12/07/2010 - 21:01

Cần xây dựng thương hiệu cho nông sản và sản phẩm làng nghề

Phong phú, đa dạng nhưng nông sản và sản phẩm làng nghề khó tồn tại nếu không xây dựng được một thương hiệu. Trong khi, nông dân phải “tự bơi” - tự sản xuất và tiêu thụ. Hơn bao giờ hết, sự góp sức, chung tay của doanh nghiệp, Nhà nước ngay lúc này là rất cần thiết để nông dân có thể sống được với nghề nông, hồi sinh những làng nghề truyền thống…

Nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nhưng trái cây nói chung vẫn khó tìm chỗ đứng ở thị trường nội địa do thiếu thương hiệu.

ĐUỐI SỨC...

Thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản đã khẳng định được vị trí của mình đối với thị trường trong và ngoài nước. Nhưng chỉ mới là số ít, chịu nhiều ràng buộc của các rào cản kỹ thuật. Đa số hàng nông sản vẫn lay hoay với điệp khúc mùa và giá, thiếu sức cạnh tranh. Nhà nông trở nên đuối sức khi cuộc chơi chỉ mới bắt đầu...

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu nông sản và thực phẩm năm 2009 là 1,5 tỉ USD. Trong những tháng đầu năm 2010, các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, các chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột, sữa... tăng 99%; sản phẩm thịt, cá... tăng 79%. Điều ngạc nhiên là Việt Nam xuất khẩu gạo và nhiều loại rau màu nhưng kim ngạch nhập khẩu hai loại hàng này tăng lần lượt 152% và 127%. Trong số các mặt hàng rau, củ nhập khẩu, có đến 70% xuất xứ từ Trung Quốc. Một thống kê cho thấy, trong số 27 loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, có 4 loại trái (quýt, táo, cam, lê) chiếm tỷ trọng cao nhất với 87,5%. Trong khi, đây là những loại trái cây trồng nhiều ở Việt Nam, chất lượng tốt. Tại cửa khẩu Lào Cai, hàng ngày nông sản Trung Quốc lại ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Khi có những thông tin về sự không an toàn của các loại nông sản này, người tiêu dùng nội địa dè dặt với hàng Trung Quốc. Thế là, hàng ngoại được nhập khẩu và “nội hóa” bằng cách trộn bùn đất Đà Lạt vào rễ rau, củ và trộn lẫn vào nông sản nội địa để đưa vào các chợ đầu mối tung ra thị trường. Gần đây, các phương tiện truyền thông lại rộ lên chuyện mặt hàng chuối nhập khẩu từ Philippines được bày bán tại thị trường lớn trong nước với giá cao hơn hàng nội... Thỉnh thoảng lại có những thông tin về hàng nông sản, chủ yếu là trái cây Việt Nam ứ đọng tại các cửa khẩu phía Bắc do gặp “rắc rối” khi đưa hàng vào Trung Quốc...

Giải thích về hiện tượng này, ông Hoàng Trọng, chuyên gia thị trường-Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết: “Một điều phải công nhận là nông sản Việt Nam không thua kém nông sản nhiều nước trên thế giới về chất lượng. Nông dân vốn rất năng động cho cây ra trái quanh năm, nghịch mùa để tăng giá trị. Nhưng phần lớn nông sản không có thương hiệu nên khó tìm chỗ đứng trên thị trường, ngay cả trên “sân nhà”, nhất là ở những đô thị lớn. Bốn yếu tố (chất lượng không ổn định, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã không đồng đều, bao bì kém chất lượng) là nguyên nhân chính khiến nông sản Việt Nam chậm thay đổi, khó thâm nhập thị trường. Khâu truyền thông cho sản phẩm còn rất hạn chế. Đó là chưa kể đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém... dẫn đến nông sản thiếu sức sống trên thị trường, làm giảm khả năng cạnh tranh. Hiện nay, luật pháp Việt Nam thiếu những rào cản kỹ thuật nên việc nhập khẩu hàng nông sản khá dễ dàng”. Vì thế, chất lượng hàng hóa và tính an toàn thực phẩm của hàng nông sản nhập khẩu gần như bị bỏ ngỏ. Hàng hóa dội chợ dẫn đến rớt giá, nông sản của nhà nông trong nước càng mất khả năng “đề kháng” nên dễ “kiệt sức”.

