* Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Túc ngồi trước cửa, đầu mới gội, chân tóc còn rỏ nước. Túc vừa hong tóc vừa mải xem người ta đốt rác thì Hiên gọi đến. Giọng nàng khàn đục và ho khan từng cơn. Hiên nói đang trông con chơi và nhìn xuống đường thấy người mưu sinh trong ngõ chợ. Vừa có một cuộc ẩu đả vì tranh nhau khách. Thành phố của Hiên cách thành phố của Túc hơn hai ngàn cây số. Đúng lúc ở xứ của Túc anh công nhân môi trường quẳng mồi lửa vào bãi rác thì ở phía bên kia cuộc gọi vang tiếng trẻ con cười.
- Thóc nhà tớ miệng rộng cười đã đời. Chồng tớ bảo con gái mà miệng rộng như hoa loa kèn. Xấu.
- Miệng rộng sau này làm hoa hậu. Có hoa hậu nào miệng tin hin đâu. Lo gì.
Túc an ủi. Hiên cười rinh rích hồn nhiên. Người có giọng cười như thế làm sao mà khổ được. Túc đã nói với bạn như vậy rất nhiều lần.
Bãi rác phơi nắng cả tuần nay chỉ chờ một mồi lửa là hóa tro bụi. Túc chiêm ngưỡng vũ điệu của lửa. Phừng phừng nhảy nhót thiêu đốt cơ man những rác. Từ khi chuyển về đây Túc có thói quen nghiêng đầu nhìn lửa. Nhìn từ khi đống rác thải ngồn ngộn hóa tro tàn thiêm thiếp. Tàn tro kia rồi sẽ bay lên trời kiếm tìm một sự hồi sinh mới bên cây cỏ. Bỏ lại màu buồn xám xịt, nhộn nhạo trong mắt Túc. Cũng có hôm bão đến, cả khu trọ bị quần thảo trong tro rác. Túc đóng chặt cửa nhìn thành phố qua cửa kính bụi mù.
- Thóc đang bò theo một con kiến lửa miệng cười thích chí. Tớ đang dõi theo con, sợ nó bị kiến đốt. Loại kiến này mà đốt thì đau lắm. Nhưng tớ không muốn cản con khám phá. Đang nghĩ, sau này thế giới rộng ngoài kia còn biết bao nhiêu thứ đáng sợ hơn kiến lửa. Mình làm cách nào để dõi theo con?
- Khéo chừng phải cất chúng trong tủ kính.
Túc nói vậy khi đang vô thức miết tay lên cửa kính, bụi tro bám ở bên ngoài nhợt nhạt. Đến độ tuổi như Túc người ta thích nói về những đứa con. Cuộc điện thoại nào của Hiên cũng ngập tràn thương yêu bé bỏng. Tưởng như thiên chức làm mẹ biến bao cô gái bồng bột, si mê, nông nổi thành những con người khác. Huống hồ Hiên vốn là người luôn biết lo xa. Lo từ lúc thấy hai vạch đỏ trên que thử thai đến khi thấy con đạp máy trong lòng mình. Lo từ khi con cất tiếng khóc chào đời cho đến những bước chân lẫm chẫm đầu tiên. Và bây giờ bạn càng thêm lo khi con bắt đầu biết hỏi "tại sao?".
- Hôm bữa dắt Thóc đi chợ, con hỏi sao mẹ không mua mớ rau tươi xanh mà lại chọn mớ toàn sâu bọ? Tớ bảo rau tươi non họ phun nhiều thuốc, ăn độc lắm. Con lại hỏi rau có độc sao họ còn mang bán? Tớ trả lời vì họ tham tiền. Con ngấp ngứ định hỏi gì lại thôi. Cũng thật may con không dồn đuổi đến tận cùng. Chứ không nhẽ cũng trả lời con đến tận cùng đều là vì tham vọng con người. Mà đâu chỉ có chuyện mớ rau, trái táo. Những đứa con của tụi mình bị đầu độc từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Cái câu "Những đứa con của tụi mình" găm vào ý nghĩ của Túc đúng lúc xe rác lầm lũi cõng núi rác đổ vào giữa bãi. Loay hoay thế nào xe mắc kẹt trong rác gầm gừ xoay xở một hồi lại lầm lũi bỏ đi. Để lại góc hoàng hôn nhờ nhợ mùi hôi thối. Túc vẫn hay mường tượng "Những đứa con của tụi mình" sợ hãi nấp vào đâu đó, nên tới tận bây giờ Văn vẫn chưa được gặp mặt con.
