thảy từ nhà ta.

Một lần khác, Vua Lê Thánh Tông làm giúp câu đối Tết cho một bà lão bán hàng trầu, nước; bằng chữ Nôm:

Nếp giầu quen thói hình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm

Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng

 Ông đồ viết câu đối ngày Tết - nét đẹp ngàn năm của văn hóa Việt. Ảnh: DUY KHÔI

Câu đối nói lên được vật dụng của một hàng nước giầu (trầu), cơi (giỏ đựng trầu), ấm nước, bát (chén), hàng (quán)... nhưng mang đậm khẩu khí đế vương, cứ như là đang trị quốc, bình thiên hạ vậy.

Cụ Nguyễn Khuyến với chất Lão Trang

Đây là hai câu đối của cụ Tam Nguyên có góc nhìn về tập tục ăn Tết:

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo

Đốt pháo, uống rượu say lúy túy - hủ tục dưới mắt nhà thơ, nhưng kẻ khôn, người dại cứ thế mà làm. Chẳng biết ai khôn, ai dại? Hai từ chó, mèo đối nhau hết sức tinh tế.

Cụ Nguyễn Khuyến có nhiều câu đối Hán- Nôm mà nghĩa Hán và nghĩa Nôm khác nhau tạo ra nhiều tầng ngữ nghĩa thú vị. Giai thoại kể rằng: Gần Tết, anh hàng thịt trong vùng đã đem biếu cụ một bát tiết canh và một đôi bồ dục lợn, rồi xin câu đối về dán Tết. Tác giả bèn đọc ngay:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang

Câu đối chữ Hán, có nghĩa là: Bốn mùa tám tiết lần lượt thay đổi/ Bờ cỏ dậm liễu cũng muốn trang điểm. Độc đáo ở chỗ "bát tiết canh" và "đôi bồ dục" lại được hiểu nghĩa Nôm, tức là quà mà anh hàng thịt biếu cụ.

Tác phẩm của cụ Tam Nguyên đầy chất "Lão Trang": cái đúng, cái sai, cái thanh, cái tục, cái cao thượng, cái tầm thường… chuyển hóa trong từng con chữ của nhà thơ tài hoa.

Nhà thơ Tú Xương và những câu đối gàn

Nhà thơ Tú Xương gắn bó với tầng lớp bình dân, ông có cách nhìn Tết của người nghèo:

Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết

Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân

Ông đã sớm đả phá hủ tục đốt pháo qua câu đối sau:

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

Và đây là câu đối thể hiện chất gàn của cụ Tú Xương:

Đào tiên đã chín hay chưa, bác mẹ em già, chắp cánh bay lên xin một quả

Đối Tết không hay cũng dán, bà con ai biết, dừng chân đứng lại ngắm vài câu

Khí khái và độc đáo trong câu đối của cụ Nguyễn Công Trứ

Cụ Nguyễn Công Trứ là nhà kinh tế, quân sự, nhà thơ tài hoa, là người có cuộc đời thăng trầm từ lính thú đến thượng thư.

Ngược với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, cụ Nguyễn Công Trứ chỉ cần một tiếng pháo đùng, trồng cây nêu, nên dù thăng trầm cỡ nào cũng có Tết:

Ðuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri (vậy) là Tết

Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa (thế) cũng Xuân

Cách nhìn Tết của ông rất thực tế, chỉ cần có lòng lạc quan cũng có xuân về. Đó chính là quan điểm nhập thế, cả đời giúp dân, giữ chính kiến của mình cho dù thăng trầm từ thượng thư đến anh lính thú. Cái nhìn nhân thế lạc quan:

Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết,

Sáng mồng một, rượu tràn quí tị, ái chà Xuân

Cụ Nguyễn Công Trứ có câu đối dán nhà người mù hết sức thú vị.

Tối ba mươi nghe pháo Giao-thừa, ờ ờ Tết

Rạng mồng một vấp nêu Nguyên-đán, à à Xuân

Câu đối không tả cảnh xuân mà nói âm thanh. Người mù không thấy, chỉ nghe. Dùng hai từ "nghe" và "vấp", "ờ ờ" và "à à" nói về người mù thật hay.

Câu đối của những bà chúa thơ Nôm

Hồ Xuân Hương với phong cách "lời thanh, diễn tục" có một câu đối nổi tiếng:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào

Còn Bà Huyện Thanh Quan xem câu đối Tết là món nợ văn chương của bậc trí sĩ:

Duyên với văn chương nên dán chữ

Nợ gì trời đất phải trồng nêu

***

Điểm qua câu đối của tiền nhân, mới thấy tài, trí và tính nhân văn. Đó chính là tài sản quý trong kho tàng văn chương, văn hóa dân tộc. 

Chia sẻ bài viết