13/08/2019 - 08:25

Cảnh báo hạn mặn gay gắt mùa khô năm sau 

Hiện nay, mực nước sông Mekong ở phía thượng nguồn vẫn thấp chưa từng thấy. Mùa nước nổi vẫn chưa về, kéo theo là mối đe dọa hạn mặn gay gắt mùa khô năm sau. Báo Cần Thơ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện.

*Phóng viên: Thưa ông, vài tuần trước mực nước sông Mekong ở phía thượng nguồn xuống thấp kỷ lục trong vòng vài thập niên, xin ông cập nhật tình hình mực nước mới nhất của sông Mekong hiện nay.

- Ông Nguyễn Hữu Thiện: Tôi vừa cập nhật tình hình mực nước các trạm trên sông Mekong, như trạm Chiang Sean (biên giới Lào - Trung Quốc), Luang Prabang, Vientiane, Pakse ở Lào, Kratie ở Campuchia, và Tân Châu ở Việt Nam thì thấy là so với thời điểm mực nước thấp nhất cách đây 3 tuần thì tại các trạm mực nước đã lên từ 3-4 m, tuần qua có dấu hiện chững lại. Mực nước tại các trạm vẫn còn thấp hơn so với năm khô hạn 1992. 

Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ, hiện nay tình trạng El Nino đã hết và đang chuyển sang trạng thái ENSO trung tính. Tình trạng mưa ít sẽ không còn kéo dài, nhưng lượng mưa thấp từ đầu năm tới nay vẫn để lại hệ quả.

Mực nước sông Mekong tại Vientiane (Lào) quan sát lúc 7 giờ sáng 12-8-2019. Nguồn: MRC - Ủy hội Mekong quốc tế

*Ông có thể giải thích vì sao mực nước sông Mekong lại thấp kỷ lục như vậy?

- Lưu vực Mekong có thể chia làm 2 đoạn gồm: thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL. Ở đoạn thượng lưu vực, sông Mekong được gọi là Lan Thương Giang. Phần thượng lưu vực, dù rất dài nhưng lại hẹp, nên đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, và Myanmar đóng góp 2%. Phần hạ lưu vực, phía tả ngạn ở Lào đóng góp đến 35%, phần Thái Lan và Campuchia phía hữu ngạn đóng góp 18% mỗi nơi, còn lại 11% là lượng mưa từ Tây Nguyên đổ xuống và tại chỗ ở ĐBSCL. Do đó, phần lớn lượng nước chúng ta có được là ở phần hạ lưu vực từ Lào xuống, chiếm đến 82% tổng lượng nước (trung bình 475 tỉ m3/năm).

Lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2-7 năm. Hiểu ngắn gọn, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít, El Nino càng mạnh thì mưa càng ít và ngược lại năm nào có La Nina trong lưu vực thì mưa nhiều. Từ đầu năm đến nay, do tình trạng El Nino diễn ra nên lượng mưa ở Lào và Đông bắc Thái Lan rất thấp đã dẫn đến tình trạng mực nước sông Mekong thấp kỷ lục như vậy. 

*Có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mekong là nguyên nhân chính gây nên việc thiếu nước tại ĐBSCL. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

-Chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Có 3 tình huống xảy ra:

Đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, thì các đập có hồ chứa thì có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô; còn các đập dâng thì cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL.

Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra để tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu.

Đối với những năm khô hạn, thì các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy turbines. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, làm nước chậm về hạ lưu, làm tình hình khô hạn tồi tệ thêm.

Chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai làm cho tồi tệ thêm. Tác động chính của thủy điện Mekong là làm giảm phù sa và cát, gây ra sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL và những hệ lụy khác, nhưng đó là chủ đề khác.

Những chiếc xuồng được người dân vùng đầu nguồn An Giang chuẩn bị sẵn để đánh bắt cá nhưng đành phải nằm chờ vì nước lũ chưa về. Ảnh: Bình Nguyên

*Mùa nước nổi năm nay không về sẽ gây ra những hệ lụy nào đối với ĐBSCL, thưa ông?

