30/08/2017 - 20:47

Xây dựng Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Cần xem xét nguyện vọng của thân tộc 

Công trình xây dựng Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, đang vào giai đoạn hoàn thành, góp phần tôn vinh một danh nhân văn hóa- bậc “Hậu Tổ” của cải lương Nam bộ. Tuy nhiên, việc di dời phần mộ hai người vợ của cụ Mộc Quán chưa trọn vẹn theo ý nguyện của thân tộc, cần được địa phương và ngành chức năng xem xét thấu đáo, trọn tình trọn nghĩa.

Cụ Mộc Quán và bà Chánh thất Trịnh Thị Đây đã được an táng trong Khu tưởng niệm. Trong ảnh: Phối cảnh Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền. Ảnh: DK

Soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền (1876 - 1953) là thầy tuồng lừng danh, với hàng chục tác phẩm để đời cho sân khấu cải lương Nam bộ, tiêu biểu như “Giọt máu chung tình” (vở tuồng về tình sử Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà), Mộc Lan tùng chinh, Bội phu quả phụ, San Hậu… Cụ được giới nghệ sĩ tôn xưng là “Hậu Tổ” cải lương, thầy của những người thầy như Năm Châu, Phùng Há… và là người đầu tiên đưa bản “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương. Với những công lao đó, TP Cần Thơ đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm cố soạn giả.

Bà Nguyễn Thị Đỉnh, 83 tuổi, là cháu nội của cụ Mộc Quán, hiện đang sống tại quận Thốt Nốt, cho biết: cụ Mộc Quán có hai người vợ, người vợ lớn qua đời khi mới 33 tuổi, có 5 người con. Theo bia chí mà chúng tôi ghi nhận được, cụ bà Chánh thất tên là Trịnh Thị Đây (1887 - 1920). Mấy năm sau, cụ Mộc Quán tục huyền với cụ bà Lê Thị Tiên, quê ở Núi Sập, Châu Đốc, sống với nhau có 2 người con. Theo bia chí, cụ Tiên sinh năm 1891, mất năm 1965- có nghĩa cụ bà mất sau khi cụ Mộc Quán tạ thế đã 12 năm (1953).

Phần mộ bà vợ sau của cụ Mộc Quán- cụ Lê Thị Tiên nằm lại một mình trong khu mộ gia đình. Ảnh: DK

Ông Nguyễn Văn Son, cháu gọi cụ Mộc Quán là ông cóc (ông cố) ngoại, kể, khi cụ Mộc Quán qua đời, được chôn cất cạnh phần mộ của cụ Đây (địa điểm đó hiện là phía sau UBND quận Thốt Nốt). Đến khi cụ Tiên tạ thế, con cháu lại chôn cụ Tiên bên cạnh để ông nằm giữa hai bà. Năm 1976, NSND Phùng Há đã tu bổ khu mộ khang trang. Khoảng năm 2003, phần mộ của cụ Mộc Quán được cải táng về Trung tâm VHTT Thốt Nốt (cũ, nay là một siêu thị), hài cốt của hai bà cụ được thân tộc cải táng ở đất nhà. 

Rằm tháng Bảy âm lịch năm 2016, chính quyền đã tổ chức cải táng tiếp phần mộ cụ Mộc Quán về địa điểm xây khu tưởng niệm, sau đó bốc phần mộ cụ Đây về chôn cạnh, để lại cụ Tiên nằm một mình. Lý giải về việc tại sao không yêu cầu ngành chức năng di dời cả hai phần mộ cụ Đây và cụ Tiên về “sum họp” với cụ Mộc Quán, ông Nguyễn Văn Son nói rằng, thân tộc cứ nghĩ ai được tôn vinh cũng rất mừng nhưng giờ thấy cụ Tiên nằm cô độc lại thấy ray rứt.

Chúng tôi đã gặp nhiều cháu cóc nội, ngoại của cụ Mộc Quán và đều ghi nhận được nguyện vọng cải táng cụ Tiên về nằm cạnh cụ Mộc Quán và cụ Đây. Thân tộc xác nhận, cụ Đây mất mấy năm rồi cụ Mộc Quán mới cưới vợ sau, có cưới hỏi đàng hoàng. Về chi tiết này, chúng tôi đã tìm được một tài liệu, ghi nhận việc nhân cụ Mộc Quán tục huyền, ông Trần Ngọc Bích ở Thoại Sơn, có thơ tặng:

“Ông Trang vỗ trống vui mừng bạn
Họ Lý chặt tay trọn tiết chồng
Dầu có Mạnh Quang ừ cũng phải
Mừng cho cố hữu chắp tơ hồng”

 (Tặng Mộc Quán -1924)

Tổng hợp các tài liệu cho thấy, sau khi cụ Đây mất 4 năm, cụ Mộc Quán mới tục huyền với cụ Tiên và rõ ràng có cưới hỏi đàng hoàng. Như vậy là hợp với thuần phong, đạo lý, luật pháp công nhận.

Lại nói về sự nghiệp sáng tác của cụ Mộc Quán, ngoài viết kịch bản sân khấu, cụ còn có rất nhiều tập thơ nói về đạo nghĩa ở đời, cho thấy việc nhân nghĩa, luân thường luôn được cụ đặt trên hết. Đọc mấy câu trong “Gia huấn ca” của cụ:

“Cha- con, tôi- chúa, vợ- chồng
Là ba giềng mối, đạo đồng nhơn luân”

Rõ ràng, cụ Mộc Quán sinh thời vẫn luôn coi đạo cang thường chính là “đạo đồng nhơn luân”.

Trong trí nhớ bà Đỉnh, bà nội sau của bà “tốt tướng, đẹp người” và tính tình nhu mì. Còn bà Trần Thị Kim Chi, cháu cóc ngoại của cụ Mộc Quán thì nhấn mạnh: “Con cháu chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ phân biệt bà lớn- bà nhỏ, bà ruột- bà ghẻ. Bà lớn có công sinh, bà sau có công dưỡng, ngang nhau hết”. Bà Đỉnh còn cho hay, chính cha bà đã chôn cất cụ Tiên và thờ phụng, cúng kiếng nhiều năm liền.

Vậy mà bây giờ, trong khi cụ Mộc Quán và bà Chánh thất an vị nơi Khu tưởng niệm thì nhìn cảnh phần mộ cụ Tiên nằm trơ trọi, con cháu ai cũng nặng lòng. Ông Nguyễn Văn Son tha thiết rằng, nguyện vọng của gia đình là địa phương, ngành chức năng hỗ trợ làm sao cho cụ Tiên về nằm chung với cụ Mộc Quán và cụ Đây như trước đây, thuở mới chôn cất. Như vậy mới đúng đạo nghĩa, tổ tiên được thanh thản mà con cháu cũng nhẹ lòng. Nguyện vọng này là chính đáng, mong muốn này chí hiếu, chí tình, rất cần các đơn vị có liên quan xem xét thấu đáo.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết