03/01/2011 - 21:19

Vận tải đường bộ giữa Việt Nam -Campuchia

Cánh cửa mở rộng !

Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia được xem là cánh cửa mở ra nhiều hướng để phát triển vận tải liên vận giữa hai quốc gia và phát triển sang các nước lân cận. Với các doanh nghiệp vận tải hai nước, hiệp định này là cơ hội để làm ăn.

Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia được chính phủ hai bên ký vào ngày 1-6-1998. Đến năm 2005, Nghị định thư thực hiện Hiệp định này được ký vào ngày 10-10 tại Hà Nội. Đến nay, dù chỉ mới thực hiện đối với phương tiện thương mại nhưng đã đem lại tín hiệu lạc quan, hấp dẫn doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa hai nước...

Xe tải Campuchia chờ lên hàng tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - An Giang.

Năm 2010 được xem là năm phát triển mạnh mẽ của vận tải liên vận từ thực hiện Hiệp định này. Tính đến ngày 30-11-2010, tổng số doanh nghiệp hoạt động liên vận quốc tế Việt Nam-Campuchia là 32 đơn vị. Trong đó, có 30 đơn vị hoạt động vận chuyển khách tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, An Giang; 2 đơn vị vận chuyển hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh. Hoạt động liên vận đường bộ ra đời đã bổ khuyết kịp thời để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong việc giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách giữa các vùng miền của hai nước. Ngày 14-9-2010, tại Phnôm Pênh, lãnh đạo hai bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Giao thông công chính Campuchia ký biên bản ghi nhớ, tăng số lượng xe hoạt động lĩnh vực này từ 150 xe lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu. Trong số 4 cặp cửa khẩu đã thông xe theo Hiệp định, cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)-Bavet (Svay Rieng) thu hút nhiều doanh nghiệp khai thác vận tải liên vận tuyến TP Hồ Chí Minh-Phnôm Pênh, TP Hồ Chí Minh-Siêm Riệp và ngược lại. Đây là tuyến đường khá thuận lợi, hai đầu tuyến đều có sân bay quốc tế nên tuyến đường bộ này rất hấp dẫn du khách đến từ nước thứ ba. Công ty TNHH Một thành viên xe khách Sài Gòn (Sapaco Tourist) đã khai thác rất thành công tuyến TP Hồ Chí Minh-Pnôm Pênh với 32 chuyến khứ hồi/ngày xuất phát từ TP Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh. Đồng thời, phát triển tuyến TP Hồ Chí Minh-Siêm Riệp 1 chuyến/ngày. Công ty CP tập đoàn Mai Linh (MLG) đã đưa dòng xe cao cấp Huyndai Universe Space Luxury vào hoạt động tuyến TP Hồ Chí Minh-Phnôm Pênh và ngược lại để thu hút khách với tần suất 4 chuyến/ngày/đầu xuất phát. Hai doanh nghiệp này hiện đã mở chi nhánh tại hai điểm đến của nước bạn. Các doanh nghiệp vận tải tại An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh đưa phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa sang Campuchia và mở trạm tại Phnôm Pênh. Nhà xe tổ chức làm thủ tục hải quan, bố trí chỗ ở cho khách tại trạm xe để thu hút khách bình dân.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), cho biết: “Nhu cầu vận chuyển qua lại giữa Việt Nam và Campuchia hiện rất cao nên phải thông xe tại các cặp cửa khẩu quốc tế để đáp ứng nhu cầu này. Trong 6 tháng đầu năm 2011, sẽ có thêm hai cặp cửa khẩu được thông xe theo Hiệp định, gồm: Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai)-Oyadav (Andong Pich-Ratamakiri) và Hoa Lư (Bình Phước)-Trapeang (Snoul-Kratie)”. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN cũng đề xuất Campuchia bổ sung thêm 2 cặp cửa khẩu vào thực hiện theo Hiệp định vào thời gian tới là Bình Hiệp (Long An)-Prayvo (Svayrieng) và Dinh bà (Đồng Tháp)-Bontia Chakcray (Pray Veng). Hai cửa khẩu này hiện đã được công nhận là cửa khẩu quốc tế, rất thuận lợi để đưa vào hoạt động vận tải liên vận. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi Hiệp định được ký kết, mở rộng sang nhiều nước lân cận, hoạt động liên vận sẽ phát triển mạnh mẽ. Bởi vì nhu cầu du lịch, đi lại giữa Việt Nam và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan... hiện rất cao. Đó là chưa kể nhu cầu của khách đến từ nước thứ ba muốn di chuyển đường bộ qua nhiều nước. Khi hành lang ven biển trên vịnh Thái Lan được hình thành, nối liền đường bộ 3 nước trên vịnh này không những thu hút được khách đi lại của 3 quốc gia mà còn mở ra đường bộ đến nhiều nước trong khu vực. Khi đó, nhu cầu đi lại sẽ tiếp tục tăng tạo sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.

Bài, ảnh: DU MIÊN

Chia sẻ bài viết