- Trước mắt rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về, bà con nuôi thủy sản mùa lũ như tôm càng xanh, cá lóc sẽ gặp khó khăn. Nhiều người đã nuôi con giống trong ao, chuẩn bị thả ra đồng khi nước lên, nhưng nếu nước không ngập đồng thì không thả ra được. Hoặc nếu thả thì phải bơm nước, nhưng nước bơm lên không phải là nước lũ và không có thức ăn tự nhiên trong đó. Như vậy chi phí thức ăn sẽ tăng cao.

Năm nay mùa lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ giảm, cuộc mưu sinh của nhiều người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn. Sau một năm khô hạn như thế thì năm sau dù có lũ trở lại cá vấn sẽ ít vì chưa kịp phục hồi. Ngoài ra các làng nghề làm ngư cụ đánh bắt thủy sản mùa lũ như làng làm lưới, làm lọp để bán mùa nước nổi cũng đang gặp khó. Nhiều người đã phải bỏ làng lên thành phố tìm việc làm.

Đáng lo nhất là sau Tết, sang khoảng tháng 3-2020, nếu tình hình mưa ít vẫn kéo dài thì tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Một ảnh hưởng nữa đó là khi dòng sông Mekong yếu thì lượng bùn cát về năm nay sẽ rất ít, đồng bằng sẽ càng thiếu hụt phù sa, bùn cát và gia tăng sạt lở trong những năm sau.

Nước lũ chưa về nên nhiều hộ ở Làng lưỡi câu Mỹ Hòa (An Giang) phải chuyển sang làm lưỡi câu biển để duy trì sản xuất. Ảnh: Bình Nguyên

*Theo ông cần có những giải pháp nào để hạn chế thiệt hại cho ĐBSCL trước tình hình như năm nay?

- Trước mắt, chính quyền địa phương cần cảnh báo cho người dân vùng lũ về khả năng nước lũ không lên để bà con nuôi thủy sản biết mà lường trước. Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu. Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Đặc biệt là những vùng 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt như Bán đảo Cà Mau thì mặn là từ trong đất ra thì dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn cũng không có tác dụng.

Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong.

Riêng đối với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước cho sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.

Nước sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) vẫn đang rất thấp. Ảnh: Bình Nguyên

*Việc không có lũ sẽ dẫn đến xâm nhập mặn tại ĐBSCL hay còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?

-Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại còn do một yếu tố nội tại ở ĐBSCL, đó là phần lớn diện tích ĐBSCL từ vùng lúa 3 vụ ở các tỉnh thượng nguồn cho đến vườn cây ăn trái ở miệt vườn vùng giữa đồng bằng và thậm chí ra tới ven biển thì đã có đê bao khép kín không cho lũ vào. Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn và chảy tuột ra biển. Đến mùa khô, khi sông Mekong hạ thấp thì đồng bằng cũng chẳng còn nước.

Vấn đề bắt đầu gần 20 năm trước từ khi lúa vụ 3 phát triển mạnh ở các tỉnh thượng nguồn làm tăng ngập ở vườn tược ở các tỉnh phía bên dưới. Các tỉnh bên dưới do đó cũng làm đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái, càng làm càng tăng ngập ở những nơi chưa có đê bao, dần dần thì khắp nơi đều có đê bao khép kín. Khi mùa lũ trùng với triều cường từ biển vào thì các thành phố và lộ giao thông ở vùng giữa đồng bằng, khoảng từ Quốc lộ 1 trở ra biển, bị ngập nặng vì những nơi này là những nơi duy nhất không có đê bao. Và đến mùa khô thì toàn đồng bằng thiếu nước, do nước đã bị tống ra biển hết vào mùa nước.

*Về lâu dài, theo ông cần có chiến lược gì để tăng sức chống chịu của ĐBSCL với những biến đổi về mực nước và biến đổi khí hậu?

- Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược, như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. 

* Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết