22/10/2013 - 21:01

NHỮNG TẤM GƯƠNG HIẾU HỌC

Càng khó khăn càng nỗ lực

Dù trong độ tuổi thiếu niên, nhưng các em Trần Thanh Thủy, học sinh (HS) lớp 8A2 và Lâm Trọng Nhân, HS lớp 8A1 Trường THCS Định Môn, huyện Thới Lai, đã biết bươn chải mưu sinh, phụ giúp gia đình, vượt qua nghịch cảnh để học tốt. Không được may mắn như bạn bè trang lứa, nhưng bằng nghị lực và tinh thần hiếu học, các em đang vẽ nên trang đời mới cho mình, sẽ tốt hơn, đẹp hơn như ước nguyện của người thân. Và những khó khăn, cơ cực hôm nay sẽ là những trải nghiệm quý giá, giúp các em trưởng thành, vững vàng hơn trên bước đường xây dựng tương lai.

Em Thanh Thủy chuẩn bị nấu cơm trưa để mẹ đi làm về ăn.

Nhà của Thủy ở ấp Định Hòa A, xã Định Môn, cạnh trường em đang học. Ngôi nhà nhỏ xíu, được bên nội cất tặng lúc cha mẹ Thủy ra riêng, nay đã xuống cấp. Trong nhà, mọi vật dụng đều cũ kỹ nhưng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, vách tủ treo nhiều giấy khen HS giỏi của Thủy. Quá trưa, sắp đến giờ đi học, mẹ Thủy đi giúp việc nhà chưa về, Thủy bắc vội nồi cơm, ăn với trứng vịt chiên để kịp giờ đến trường. Cha lâm bạo bệnh qua đời cách đây 3 tháng, nhà Thủy càng thêm vắng lặng. Vì biến cố này, anh hai của Thủy không còn tâm trí học hành, quyết định nghỉ khi đang học lớp 12 để tìm việc làm thêm. Từ ngày cha mất, mẹ Thủy ngất xỉu hoài. Căn bệnh loãng xương, thoái hóa cột sống thường xuyên hành hạ, khiến mẹ đau nhức, ăn ngủ không yên. Thương mẹ, Thủy cố gắng chăm chỉ học tập, đỡ đần việc nhà để mẹ vui.

Nhà Thủy thuộc diện hộ nghèo, luôn thiếu trước hụt sau. Hơn 10 năm nay, cha em bị bệnh tim, suy thận nhưng vẫn lao lực đi làm kiếm tiền nuôi con. Gần 2 năm qua, khi sức khỏe suy kiệt, cha mới chịu ở nhà, định kỳ hằng tháng cùng mẹ đến bệnh viện điều trị. Bao nhiêu của tiền dành dụm không thấm vào đâu với những toa thuốc đặc trị cho cha, mẹ Thủy phải đi vay nợ, gánh nặng ấy đến giờ chưa biết sao xoay xở. Hai bên nội, ngoại Thủy đều nghèo nên không ai giúp đỡ được gì, chỉ biết động viên con cháu cố gắng vượt qua khó khăn. Từ trước đến nay, mẹ Thủy chỉ làm nghề giúp việc nhà, thu nhập khoảng 600 ngàn đồng/tháng. Cả năm nay, đôi tay Thủy quen với việc quét dọn, nấu cơm, giặt đồ cho chủ nhà thay mẹ, do bệnh không đi làm nổi và bận chăm sóc cha ở bệnh viện. Cực khổ nhưng cô bé không hề than van, đòi hỏi điều gì. Chị Lương Cẩm Thu, mẹ Thủy, nói trong nước mắt: "Thủy ham học và rất ngoan ngoãn, hiếu thảo, tôi khỏi bận tâm nhắc nhở. Thủy thường thủ thỉ với tôi, rằng sẽ ráng học, có nghề nghiệp ổn định, đi làm nuôi mẹ, nghe mà mát dạ. Tôi không biết sẽ lo cho Thủy đến đâu, nhưng sẽ cố gắng hết sức".

Trước đây, nhà có mấy công ruộng nhưng đã cầm cố chữa bệnh cho cha, mẹ Thủy mướn đất lại canh tác, để có gạo ăn. Cả nhà thường xuyên ăn rau luộc, trứng chiên và thức ăn những người hàng xóm tốt bụng mang sang. Sống trong khó khăn, thiếu thốn nhưng Thủy luôn nỗ lực học giỏi, từng được công nhận là HS giỏi cấp huyện. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Định Môn, cho biết: "Thủy rất chăm chỉ, lanh lợi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Là tổ phó tổ 1 của lớp, Thủy nhiệt tình cùng các bạn tham gia xây dựng phong trào, giúp nhau học tốt".

Cảm thông hoàn cảnh khó khăn của Thủy, thời gian qua, nhà trường quan tâm cho mượn sách giáo khoa, vận động hỗ trợ tập, học bổng vào mỗi đầu năm học. Những tình cảm quý giá này là động lực, niềm tin, giúp Thủy tiếp tục vững bước đến trường. Thủy bộc bạch ước mơ: "Sau này, con thích làm cô giáo dạy dỗ và giúp đỡ học trò nghèo cảnh ngộ giống con; sẽ hết lòng thương yêu học sinh như con từng được yêu thương…".

So với Thủy, hoàn cảnh của em Lâm Trọng Nhân còn bi đát hơn. Kể chuyện nhà, Nhân cứ khóc suốt. Do mâu thuẫn gia đình, năm rồi, cha mẹ em quyết định ly hôn, mỗi người một nơi đi làm ăn xa biền biệt, Nhân và em trai về ở với ngoại. Đối với Nhân, đây là một cú sốc rất lớn. Dù rất đau buồn nhưng Nhân tỏ ra cứng rắn, để dỗ dành, an ủi những lúc em trai nhớ mẹ khóc đêm. Rồi khi em trai nghe lời anh, ngủ ngon lành, Nhân ra bậc cửa, ngồi thu lu, khóc một mình. Nhân kể, em luôn nhớ về những tháng ngày xưa cũ, dù ở trọ hay sống trong căn chòi tạm bợ, cất nhờ trên đất người khác, nhưng cả nhà quây quần, đầm ấm. Giờ cha mẹ chia tay, dù ông bà ngoại rất thương yêu, nhưng Nhân luôn cảm thấy trống vắng. Nhân thường dạy em trai (đang học lớp 5), phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi, sau này mẹ cha sẽ nghĩ lại, gia đình lại đoàn tụ như xưa.

Nhân tự nhủ phải nỗ lực vượt khó, học giỏi để làm gương cho em.   

Từ ngày về ở cùng ngoại, cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Vừa cưu mang anh em Nhân, ông bà ngoại còn lo cho cậu út học Đại học ở Cần Thơ. Tuy tuổi cao, sức yếu, bà ngoại Nhân vẫn đi cắt lúa thuê, ông ngoại giăng câu, bắt cá. Ngoài giờ học, Nhân phụ bà ngoại đi rải rơm, ôm lúa, rồi cắm câu, mò cua bắt ốc, bán kiếm tiền phụ ngoại lo cơm ngày 2 bữa, chi phí học hành của hai anh em. Để giảm bớt chi tiêu, Nhân giữ kỹ lưỡng đồng phục và sách giáo khoa, để dành cho em trai những năm học sau. Bà con trong xóm thương Nhân chăm chỉ, hiền lành, hết mực hiếu thảo với ông bà ngoại và yêu thương em trai. Không phụ lòng ông bà tảo tần nuôi nấng, anh em Nhân rất chăm học. Buổi tối, dạy em học xong, Nhân mới học và làm xong bài mới đi ngủ. Với những nỗ lực trên, nhiều năm liền, Nhân luôn đạt danh hiệu HS giỏi. Bí quyết học tập của Nhân là trong lớp chú ý nghe thầy cô giảng bài, về nhà làm hết bài tập thầy cô cho, rồi giải các bài tập nâng cao để mở rộng kiến thức. Nhân suy nghĩ "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học" nên em hay lân la nhờ các anh chị cùng xóm để nhờ hướng dẫn, chỉ dạy thêm. Nhà cách trường khoảng 3 cây số, "bạn đồng hành" với Nhân là chiếc xe đạp cũ của ông ngoại trước đây. Nhân kể: "Xe đã cũ, nên thường bị sút dây sên, xẹp bánh nhưng em chưa có tiền sửa. Em tự nhắc mình dù cực khổ cỡ nào cũng không được lùi bước, phải cố gắng học để sau này phụng dưỡng ông bà, nuôi em".

Cô Tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: "Trường có một số em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ chia tay, bị sốc vì thiếu vắng tình thương, học hành giảm sút rồi hệ lụy là bỏ học, lêu lổng. Đối với Trọng Nhân thì khác, sau biến cố đau lòng, em bỗng mạnh mẽ lên rất nhiều, luôn phấn đấu học tập, xứng đáng là gương sáng về ý chí vượt khó, khát vọng vươn lên, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Dù con đường phía trước lắm chông gai, nhưng sẽ không làm Nhân nản chí".

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết