14/05/2013 - 21:52

Nâng cao giá trị trái cây Việt Nam

Cần tổ chức lại khâu sản xuất và tiêu thụ

Đóng rổ nhãn tiêu da bò xuất khẩu tại một cơ sở thu mua nhãn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Tại Tiền Giang vừa diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL-Mô hình thí điểm tại Tiền Giang. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, vùng ĐBSCL và cả nước có các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại trái cây nhiệt đới để xuất khẩu. Nhưng thời gian qua, các thị trường xuất khẩu chưa được quan tâm khai thác đúng mức và nhiều loại trái cây chủ yếu còn tiêu thụ ở nội địa nên thường gặp tình trạng “ăn không hết, bán không được”… Chính vì vậy, tổ chức lại việc sản xuất trái cây theo yêu cầu thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu đang là yêu cầu cấp thiết.

*Nhiều tiềm năng, lợi thế

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, nước ta có nhiều thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu… thích hợp cho sự phát triển của hơn 40 chủng loại trái cây nhiệt đới. Trong đó, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực của cả nước với hơn 30 chủng loại trái cây khác nhau. Đặc biệt có nhiều giống cây ăn trái ngon và đặc sản vùng miền như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi 5 roi, thanh long, sầu riêng Ri 6, nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm nhãn… và những loại trái cây đặc hữu chỉ Việt Nam mới có trồng như: Vú sữa Lò Rèn, sơ ri và quýt hồng.

Thời gian qua, trái cây ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung đã khẳng định được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất và khả năng thâm nhập được vào các thị trường khó tính khi các tiến bộ khoa học được đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất, nhiều loại trái cây đã được xử lý cho trái rải vụ và sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP… Một số vùng sản xuất trái cây tập trung ở ĐBSCL được Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã code xuất khẩu sang thị trường Mỹ như chôm chôm (Bến Tre), thanh long (Tiền Giang và Long An). Cuối năm 2012, xoài và thanh long cũng được phép xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Theo kế hoạch, trong năm 2013 sẽ có thêm một số loại trái cây khác được cấp mã code xuất khẩu sang Mỹ, như: nhãn, xoài và vú sữa. Song song đó, hiện ĐBSCL đã hình thành được nhiều vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, có khả năng cung ứng với sản lượng lớn, đáp ứng được các đơn hàng lớn theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, với các ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn nước, sự năng động sáng tạo của nhà vườn và tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện nhiều loại trái cây ở ĐBSCL đã được nhà vườn xử lý cho trái quanh năm như: thanh long, nhãn, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, cam sành, dứa, chanh… Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sản lượng cung ứng hàng hóa trên thị trường được ổn định, liên tục và giá bán cao (do cung ứng nghịch mùa). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, xử lý cho trái được quanh năm là yếu tố quan trọng giúp nhiều loại trái cây nước ta có thể nâng cao sức cạnh tranh so với trái cây cùng loại và có thể xâm nhập được vào các thị trường nước ngoài khó tính. Trái chôm chôm là một minh chứng, chúng ta đã vượt qua được Thái Lan khi xử lý cho chôm chôm ra trái nghịch để đưa vào bán tại thị trường Mỹ. Tới đây, trái cây của ta cần khai thác triệt để yếu tố mùa vụ trong sản xuất trái cây để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các nước có nền sản xuất trái cây tương đồng, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam, những năm qua, kim ngạch xuất khẩu trái cây có mức tăng tưởng cao và dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Năm 2012, sản phẩm rau quả của nước ta đã có mặt tại 71 quốc gia trên thế giới, tăng 5 quốc gia so với 2011, với kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 805 triệu USD. Dự kiến trong năm 2013, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt từ 960 triệu USD đến 1 tỉ USD. Các chủng loại quả xuất khẩu của cả nước rất đa dạng và phong phú, với 40 loại. Trong đó, thanh long là mặt hàng luôn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu thanh long sẽ tăng đáng kể trong những năm tới do đã thâm nhập thành công nhiều thị trường khó tính và được người tiêu dùng chấp nhận, tăng nhu cầu sử dụng. Mặt khác, xuất khẩu chôm chôm, nhãn, xoài… cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi được chấp nhận nhập khẩu của các thị trường Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc do có khả năng cung ứng nghịch vụ với sản lượng lớn trong khi các nước có cùng ngành hàng xuất khẩu đã hết vụ mùa thu hoạch. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập khẳng định: “Trái cây nước ta sẽ còn tiềm năng rất lớn trong xuất khẩu nếu chúng ta biết khai thác tốt các thị trường. Kim ngạch xuất khẩu trái cây có mức tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các loại nông sản khác như: gạo, điều, cà phê, tiêu… Hiện khoảng 90% trên tổng sản lượng trái cây cả nước tiêu thụ nội địa. Dù nước ta có nhiều chủng loại trái cây xuất khẩu và xuất khẩu đi nhiều nước nhưng chỉ mới một loại xuất được với số lượng lớn. Nhưng, nhìn chung thị trường chỉ tập trung vào Trung Quốc; các thị trường tiềm năng giúp mang lại giá trị cao như: Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Đây là vấn đề cần quan tâm khắc phục”.

