30/10/2014 - 21:02

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Cấp thiết xây dựng thương hiệu gạo Việt

 

Trung tuần tháng 10-2014, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam. Xung quanh vấn đề thời sự này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.

 Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam vừa có chủ trương chính thức, theo Tiến sĩ, đề án này nên được triển khai thực hiện như thế nào?

- Trước tiên tôi xin nói về thương hiệu, đây là khái niệm của người tiêu dùng về sản phẩm với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên mặt, lên bao bì hàng hóa nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được ủy quyền cho người đại diện thương mại chính thức. Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa, một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hoặc một tổ chức. Vì thế thương hiệu là một trong những thành tố có giá trị nhất trong chủ đề quảng cáo, vì nó cho thấy nhà sản xuất có thể đem lại gì cho thị trường. Nghệ thuật tạo ra và duy trì thương hiệu được gọi chung là quản lý thương hiệu. Định hướng toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất nhắm vào phục vụ thương hiệu chính là tiếp cận thị trường theo lối lồng ghép tổng thể.

Muốn xây dựng thương hiệu lúa gạo cũng vậy, chúng ta cần chọn ra những giống lúa hoặc nhóm giống có những đặc tính chung như: dạng hạt, hàm lượng amylose (độ cứng hoặc mềm cơm), độ thơm, hoặc gạo hữu cơ, gạo có nhiều vi chất giàu dinh dưỡng…để sản xuất với số lượng lớn với những tiêu chuẩn nhất định bắt buộc (tiêu chí), như: VietGAP, Global GAP… để người tiêu dùng khi nhìn nhãn hiệu biết ngay gạo như thế nào và có phù hợp với nhu cầu hay khẩu vị của mình hay không.

Gạo Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Ảnh: V.K.K 

Để xây dựng thương hiệu ngành hàng gạo, các nước tiên tiến trên thế giới đã có nhiều cách làm hay. Trong quá trình xúc tiến thương mại xem thị hiếu của người tiêu dùng ở các khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới, như: vùng Đông Bắc Á, vùng Trung đông, Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Phi hoặc các nước châu Á để hình thành sản phẩm của mình đáp ứng các thị trường mà mình có thể tham gia kinh doanh. Những giống nào thị trường cần mà mình chưa có thì đặt hàng để các đơn vị khoa học nghiên cứu thêm, những giống nào mình đã có thì các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phối hợp với nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn định sẵn để từ đó xây dựng thương hiệu. Hoặc cũng có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm mà mình đã có, sau đó chào hàng, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước... Do đó, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa là của doanh nghiệp chứ không phải là nông dân hay Nhà nước. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trước nay chưa làm tốt là bởi mình chưa tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi ngành hàng mà làm theo phân khúc, công đoạn ai nấy làm: nông dân cứ sản xuất những giống mà mình thích, hoặc tự cho rằng giống đễ bán và có hiệu quả hơn; doanh nghiệp khi có đầu ra mới giao thương lái thu mua gom, do đó dễ trộn lẫn nhiều giống với nhau. Song, cũng phải thấy rằng, do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu nên doanh nghiệp khó thu mua lúa gạo theo tiêu chuẩn, không có địa chỉ địa lý thì làm sao xây dựng thương hiệu?

 Thưa Tiến sĩ, hiện có những thương hiệu gạo Việt nào đã xây dựng thành công để doanh nghiệp có thể học tập kinh nghiệm ?

- Trong nước hiện cũng đã có một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo thành công như: Công ty Viễn Phú có cơ sở ở Cà Mau xây dựng gạo hữu cơ xuất sang các nước Mỹ, Anh, Nga với giá từ 2.000-3.000 USD/tấn, Công ty ADC có xây dựng cánh đồng Global GAP ở Tiền giang cho ra gạo Tứ Quí, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng cánh đồng lớn với một số diện tích được các doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng với điều kiện thỏa mãn 593 tiêu chí của phía Nhật... Ngoài ra, thị trường còn có gạo Nàng thơm chợ Đào, Tài Nguyên, gạo thơm ST20... Sắp tới đây Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Sóc Trăng 2014 sẽ giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL, đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam và các nước tiếp cận, từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng thương hiệu gạo ĐBSCL. Theo tôi, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt hiện nay là một việc rất cấp thiết, dù không tránh khỏi những khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện đề án này.

 Xin cảm ơn Tiến sĩ!

VĂN KIM KHANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết