30/04/2022 - 09:42

Cẩn trọng với giao dịch về quyền sử dụng đất 

Gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện một số đối tượng sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) giả để thực hiện các giao dịch, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi muốn thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, bà con nên liên hệ trực tiếp với tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục, nhằm hạn chế rủi ro.

Vì tiền, bất chấp pháp luật

Người dân thực hiện các giao dịch về QSDĐ tại Văn phòng Công chứng Cao Việt Phương.

Người dân thực hiện các giao dịch về QSDĐ tại Văn phòng Công chứng Cao Việt Phương.

Khoảng tháng 10-2021, Bùi Thị Thúy Loan ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, lên mạng xã hội Facebook thuê người làm giả GCN QSSĐ giống thông tin trên GCNQSSĐ của cha ruột Loan, nhưng thay đổi thành tên của Loan, với giá 75 triệu đồng. Sau khi có GCN QSDĐ giả, Loan gặp một người tên Hậu để thỏa thuận vay tiền có tài sản đảm bảo, hợp thức hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên. Ngày 3-3-2022, Loan đã nhận chuyển khoản từ Hậu 267 triệu đồng. Trong quá trình làm thủ tục chuyển nhượng, tổ chức hành nghề công chứng nghi ngờ GCNQSDĐ giả nên yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phong Điền kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phong Điền nghi ngờ QSDĐ của Loan là giả, nên chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngày 20-4, Công an huyện Phong Điền đã khởi tố Loan về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố, bắt tạm giam 11 đối tượng trong băng nhóm “cò đất”, do Lưu Hoàng Hải (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, chuyên làm giả GCNQSDĐ để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hải và đồng bọn hành nghề môi giới bất động sản tại TP Hồ Chí Minh. Các đối tượng này tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà từ nhiều nguồn khác nhau như môi giới, rao bán trên mạng, niêm yết tại dịch vụ bất động sản… để xin GCNQSSĐ photo rồi mang đi làm giả. Bọn chúng lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi để liên hệ gặp chủ đất xem vị trí thửa đất, nhà và GCNQSDĐ bản chính để đặt cọc. Khi chủ đất sơ hở, nhóm của Hải sẽ đánh tráo giấy giả được làm trước đó với giấy thật. Khi có GCN thật, nhóm này tiếp tục thuê người đóng giả chủ đất và làm giả giấy tờ tùy thân để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác, với giá trị thấp hơn giá thị trường. Khi giao dịch thành công, chúng tắt điện thoại di động, cắt liên lạc.

Do giấy chứng nhận là giấy thật, nên tổ chức hành nghề công chứng cũng như cơ quan tài nguyên và môi trường không phát hiện. Khi chủ sở hữu phát hiện, nhóm Hải đã mua bán, chuyển nhượng, cầm cố tài sản qua nhiều người. Với thủ đoạn trên, Hải và đồng bọn khai đã thực hiện 7 vụ lừa đảo ở TP Cần Thơ và một số tỉnh khác, với tổng số tiền khoảng 100 tỉ đồng.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Hiện nay, các giao dịch về QSDĐ với giá trị lên đến hàng tỉ đồng luôn là “món mồi ngon” của các đối tượng xấu. Tình trạng lừa đảo bằng cách làm giả GCNQSDĐ đã và đang làm giới kinh doanh bất động sản vô cùng đau đầu bởi chỉ cần sơ sẩy, người nhận chuyển nhượng có thể bị lừa trắng tay mà không hay biết. Ông Nguyễn Hoàng Minh ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thường thực hiện các giao dịch về QSDĐ, chia sẻ: “Khi quyết định giao dịch về thửa đất nào đó, tôi tìm hiểu thực tế về quá trình sử dụng đất, ranh giới với các hộ sử dụng lân cận. Đặc biệt, kiểm tra kỹ các thông tin ghi trên GCNQSDĐ, kiểm tra cách phân biệt giấy chứng nhận thật, giả theo khuyến cáo của ngành chức năng”.

Với sự phát triển của kỹ thuật in, “công nghệ” sản xuất các loại giấy tờ giả ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể phân biệt. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng với những giao dịch tài sản có liên quan… Ông Cao Việt Phương, Trưởng Văn phòng Công chứng Cao Việt Phương (huyện Cờ Đỏ), khuyến nghị: “Trong thực hiện các giao dịch về nhà, đất, bà con cần lưu ý một số việc: không nên cung cấp quá nhiều GCNQSDĐ, thông tin cá nhân, chỉ nên cung cấp bản photo cho người thật sự có nhu cầu. Khi bị mất GCNQSDĐ, người sử dụng phải nhanh chóng liên hệ công an cấp xã, nơi có đất, để trình báo và làm thủ tục xin cấp mới. Khi có nhu cầu mua đất, người mua nên tìm đến các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để tìm hiểu kỹ về tình hình của thửa đất cũng như thông tin nhân thân của chủ đất…”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết