22/07/2008 - 20:24

Cảng Trần Đề, bến đỗ tương lai

Trần Đề là cửa sông lớn cuối cùng của dòng Cửu Long giang hùng vĩ. Cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba (xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), là một khu phố mới, nhà cửa san sát, tàu xe tấp nập. Mỗi khi tàu về bến, cả khu vực cảng rộn rã tiếng người nói cười, nhộn nhịp người mua kẻ bán. Còn những lúc biển động hoặc qua mùa đánh bắt, thuyền của ngư dân lại kéo về đậu kín cả vàm sông…

Xã Trung Bình có diện tích đất tự nhiên hơn 5.100 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 3.700 ha, với trên 25.000 nhân khẩu (gần 5.200 hộ dân) đang sinh sống. Nghề truyền thống của xã trước đây là đánh bắt thủy hải sản, trồng lúa và nuôi tôm sú. Gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản có bước phát triển nhảy vọt. Trong tổng diện tích nuôi gần 1.650 ha thì đã có 741 ha diện tích nuôi công nghiệp chiếm tỷ trọng gần 50%. Những vuông tôm san sát kề nhau, thấp thoáng những ngôi chòi giữ tôm, những dãy quạt nước đang quay tít lập nên một “thị trấn tôm”. Xa xa là những ngôi nhà khang trang đủ màu sắc. Đội tàu đánh bắt hải sản có hơn năm trăm chiếc thì gần 1/3 là tàu đánh bắt xa bờ. Hàng năm, chỉ riêng xã Trung Bình đã đóng góp cho ngành khoảng 20.000 tấn tôm, cá các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Toàn xã Trung Bình hiện có trên 600 cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ. Theo lời ông Lưu Hữu Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thì mức thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng mỗi năm. Một con số rất ấn tượng đủ để nhiều địa phương ở nước ta hiện nay, trong đó có cả những thị tứ phải mơ ước.

Một góc cảng Trần Đề. 

Dự án Cảng cá Trần Đề nằm trong ý đồ “đi tắt đón đầu” của các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của Trung ương và ở địa phương cho vùng Nam Sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Thị trấn Trần Đề trong quy hoạch có diện tích tự nhiên 1.347 ha bao gồm 5 đơn vị hành chính là những ấp nằm ven bờ Nam cửa Trần Đề. Dự án nhằm tập trung đầu tư phát triển có trọng điểm khu vực này thành khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Thị trấn tương lai ưu tiên cho ngành công nghiệp, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, tiềm năng du lịch sinh thái với những nét đặc thù về rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, món ăn đặc sản truyền thống sẽ được quan tâm khai thác như lợi thế riêng của địa phương.

Ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Cảng Trần Đề, cho biết: Cảng Trần Đề là một trong mười cảng nằm trong hạng mục đầu tư của Chính phủ bằng nguồn vốn ODA. Thuận lợi lớn nhất của cảng Trần Đề là gần ngư trường khai thác. Các ghe thuyền ở bất cứ nơi nào trong khu vực, kể cả của Bà Rịa–Vũng Tàu đều có thể cập bến. Hiện nay, cảng dành ra một phần ba diện tích để đón tiếp tàu thuyền đánh cá và tổ chức các dịch vụ hậu cần. Phần còn lại dự kiến cho các nhà đầu tư thuê mở các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản.

Tuy nhiên, trở ngại trước mắt là cảng xa thị trường tiêu thụ. Tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu đang mở ra triển vọng tháo gỡ phần nào khó khăn này. Một trở ngại lớn khác của cảng là do khảo sát, tư vấn thiết kế còn nhiều bất cập, cao trình cảng thấp hơn mặt nước triều cường, nên tàu thuyền neo đậu gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra còn không ít hạng mục công trình thiết kế không phù hợp, khó khắc phục sửa chữa, chất lượng một vài công trình kém nên xảy ra sự cố khi đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, luồng lạch ra vào còn nhiều đoạn bị cạn, cản trở những tàu có trọng tải lớn. Trở ngại thứ năm chính là quy luật “bạc bẽo” của nghề sông nước: khi biển động thì cá nhiều, khi trời yên, biển lặng thì năng suất đánh bắt cũng “lặng” theo. Chưa kể đến lý do một số doanh nghiệp do năng lực tài chính kém nên chậm triển khai sau khi đã thuê mặt bằng. Được sự quan tâm của Bộ Thủy sản (cũ), sự lãnh đạo sâu sát của địa phương, Ban Quản lý cảng đã sớm khắc phục mọi khó khăn, từng bước đưa bộ máy vào hoạt động có hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc cảng, hiện đã có 43 tổ chức, cá nhân thuê hết 100% mặt bằng tại cảng với tổng diện tích gần 120 ngàn mét vuông để triển khai xây dựng nhà xưởng và cơ sở sản xuất. Họ có mặt rất sớm ở đây vì không muốn chậm chân trong cuộc chạy đua khai thác miền đất giàu các tiềm năng lại có vị thế hết sức hấp dẫn này. Điển hình như: Công ty cổ phần chế biến thủy sản IMEXCO–TranDe, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Hoàng, các Doanh nghiệp tư nhân Sáu Nhầm, Năm Cộng, chị Ba Hòa... Việc họ thuê mặt bằng không những góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo bộ mặt khang trang cho khu vực kinh tế mới này mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế–xã hội ở địa phương.

Còn đó những bài toán về chất lượng công trình chưa có lời giải thỏa đáng; còn đó 40% diện tích mặt bằng cảng chưa được xây dựng để đưa vào khai thác. Trước mặt còn rất nhiều khó khăn, nhưng thị trấn công nghiệp – cảng Trần Đề sẽ là “bến đỗ tương lai” không chỉ cho những con tàu khai thác, mà còn cho các dự án phát triển, đang mời gọi những nhà đầu tư năng động. Kèm theo đó các cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá và phố thị sẽ mọc lên sầm uất nay mai khi quốc lộ Nam Sông Hậu hoàn thành.

Ths. Nguyễn Thanh Toàn

Chia sẻ bài viết