13/08/2008 - 20:59

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính

Cần tới nơi tới chốn

Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính là biện pháp tăng cường cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, vẫn chưa quan tâm thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác CCHC, gây phiền hà, khó khăn cho người dân.

“Trên” chấn chỉnh, “dưới” chưa thông!

Từ ngày ông Phan Thanh Ân, cán bộ “một cửa” xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ (phụ trách lĩnh vực địa chính - xây dựng) bị buộc thôi việc, nhiều người dân trong xã đã đến đề nghị UBND xã “xem giúp” hồ sơ đất đai đã nộp cho cán bộ này hiện có còn hay đã thất lạc. Tiếp ông Nguyễn Văn Tư, nhà ở ấp Thới Lộc, thắc mắc về hồ sơ đất đai của gia đình ông đã nộp gần 2 năm nay chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Thuấn, trả lời: “Trong sổ sách mà cán bộ Ân bàn giao trước khi nghỉ việc, không có hồ sơ đất đai nào mang tên Nguyễn Văn Tư. Do vậy, nếu gia đình có nhu cầu làm “giấy đỏ”, phải lập lại hồ sơ từ đầu, nộp tại bộ phận “một cửa” của xã thì mới có cơ sở giải quyết”. Nghe câu trả lời này, ông Nguyễn Văn Tư bức xúc nói: “Hồi năm ngoái, tôi đã đến bộ phận “một cửa” của xã để nhờ hướng dẫn thủ tục cấp “giấy đỏ”. Hồ sơ lập xong, tôi nộp cho bộ phận này theo đúng quy định. Thế mà, đã gần 2 năm, hồ sơ của tôi không những không được giải quyết mà còn bị thất lạc. Trong việc này, cán bộ đã thiếu trách nhiệm đối với việc giải quyết hồ sơ của tôi”.

Cán bộ “một cửa” huyện Cờ Đỏ kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. 

Nhiều tháng nay, UBND huyện Cờ Đỏ đã chỉ đạo UBND xã Xuân Thắng kiểm tra, rà soát lại số hồ sơ đất đai của người dân đã nộp, chưa được giải quyết để có biện pháp khắc phục, giải quyết nhanh cho người dân. Trước đó, UBND huyện cũng đã yêu cầu các địa phương, trong đó có xã Xuân Thắng phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm các quy định về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, không để xảy ra trường hợp cán bộ lợi dụng nhũng nhiễu, tiêu cực. Thế nhưng, cả hai chỉ đạo này, hiện nay vẫn chưa được xã Xuân Thắng thực hiện nghiêm. Thậm chí, khi cán bộ tiêu cực, nhiều người dân đã phản ánh, khiếu nại đến UBND xã nhưng lãnh đạo xã chưa xác minh, xử lý kịp thời, để dây dưa kéo dài cả năm trời, khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong giải quyết hồ sơ đất đai. Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Minh Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, cho biết: “Đúng là thời gian qua xã chưa thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức. Riêng đối với việc rà soát, kiểm tra hồ sơ đất đai tồn đọng, hiện xã vẫn chưa xác định được con số chính xác, vì cán bộ địa chính trước đây nghỉ việc không bàn giao lại. Hiện nay, nếu người dân đến liên hệ, xã sẽ hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định, cố gắng trả kết quả đúng hẹn”.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính: Nhiều nơi còn buông lỏng!

Trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ khẩu, thời gian qua, Công an TP Cần Thơ đã có một số văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm biểu mẫu, quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết hộ khẩu cho người dân. Thế nhưng, khi Đoàn kiểm tra CCHC của UBND thành phố kiểm tra tình hình thực hiện công tác hộ khẩu, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm, gây khó khăn cho người dân.

Tại xã Mỹ Khánh, Đoàn kiểm tra đã phát hiện UBND xã đã tự ý đặt thêm thủ tục, gây khó khăn cho người dân trong xác nhận nhà ở hợp pháp. Cụ thể, không thực hiện theo biểu mẫu do công an thành phố ban hành; trong quy trình xác nhận, UBND xã bắt người dân phải có chữ ký của trưởng ấp. Vấn đề này, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra, ý kiến: “Yêu cầu này của UBND xã là trái quy định, gây khó khăn cho người dân. Theo quy định, không chỉ hồ sơ hộ khẩu, tất cả hồ sơ hành chính khác, cũng không yêu cầu người dân phải về ấp, khu vực xác nhận”. Còn tại thị trấn Phong Điền, công an thị trấn còn buộc người dân phải lập dư thủ tục “xác nhận tình trạng tạm trú” khi đăng ký tạm trú (theo Luật Cư trú, thủ tục này chỉ áp dụng cho một số trường hợp khi đăng ký hộ khẩu thường trú). Ông Đinh Văn Danh, Đội trưởng Đội Hộ khẩu, Công an huyện Phong Điền, giải thích: “Khi cung cấp biểu mẫu “xác nhận tình trạng tạm trú” (áp dụng cho một số trường hợp đăng ký hộ khẩu) cho công an địa phương, Công an huyện “quên” không hướng dẫn sử dụng, nên cán bộ áp dụng sai. Công an huyện sẽ rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh ngay”.

“Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tình tiết nghiêm trọng.

Thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trong thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh”.

(Trích Chỉ thị 32/2006/CT-TTg, ngày 7-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp).

Liên quan đến lĩnh vực này, năm 2007, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính – trật tự xã hội (PC13), Công an TP Cần Thơ đã đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số nhân, hộ khẩu chưa được đăng ký hộ khẩu, để có biện pháp giải quyết. Theo đó, nếu đủ điều kiện thì cho phép người dân đăng ký hộ khẩu; nếu chưa đủ điều kiện thì giải quyết đăng ký tạm trú, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong cuộc sống; đồng thời, giúp ngành công an quản lý về nhân, hộ khẩu. Thế nhưng, tình trạng hộ dân không có hộ khẩu, nhưng cũng không có tạm trú vẫn còn nhiều. Theo báo cáo sơ bộ của 4 phường, xã, thị trấn thuộc quận Cái Răng và huyện Phong Điền, có hơn 300 hộ thuộc diện “2 không” này. Thậm chí, tại xã Mỹ Khánh, có nhiều hộ dân đã sinh sống từ 30 đến 50 năm, có nhà cửa ổn định, nhưng vẫn không được giải quyết đăng ký hộ khẩu. Không có hộ khẩu, chuyện vào điện, nước, học hành gặp nhiều khó khăn. Giải thích việc này, Thiếu tá Lê Thanh Hùng, Trưởng Công an xã Mỹ Khánh, cho rằng: “Những hộ dân này mặc dù sinh sống, lập nghiệp ổn định trên địa bàn xã nhiều năm, nhưng hộ khẩu trước đây không có, nên không đủ thủ tục để cấp sổ hộ khẩu. Hiện nay, xã đang rà soát, lập danh sách để xin ý kiến chỉ đạo của Công an TP Cần Thơ đối với các trường hợp này”.

****

Năm 2008, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực liên quan thiết thân đến đời sống người dân như hộ khẩu, hộ tịch, đất đai... Thiết nghĩ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo này, giảm phiền hà, khó khăn cho người dân khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết