15/07/2011 - 09:00

Cẩn trọng khi sử dụng kháng sinh

* Bác sĩ CK2 HÀ ANH TUẤN
(Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ)

Kháng sinh còn được gọi là trụ sinh, là những chất có khả năng tiêu diệt vi trùng hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Vì vậy, kháng sinh được dùng để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh diễn ra ngày càng phổ biến, điều đó đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.

Nên mua và sử dụng các loại thuốc kháng sinh theo toa của bác sĩ. Ảnh: HỒNG VÂN 

Kháng sinh được phân làm nhiều nhóm như nhóm penicillin, cephalosporin, tetracyclin, quinolon. Mỗi nhóm có một số kháng sinh khác nhau. Những kháng sinh thường được sử dụng hiện nay: penicillin, amoxycillin, ampicillin, cephalosporin, erythromicin, tetracylin, doxycyclin, ciprofloxacin, chloramphenicol.

Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng uống thuốc kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt. Đối với những nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm, đường truyền dịch nếu cần. Muốn có tác dụng tốt trong điều trị, thầy thuốc phải làm kháng sinh đồ để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn kháng sinh thích hợp. Bệnh nhân dùng kháng sinh phải đủ liều, đủ thời gian và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ.

Dùng kháng sinh không đúng rất có hại, gây khó khăn cho chẩn đoán. Chẳng hạn như đối với bệnh nhi bị viêm màng não mủ, khi tự ý dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán và gây ra viêm màng não mủ mất đầu, rất khó điều trị, để lại di chứng bại não, não úng thủy cho trẻ. Hoặc trẻ bị viêm ruột thừa mà tự ý dùng kháng sinh sẽ làm triệu chứng lu mờ, khi phát hiện trễ, ruột thừa sẽ vỡ trong ổ bụng gây viêm màng bụng rất nguy hiểm cho tính mạng. Kháng sinh có tác dụng chữa bệnh nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

Việc lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các vi khuẩn tụ cầu trùng kháng lại hầu hết các kháng sinh họ cephalosporin. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế. Như vi khuẩn E.Coli trước đây ít nguy hại nhưng nay đã kháng thuốc rất mạnh và hình thành chủng mới gây chết hàng chục người tại châu Âu (Tây Ban Nha, Đức...) mà các nhà chuyên môn nghi ngờ dưa chuột, giá đỗ là thủ phạm truyền bệnh trong tháng trước.

Có nhiều lý do dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh. Trước hết, do các bệnh nhân có khuynh hướng tự sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến. Với trẻ em cũng không ngoại lệ, hầu như trẻ nào cũng đã uống một vài loại kháng sinh do bố mẹ tự mua. Nếu trẻ bị nhờn thuốc ngay từ những năm tháng đầu đời sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị mà còn gieo rắc mầm mống cho những căn bệnh nguy hiểm khác. Mặt khác, một số thầy thuốc khi chưa xác định được loại vi khuẩn, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân đã dễ dàng chỉ định sử dụng kháng sinh.Việc sử dụng thuốc, việc bán thuốc ở nước ta cũng chưa thật chặt chẽ theo quy định nên vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trong điều trị. Về vấn đề lạm dụng kháng sinh, từ năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh.

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết các thầy thuốc phải nêu cao trách nhiệm của mình trong khám và điều trị bệnh. Đối với các bệnh nhân, không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống thuốc cần tuân thủ 4 quy tắc: đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng. Người bệnh không được bỏ dở liều khi đang điều trị. Có nhiều bệnh nhân, sau khi uống vài ngày thấy khỏe, liền tự ý bỏ không sử dụng thuốc nữa. Đây là một sai lầm. Kháng sinh không chỉ có nhiệm vụ làm tê liệt hoạt động của vi trùng mà còn có nhiệm vụ tiêu diệt chúng. Vì thế, khi đang dùng dở liều mà dừng lại, kháng sinh sẽ không đủ mạnh để tiêu diệt hết vi trùng. Như vậy, vô tình làm tăng khả năng chống chọi với thuốc của vi trùng. Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần sẽ càng làm tăng khả năng kháng thuốc của chúng. Lần sau, khi bệnh tấn công, vi trùng có khả năng tự vệ chống lại thuốc, nhiều lần sinh ra kháng thuốc kháng sinh. Cần nên biết rằng, thuốc kháng sinh không có khả năng tiêu diệt virus gây cảm lạnh và cúm. Do điều kiện khí hậu ẩm, rất nhiều người bị cảm lạnh và cúm, khi bị những triệu chứng này, sẽ hiệu quả hơn nếu sử dụng thuốc chống viêm nhiễm làm dịu bớt các triệu chứng bệnh, hạ sốt, nghỉ ngơi. Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp lây nhiễm virus kèm vi trùng.

Chia sẻ bài viết