ĐỒNG HÀNH

Thương hiệu chính là vấn đề sống còn cho nông sản và sản phẩm làng nghề trong nước. Để có thương hiệu tốt, phải có sản phẩm tốt. Các chuyên gia cho rằng, thị trường đòi hỏi sự thích ứng của nhà sản xuất. Người tiêu dùng luôn quan tâm đến chất lượng, chủ loại, sự tiện lợi, yếu tố sức khỏe... Điều này được quyết định bởi khoa học kỹ thuật và ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất nông sản. Tuy nhiên, hiện nay nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL có hiện tượng “sợ” Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Sản xuất theo quy trình này đòi hỏi người dân phải chăm chút hơn nhưng khi thu hoạch thì “bán xô” với sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức truyền thống. Một số nhà vườn xoài cát Hòa Lộc, vúa sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi... dọa sẽ “chia tay” với GAP. “Nguồn nhân lực là vấn đề khó đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nông dân muốn nâng cao giá trị sản phẩm và có sự cầu tiến cao nhưng không có lớp nông dân trẻ được đào tạo bài bản về xây dựng các mô hình mới trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình mà lại có xu hướng ly nông. Khi mở lớp đào tạo nghề cho nông thôn, chúng tôi muốn mở những nghề liên quan đến nông nghiệp nhưng không tuyển sinh được. Cuối cùng phải mở những ngành có nhiều học viên đăng ký. Ngành liên quan đến nông nghiệp lại bỏ trống trong khi lao động nông nghiệp thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo...”, ông Đỗ Minh Triết, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, cho biết. Đây cũng là xu hướng chung của vùng nông thôn. Bởi vì nông nghiệp không có sức hút đối với giới trẻ do hiệu quả kinh tế không cao. Các chuyên gia cho rằng, giáo dục lòng yêu nghề nông đối với người trẻ phải bằng kỹ thuật mới và hiệu quả. Tức là xây dựng thế hệ nông dân mới, gắn bó với nghề nông và xây dựng nông thôn mới.

Nông dân trước nay chỉ quen sản xuất rồi giao cho thương lái, nhà vựa quyết định thị trường chứ chưa tham gia suốt chuỗi giá trị nông sản. Thương hiệu bị bỏ quên cho đến khi phải đối diện với nông sản nhập khẩu. Bắt tay vào xây dựng thương hiệu là điều không dễ dàng đối với người dân. Hơn bao giờ hết, nông sản Việt Nam rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp và hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương giai đoạn 2009-2010 đã khẳng định được những hiệu quả bước đầu cho nông sản Việt Nam. Đi cùng với chương trình này, tháng 7-2009, siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT Mart) ra đời chuyên bán hàng đặc sản là một kênh tiếp thị, tiêu thụ nông sản và sản phẩm làng nghề vùng nông thôn. Dự kiến, đến cuối năm 2010, hệ thống siêu thị này sẽ phát triển thêm nhiều chi nhánh để đưa nông đặc sản đến tay người tiêu dùng thành thị. Đại diện SGTT Mart, bà Phương Dung cho biết: “Hoạt động của SGTT Mart không chỉ là quảng bá và bán hàng mà còn quan tâm đến người sản xuất. Chúng tôi thường xuyên bổ sung các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương vào danh mục hỗ trợ phát triển và đưa vào phân phối trong hệ thống...”. Từ đó, các làng nghề truyền thống ở An Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Nai, Quảng Ngãi... đã được hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống thành vùng nguyên liệu cung cấp cho hệ thống siêu thị. Hàng loạt đặc sản khắp mọi miền đất nước có được thương hiệu riêng, đăng ký sở hữu độc quyền... Ngoài ra, còn các chương trình hướng đến cộng đồng sản xuất nhằm xây dựng và phát triển nông đặc sản và sản phẩm làng nghề thỏa mãn tiêu chuẩn hàng hóa theo thị trường quốc tế. Trong đó, ưu tiên xây dựng quy trình sản xuất an toàn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường... nâng giá trị nông sản vùng nông thôn, thích ứng với thị trường...

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nhưng trái cây nói chung vẫn khó tìm chỗ đứng ở thị trườ

Chia sẻ bài viết