Văn chờ đợi con đã lâu, cuối cùng chỉ còn duy nhất hy vọng gặp được con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Văn luôn thấy bất an vì ý nghĩ những thứ mình ăn mỗi ngày rất có thể sẽ giết chết con. Nhiều năm trời ngồi chờ đợi mỏi mòn ở khoa hiếm muộn, Văn thấy ngày càng nhiều người mắc chứng vô sinh. "Những đứa con của tụi mình" biến mất ngay trong trí óc Túc lúc đang xem bản tin hỏa hoạn.
- Sau này chẳng biết con chúng mình sẽ sống ra sao?
Hiên đã rất nhiều lần buột miệng hỏi Túc như thế ở giữa chừng câu chuyện. Túc ngóng về núi rác, chúng sẽ chất cao vươn đuổi theo những tòa nhà cao tầng. Ngọn lửa cũng bất lực. Núi rác như núi lửa, ngấm ngầm thứ nham thạch của dịch bệnh, ô nhiễm và biết bao nhiêu hiểm họa đủ sức hủy hoại "Con của chúng mình". Làm thế nào để thoát khỏi tầm mắt những núi rác? Chẳng còn cách nào ngoài mọc thêm đôi cánh để bay.
Túc khép mi. Đọc câu thần chú "Con của tụi mình" đến lần thứ năm mươi thì ngủ. Mụ mị trong vũ điệu của rác chập chờn.
* * *
Văn đã sảy thai cả thảy nhiều lần trước khi quyết định thụ tinh bằng ống nghiệm. Lần thứ nhất do tai nạn, một thằng nhóc nào đó luồn lách giữa phố, hất văng Văn ngã giữa đường. Lần thứ hai do Văn bị cướp. Một tên cướp lao lên lề đường giựt sợi dây chuyền trên cổ Văn. Sợi dây không mất nhưng Văn lại mất con. Sau đó suốt bốn năm đi lại giữa các bệnh viện chạy chữa cuối cùng cũng có tin vui. Dù trai hay gái Văn cũng đã đặt tên cho con là bé Kẹo. Cái tên vừa nghe đã thấy ngọt ngào. Nhưng đứa trẻ vẫn chơi trò ẩn nấp.
- Tớ đang ngồi ăn rau ngót luộc. Từng đứa trẻ khước từ lời thỉnh cầu làm mẹ của tớ. Lá ngót như lá ngón, âm ỉ đau rồi mọi thứ sạch trơn, con biến mất như chưa từng xuất hiện.
Túc chỉ còn nghe thấy tiếng bạn nhai rệu rã, tiếng nuốt rau nghèn nghẹn.
Túc nhìn về phía bãi rác. Rác thải thực chất là tấm gương phản chiếu phần nào cuộc sống. Vỏ hộp các loại thuốc giảm cân chứa đựng một thế hệ lười vận động, cơ thể nuôi mầm mống nhiều căn bệnh. Đống đồ hộp mốc meo cho thấy thói quen lạm dụng thức ăn đóng hộp. Những quả cam còn tươi nguyên vứt giữa một đống vỉ thuốc khiến Túc nghĩ đến hóa chất ngâm tẩm thực phẩm đang đầu độc từng bữa ăn gia đình. Cuốn tiểu thuyết lừng danh lem luốc trang bìa. Làm sao Túc đưa được tất cả sự bất an này vào tranh? Bức tranh "Rác thành phố".
Túc nhận được cuộc gọi của Hiên.
- Cậu lấy chồng đi thôi, già mất rồi. Đừng để con chờ đợi nữa.
- Sinh chúng ra rồi chẳng biết phải cất chúng ở đâu.
- Ừ nhỉ.
Túc yêu những đứa con trong mường tượng của mình. Để rồi đau đớn trong hình dung mất mát giữa cuộc sống bất ổn. Nên Túc cất con trong mường tượng của mình.
Bức tranh đã vẽ xong. Những nét vẽ mơ hồ. Túc mang tranh đặt giữa sân chói nắng. Rồi Túc mang kính lúp soi vào tranh, miệng đọc câu "Con của chúng mình". Túc đọc cho đến khi ánh sáng mặt trời hội tụ tại một điểm tạo thành đám cháy đang ngoặm dần bức tranh "Rác thành phố". Từng miếng một.