*Tổ chức lại việc sản xuất và tiêu thụ

Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL-Mô hình thí điểm tại Tiền Giang được UBND tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện từ tháng 11-2011 dưới sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO do Bộ Công thương chủ trì. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nâng cao thu nhập những người sản xuất kinh doanh trái cây tại ĐBSCL thông qua mô hình thí điểm phân tích chuỗi giá trị trái cây. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, qua việc triển khai thực hiện phân tích chuỗi giá trị sản phẩm thanh long, tọa đàm, tập huấn cho các bên có liên quan trong chuỗi giá trị. Từ đó đề xuất chính sách, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây thuộc Dự án “hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL-Mô hình thí điểm tại Tiền Giang” đã có tác động tích cực đến việc phát triển cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang. Các bên tham gia chuỗi giá trị đã hiểu rõ hơn về chuỗi giá trị hàng hóa và các yêu cầu của thị trường, từ đó có ý thức hơn trong sản xuất, thu gom, sơ chế, đóng gói theo các tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, Dự án cũng khẳng định việc quan trọng cần làm ngay là tổ chức lại sản xuất, thành lập hợp tác xã, tổ nhóm hợp tác để tăng cường các mối liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ… nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị trái cây. Qua đó, mới giúp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo sản xuất theo các tiêu chí liên quan đến rào cản kỹ thuật và an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính.

Tình trạng sản xuất trái cây manh mún, tự phát, thiếu liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm và chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về chủng loại, số lượng và chất lượng; chưa nắm bắt tốt các “tín hiệu” của thị trường đã làm hạn chế đến xuất khẩu trái cây trong thời gian qua. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Phải dựa trên cơ sở nguyên cứu thị trường tiêu thụ và “tín hiệu” của thị trường để tiến hành rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh, phù hợp cho từng thị trường xuất khẩu. Có như vậy mới có thể đẩy mạnh được xuất khẩu”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) cũng cho rằng: “Thời gian qua, các chính sách về phát triển trái cây của nước ta chủ yếu thúc đẩy phát triển sản xuất nhiều hơn so với tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Vì vậy việc tiêu thụ trái cây hiện chủ yếu là ở thị trường nội địa, thu nhập của nhà vườn còn bấp bênh. Muốn xuất khẩu trái cây, chúng ta cần quan tâm đến các yêu cầu, tiêu chuẩn đòi hỏi của các thị trường, chú ý tập quán người tiêu dùng… Nói chung, cần phân tích nhu cầu thị trường trước khi bố trí sản xuất; đồng thời, tăng cường các mối liên kết để phát triển, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chủng loại cây ăn trái và nâng cấp chuỗi giá trị…”.

Nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thế giới đã và đang có xu hướng tăng. Đây là thuận lợi lớn cho việc phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây ở nước ta. Nhưng ngành trái cây phát bền vững và giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, rất cần có sự quan tâm hơn của Trung ương và địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn hạn chế, phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: V. Cộng

 

Chia sẻ bài viết