26/11/2018 - 21:30

Cạnh tranh bằng chất lượng và sự khác biệt 

Các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã và dự kiến ký kết trong tương lai như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn liên quan đến nhiều khía cạnh của tự do thương mại. Các FTA nói chung không chỉ làm thay đổi các hoạt động xuất nhập khẩu mà còn làm thay đổi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp (DN)… Chính vì vậy, việc nhận diện cơ hội, thách thức để chủ động ứng phó khi các FTA có hiệu lực là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ hết nóng.

Cơ hội đan xen thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, các FTA nói chung ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng GDP và thu nhập đầu người. Giai đoạn 2000-2014, tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng từ 30 tỉ USD lên 300 tỉ USD và đưa nước ta trở thành quốc gia có độ mở thương mại cao thứ 7 thế giới. Riêng đối với TP Cần Thơ, hiện có khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu đến từ các quốc gia ký kết FTA.

Việc Việt Nam tham gia các FTA không chỉ tạo điều kiện cho dòng sản phảm xuất khẩu chủ lực (gạo, thủy sản, trái cây) mà còn giúp thành phố đa dạng hóa danh mục xuất khẩu và hạn chế rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, khi tham gia các FTA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng. Từ đó mở ra cơ hội để Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng trở thành một bộ phận trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, việc cắt giảm thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam sang khối FTA vì hàng hóa Việt Nam sẽ hưởng ưu đãi về thuế so với các quốc gia ngoài khối FTA. Song song đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn. Người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn với giá thành rẻ hơn.

Tuy nhiên, FTA cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Đối với TP Cần Thơ, có khoảng 74% kim ngạch nhập khẩu đến từ các quốc gia FTA. Do đó, một số ngành như nguyên liệu dược, nông dược, thuốc thú y sẽ chịu áp lực cạnh tranh khá lớn từ hàng nhập khẩu.

"Luật chơi cạnh tranh là như nhau nhưng người chơi lại khác nhau về năng lực. Đây là thách thức lớn cho các DN Việt vốn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản lý… Ngoài ra, các điều khoản về xuất xứ hàng hóa, điều kiện người lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ… không chỉ tăng chi phí sản xuất mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro cho các DN trong nước"- Tiến sĩ Dương Như Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, thông tin: "Khi tham gia FTA, DN trong nước phải đối mặt nhiều khó khăn. Và một trong những khó khăn hiện hữu là thiếu thông tin về các FTA và thị trường xuất khẩu. Đơn cử như: quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mức hưởng lợi từ thuế quan xuất khẩu, giá cả thị trường của sản phẩm tại nước sở tại, vấn đề chống bán phá giá…".

Nhiều ý kiến cho rằng, khi FTA có hiệu lực nguồn vốn FDI liên kết dọc tận dụng lao động rẻ hoặc tài nguyên đặc thù của địa phương sẽ gia tăng. Điều này dẫn đến gia tăng thương mại nội công ty cũng như thương mại giữa công ty nước ngoài và công ty trong nước. Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng sẽ có nhiều cơ hội trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao trình độ công nghệ, tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, một số vấn đề sẽ đặt ra như chuyển giá trong nội bộ công ty, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ chuyên môn hóa trong một phân đoạn giá trị gia tăng thấp.

Xuất khẩu gạo, thủy sản... là những ngành hàng lợi thế của TP Cần Thơ khi Việt Nam tham gia các FTA.

Giành thế chủ động

Nhận diện được những cơ hội, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Thành phố đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; điều chỉnh cơ cấu đầu tư; nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các DN có được các thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng các quỹ hỗ trợ DN phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu; hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất; phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, đào tạo nghề cho người lao động trong các DN. Thành phố khuyến khích DN tăng cường chế biến sâu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy hình thành và phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với hạt nhân là các DN lớn, sớm đưa các DN trong ngành tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm
toàn cầu".  

Để DN và các bên có liên quan vững tin, chủ động ứng phó trước tác động của​ FTA, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, đề xuất: Nhà nước cần tổ chức cung cấp thông tin cụ thể về thị trường và các FTA cho từng ngành/sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận vốn, lao động và xúc tiến thương mại cho DN. Các hiệp hội cần liên kết DN và các chủ thể trong chuỗi cung ứng; làm đầu mối xử lý thống nhất các vấn đề về chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ; hỗ trợ xây dựng và kiểm soát thương hiệu. Đối với các DN trong ngành cần xây dựng và duy trì các chứng nhận về quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng đặc thù của ngành; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội từ các FTA; tập trung cạnh tranh bằng chất lượng, sự khác biệt chứ không chỉ cạnh tranh về giá...

FTA là cơ hội cho tất cả các bên tham gia vào một thị trường toàn cầu. Người chiến thắng là người tận dụng được thị trường mở rộng. Trên thị trường cạnh tranh sẽ không có chỗ cho những DN yếu kém vì ngay cả Nhà nước cũng buộc phải minh bạch, thay đổi chính sách, luật lệ để phù hợp với luật chơi của khối.

"Trong quá khứ nhiều quốc gia đã tận dụng tự do thương mại để phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Họ đã dùng thương mại tiếp cận thị trường hàng hóa, vốn, công nghệ từ Mỹ để phát triển. Nhưng cũng nhiều quốc gia ở châu Phi rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi tham gia các FTA vì nhập khẩu nước ngoài sẽ tàn phá các ngành sản xuất nội địa non yếu. Họ cũng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng ở phân khúc giá trị thấp. Việt Nam sẽ tiếp nối thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản hay rơi vào phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu phụ thuộc vào khả năng và quyết tâm đổi mới thích nghi với hoàn cảnh cạnh tranh"- Tiến sĩ Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP
Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết