|
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - Chi nhánh Cần Thơ.
Ảnh: NAM HƯƠNG |
Sau hơn 4 tháng triển khai các quyết định (QĐ) hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo gói kích cầu của Chính phủ tại TP Cần Thơ, dư nợ cho vay HTLS chiếm 38,2% tổng dư nợ cho vay toàn thành phố. Ngoài việc góp phần tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, việc HTLS còn giúp doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện HTLS còn một số vướng mắc, nhất là gói hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn; vay mua vật tư, thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng nhà ở.
HIỆU QUẢ, NHƯNG...
Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, thị phần thu hẹp, xuất khẩu giảm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế HTLS các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho vay theo cơ chế thông thường và thực hiện HTLS đối với khoản vay vốn lưu động ngắn hạn (QĐ 131); vay trung dài hạn (QĐ 443); vay mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp, mua vật liệu xây nhà ở khu vực nông thôn (QĐ 497). Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, sau hơn 4 tháng thực hiện, tính đến ngày 26-6-2009, dư nợ cho vay HTLS theo các QĐ của Thủ tướng Chính phủ đạt 9.923 tỉ đồng, chiếm 38,2% tổng dư nợ toàn thành phố. Trong đó, dư nợ theo QĐ 131 chiếm đa số với số tiền cho vay hơn 9.720 tỉ đồng, QĐ 443 đạt 202 tỉ đồng, còn QĐ 497 đã phát vay 160 triệu đồng. Tổng số tiền HTLS cho khách hàng là 75 tỉ đồng (hỗ trợ 4% trên tổng dư nợ cho vay).
Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Có thể nói, kết quả thực hiện HTLS góp phần mở rộng tín dụng trên địa bàn. Từ mức giảm 1,7% vào tháng 1-2009, sang tháng 2, QĐ HTLS được triển khai thực hiện, tăng trưởng tín dụng lên mức 2,5%, tính chung 5 tháng đầu năm 2009, mức tăng đạt 14,6% so cuối năm 2008. Điều này khẳng định chính sách HTLS đã phát huy hiệu quả và sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố tăng nhanh trong những tháng cuối năm 2009”. Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố, đến cuối tháng 6-2009 ước đạt 25.200 tỉ đồng, tăng 16,2% so cuối năm 2008 và tăng 5% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 18.200 tỉ đồng, chiếm 72,2%; dư nợ trung- dài hạn 7.000 tỉ đồng, chiếm 27,8%. Cũng theo ông Ngọc, chính sách HTLS đã tác động thiết thực đối với DN, cá nhân, nhất là gói HTLS ngắn hạn (QĐ 131), nhưng QĐ 497 có một số vướng mắc nhất định. Một trong những lý do khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn do điều kiện về xuất xứ hàng hóa (qui định hàng hóa sản xuất trong nước theo danh mục Bộ Công thương công bố) nhưng trên thực tế thị trường còn nhiều loại khác. Hay phải có hóa đơn đỏ và hạn mức vay 7 triệu đồng/ha mua vật tư nông nghiệp... đã gây không ít lúng túng cho người dân, địa phương và cả ngân hàng (NH). Trên thực tế, có NH cho vay rất dè dặt, bởi tiền là của NH, Chính phủ chỉ HTLS, nên NH phải kiểm soát theo nghiệp vụ cho vay thông thường. Người dân muốn vay phải đảm bảo nguyên tắc tín dụng (2 nguyên tắc và 5 điều kiện) và nằm trong diện được HTLS.
Bà Nguyễn Thị Phi ở ấp An Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm rồi, tôi nuôi 22 con heo nhưng bị bệnh chết hết, nên bị lỗ hàng chục triệu đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa tái đàn được do không có vốn. Tôi đã làm đơn vay NH, nhưng NH trả lời là tôi không đủ điều kiện vay vốn, dù tôi rất muốn có được số tiền từ 10- 20 triệu đồng để nuôi heo lại”. Còn Bà Lê Thị Kim Thanh, một hộ nuôi cá trê lai ở ấp Bình Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói: “Sau nhiều đợt nuôi cá bị lỗ do cá bị rớt giá, tôi vay được 150 triệu đồng và được hỗ trợ lãi suất nên chỉ đóng cho NH 0,6%/tháng; giảm tiền lãi được gần 1 triệu đồng/tháng so với lúc trước. Nhưng muốn vay thêm vốn với lãi suất thấp thế này để có thêm vốn sản xuất thì rất khó. Do vậy, để có thêm vốn sản xuất, tôi phải vay vốn bên ngoài, chấp nhận đóng lãi suất cao”. Thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn HTLS theo QĐ 497 còn khó khăn, không chỉ riêng TP Cần Thơ mà nhiều địa phương khác trên cả nước đều vướng.
So sánh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì TP Cần Thơ dẫn đầu khu vực về triển khai HTLS. Tuy nhiên, để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất của thành phố cần nỗ lực toàn diện hơn.
ĐỂ KÍCH CẦU THỰC SỰ HIỆU QUẢ
Rõ ràng chính sách HTLS rất thiết thực và đã phát huy hiệu quả, nhưng nếu tính riêng từng QĐ thì việc triển khai thực hiện chưa đều. Không chỉ QĐ 497 gặp vướng mà QĐ 443 triển khai cũng không dễ dàng. Thống kê của NHNN Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, dư nợ HTLS của QĐ 131 chiếm hơn 97% tổng dư nợ cho vay theo các QĐ HTLS, khoảng 3% còn lại là QĐ 443 và QĐ 497. Theo một chuyên gia NH, việc triển khai QĐ 443 (vay vốn trung dài hạn) rất khó triển khai nhanh và sâu rộng như QĐ 131 (vốn lưu động ngắn hạn), do đa phần DN cần vốn lưu động để xoay vòng vốn kinh doanh, mua nguyên liệu chế biến. Mặt khác, nhu cầu vay của DN không nhiều, do trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị phần của DN bị sụt giảm đáng kể, nên để duy trì sản xuất, bán được sản phẩm là điều khó khăn. Còn việc đầu tư mới thiết bị, máy móc hay mở rộng sản xuất kinh doanh cần phải có kế hoạch khả thi và chỉ DN biết nắm bắt cơ hội kinh doanh mới dám đầu tư. Như NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Cần Thơ, từ khi triển khai cho vay theo gói kích cầu đến nay đã giải ngân khoảng 700 tỉ đồng, đối tượng chủ yếu là DN vay theo QĐ 131, còn QĐ 443 rất khiêm tốn.
Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nói: “Trên thực tế, khách hàng không được vay vốn do thiếu khả năng tài chính để trả nợ, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi và thiếu tài sản thế chấp. Hiện nay, việc triển khai HTLS trung dài hạn diễn ra bình thường, còn gỡ vướng cho nông dân, NHNN đã làm việc với Bộ Công thương về những vướng mắc từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tôi nghĩ vấn đề này sẽ khai thông sớm. Nhiệm vụ của chi nhánh là tiếp tục kiểm tra quá trình triển khai tại các NH thương mại, nếu có vấn đề gì sai chủ trương sẽ uốn nắn”. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: “Việc tiếp cận nguồn vốn HTLS, DN nhỏ rất khó khăn do không đủ điều kiện vay vốn, chỉ có DN đã có quan hệ tín dụng với NH mới đủ khả năng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của các DN thành viên vẫn cầm cự được, một số DN co hẹp sản xuất chờ qua cơn khó (chủ yếu trong ngành thực phẩm, chế biến), riêng ngành thương mại vẫn phát triển...”. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, DN Cần Thơ phần lớn tự lực trong việc tìm kiếm thị trường. Mặt khác, do thị trường không lớn nên mức độ ảnh hưởng cũng không nhiều và vẫn có ngách thị trường riêng của mình.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt 7,82% (cùng kỳ năm 2008 đạt 13,73%); không tăng so với cùng kỳ, nhưng nền kinh tế thành phố vẫn đảm bảo tăng trưởng dương và sản xuất, kinh doanh ổn định. Suy giảm kinh tế còn diễn biến khó lường, các chuyên gia dự báo những tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn khi gói kích cầu của Chính phủ phát huy hiệu quả và tác động nhất định đến tăng trưởng GDP, nhưng cũng không nên quá lạc quan. Việc tăng trưởng tín dụng dương đồng nghĩa với “sức khỏe” của các NH đang ổn định và góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, cần sự giám sát chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan và NHNN trong việc triển khai thực hiện HTLS. Nhất là đối tượng thụ hưởng thực sự, dòng vốn HTLS “chảy” vào các DN, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh hay “chảy” ngược về NH do tình trạng “đảo nợ”. Thêm vào đó, cần sự trợ lực cho DN có nhu cầu thực sự trong việc vay vốn HTLS để ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh suy giảm kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động.
GIA BẢO- VĂN CÔNG