11/09/2012 - 21:56

Huy động vốn oda cho đầu tư phát triển

Cần xây dựng định hướng chiến lược

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, giai đoạn 2006-2010, tổng vốn ODA ký kết của TP Cần Thơ đạt khoảng 115,3 triệu USD, chiếm 1,13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ rất cần vốn để hoàn thiện hạ tầng cơ sở và nguồn vốn ODA được xem như chất xúc tác cho phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn ODA thời kỳ 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Cơ hội đan xen thách thức

Cầu Cần Thơ, một trong những công trình quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng ĐBSCL, được xây dựng từ nguồn vốn ODA. Ảnh: MỸ THANH 

Trong giai đoạn 2006-2010, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 15,5-16%/năm và là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, bước vào thời kỳ 2011-2015, ngoài cơ hội phát triển, TP Cần Thơ cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Môi trường đầu tư của TP Cần Thơ chậm được cải thiện, năm 2011, Cần Thơ xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Trong giai đoạn 2006-2010, để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, TP Cần Thơ đã tự vận động và thông qua sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, ký kết vốn ODA đạt khoảng 115 triệu USD. Nguồn vốn ODA được phân bổ vào 5 lĩnh vực: giáo dục và dạy nghề; giao thông vận tải; y tế; môi trường và phát triển đô thị; cải cách hành chính. Chuyên gia kinh tế Dương Đức Ưng (thuộc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Chuyển giao Công nghệ và Đầu tư-đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch), đánh giá: Các chương trình và dự án ODA thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ trong thời gian qua về cơ bản có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý vốn ODA của thành phố còn nhiều bất cập, từ đó chưa phát huy hết tác dụng trong sử dụng nguồn vốn quan trọng này. Cụ thể, công tác mời gọi ODA của thành phố chưa chủ động và thiếu bài bản, chưa được sự quan tâm đúng mức của các sở, ban, ngành. Các điều kiện đối ứng chưa được chuẩn bị tốt, còn bị động (vốn đối ứng, mặt bằng để triển khai dự án, thiếu cán bộ quản lý có năng lực để thực hiện dự án,...). Song song đó, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện dự án còn yếu kém, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chất lượng dự án chưa đạt yêu cầu, giải ngân thấp (dưới 50% vốn ký kết)...

Chuyển biến từ nhận thức

Theo đơn vị tư vấn, “Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” dựa trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của thành phố. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố khoảng 200.000-220.000 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 90-95% vốn trong nước và 5-10% vốn nước ngoài (vốn FDI, ODA, vốn vay ưu đãi...). “Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế, thu hút FDI gặp nhiều khó khăn và nguồn vốn ODA có xu hướng giảm, TP Cần Thơ cần linh động hơn trong việc kêu gọi các dự án đầu tư cả ODA lẫn FDI. Để làm được điều này cần có sự chung tay, góp sức từ phía các quận, huyện. Mỗi địa phương phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tránh tình trạng trông chờ, phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước...”- ông Trần Thanh Cần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, phân tích.

Từ thực tiễn thực hiện chương trình, dự án ODA thời gian qua cho thấy, nguồn vốn đối ứng tại chỗ có vai trò quan trọng. Do đó, TP Cần Thơ cần địa phương hóa các quy trình, thủ tục quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho rằng: “Vấn đề thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA phải cân nhắc một cách thận trọng, đặt trong mối tương quan với quy hoạch của các ngành khác. Quy hoạch cần được phân chia theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn phải đề xuất lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng lĩnh vực”. Nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các nhóm đối tượng khác nhau như: nhóm ra quyết định, nhóm vận động và nhóm thực hiện dự án. Các sở, ngành cần đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tranh thủ sự ủng hộ và phát triển mối quan hệ đối tác với các nhà tài trợ.

TP Cần Thơ được xem là một trong những địa phương tiên phong trong việc lập “Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA sẽ là cơ sở để TP Cần Thơ giới thiệu và định hướng các lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn ODA đến các nhà tài trợ trong quá trình hợp tác đầu tư vào thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ cung cấp các thông tin định hướng cho các Bộ, ngành Trung ương trong việc vận động các nhà tài trợ tăng cường và mở rộng cung cấp viện trợ cho thành phố.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành hữu quan về vấn đề thu hút vốn đầu tư ODA, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu chủ đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn đề ra các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thiện “Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” . Trước mắt, thành phố sẽ ưu tiên thu hút vốn ODA vào 3 lĩnh vực: hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở xã hội) và môi trường. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, khẳng định: “Hiện nay, cơ cấu nguồn vốn ODA đang chuyển dịch theo hướng giảm mạnh nguồn viện trợ không hoàn lại, chuyển sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, với các điều kiện vay theo lãi suất của thị trường tài chính thế giới. Vì vậy, song song với mục tiêu thu hút vốn đầu tư ODA vào các dự án trọng điểm thuộc 3 lĩnh vực ưu tiên, thành phố phải tập trung quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn so với vốn ký kết để đầu tư hiệu quả vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển”.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết