(CT) - Chiều ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đoàn công tác gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 59-NQ-TW); Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11-1-2022, của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ (Nghị quyết số 45/2022/QH15); tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của cử tri TP Cần Thơ đề đạt. Ảnh: ANH DŨNG
Các đồng chí: Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND TP Cần Thơ; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tiếp và làm việc với đoàn công tác.
Theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về triển khai thực hiện các nghị quyết trên; ban hành các chương trình, chỉ thị tổ chức thực hiện. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự Ðảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành các văn bản tổ chức thực hiện với 55 nhiệm vụ cụ thể được xác định tại Nghị quyết. Ðến nay, đã hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ còn lại được phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.
Qua đó, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của thành phố đạt mức cao, tăng 8,04% so với cùng kỳ (5,61%) và tăng cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng cao nhất 11,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,86% so cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1,1 tỉ USD, tăng 15,16% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tăng 3,37% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 55,5 ngàn tỉ đồng, tăng 21,09% so cùng kỳ; chỉ số giá bình quân tăng 3,05%; tổng số lượt khách đến thành phố hơn 3,11 triệu lượt khách, tăng 55% so cùng kỳ 2021; tổng thu ngân sách nhà nước là 5.946,21 tỉ đồng, đạt 53,49% dự toán được giao, tăng 0,35% so cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của thành phố duy trì vị trí 12/63 tỉnh, thành… Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm.
Tại buổi làm việc, TP Cần Thơ đề xuất Thủ tướng, Bộ, ngành Trung ương xem xét, chấp thuận cho phép Cần Thơ chuyển đổi thêm khoảng 20.000ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, trong quy hoạch tổng thể để tạo thêm nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH. Ðối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An, Cần Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, đánh giá sự phù hợp về yêu cầu kỹ thuật, môi trường để điều chỉnh, đồng thời bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15. Thành phố cũng đề xuất được xem xét, chấp thuận Dự án tuyến đường kết nối Kiên Giang, Cần Thơ với Ðồng Tháp và Dự án cầu Ô Môn tham gia Chương trình DPO từ nguồn vốn ODA vay Chính phủ Nhật Bản. Các dự án như xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Khu công nghiệp VSIP)… cũng được thành phố đề nghị hỗ trợ, đầu tư.
Ðại diện các Bộ, ngành Trung ương có một số ý kiến nêu những hạn chế, khó khăn mà TP Cần Thơ cần tháo gỡ để xứng tầm là trung tâm vùng ÐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Cần Thơ đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả phát triển KT-XH tích cực. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền tiếp tục phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc rút bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ðối với 17 chỉ tiêu phát triển KT-XH có tính phấn đấu cao trong nhiệm kỳ 2021-2025 mà TP Cần Thơ đề ra, Thủ tướng thống nhất cao và chỉ đạo TP Cần Thơ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Quá trình thực hiện phải kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời; đồng thời, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó.
Thủ tướng yêu cầu TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển. Triển khai hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao các chỉ số như PCI, PAPI, SIPAS...
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ ghi nhận những kiến nghị của TP Cần Thơ, ý kiến đóng góp của Bộ, ngành Trung ương, từ đó sớm ban hành thông báo và giám sát việc thực hiện những kiến nghị trên.
* Trước đó, sáng 10-7, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) TP Cần Thơ, cùng các ÐBQH TP Cần Thơ đã tiếp xúc hơn 300 cử tri thành phố để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Ông Ðào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH TP Cần Thơ, báo cáo với cử tri kết quả Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Cử tri bày tỏ phấn khởi với kết quả của kỳ họp và tin tưởng, với những quyết sách được Quốc hội quyết định kỳ họp, kinh tế - xã hội của đất nước sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định.
Cử tri thành phố kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và thành phố xem xét giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, xem xét giảm thuế phí cho người dân và doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19; có chế tài mạnh mẽ để hạn chế hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng biên chế, cơ sở vật chất y tế và tăng phụ cấp cho viên chức y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực. Nhiều cử tri kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách giúp TP Cần Thơ nói riêng, ÐBSCL nói chung phát triển mạnh hơn, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách ưu tiên nguồn ngân sách cho TP Cần Thơ sớm trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng; giải quyết khó khăn cho các bệnh viện, nhất là tình trạng thiếu thuốc hiện nay…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin một số kết quả nổi bật của đất nước trong 6 tháng đầu năm, những thời cơ và thách thức cần phải tận dụng, vượt qua thời gian gian tới. Thủ tướng khẳng định, những kết quả của đất nước có phần đóng góp quan trọng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ.
Về kiến nghị của cử tri thành phố, Thủ tướng cho biết, hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhân dân cần tiếp tục thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Ðể giải quyết tình trạng thiếu thuốc trong các cơ sở y tế, Chính phủ đã quyết định mở thầu khoảng 9.000 tỉ đồng và yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện. Các tỉnh, thành phố cũng mở thầu để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Chính phủ đã có chính sách giảm thuế, phí các nhóm hàng hóa và đến nay đã giảm cho người dân và doanh nghiệp được khoảng 225,5 ngàn tỉ đồng; đã có chính sách, nghị định quy định chế tài để chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu; yêu cầu lực lượng Hải Quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, ngành Công Thương kiểm tra hàng hóa qua biên giới, chất lượng hàng hóa và quản lý chặt thị trường.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường năng lực y tế dự phòng ở cơ sở, đã dành khoảng 14.000 tỉ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất y tế cơ sở. Tuy nhiên, đến nay các địa phương thực hiện chậm nên Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhanh, kịp thời hơn. Việc tăng lương cho cho cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, năm 2019, Chính phủ có kế hoạch dành một phần kinh phí thực hiện, tuy nhiên do dịch COVID-19 bùng phát nên đã dành nguồn lực này vào công tác phòng, chống dịch. Thời gian tới, Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung.
Ðối với ý kiến của cử tri về đầu tư phát triển TP Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng Cần Thơ phải chủ động vào cuộc, nhất là thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính để có cơ sở thu hút đầu tư. Thành phố có dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. Chính phủ đã và đang hỗ trợ tích cực cho thành phố trong việc thu hút đầu tư để phát triển. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã có chính sách ưu tiên ngân sách để phát triển TP Cần Thơ, ngân sách Trung ương là chủ đạo, nhưng ngân sách địa phương phải chủ động - nghĩa là các địa phương phải có giải pháp tăng nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi không cần thiết để có nguồn đầu tư phát triển. TP Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của vùng thì phải ưu tiên, nhưng ưu tiên phải hiệu quả, hài hòa với tổng thể đất nước và có sự cân đối. Chính phủ đã và đang đầu tư các tuyến đường cao tốc trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL; có chủ trương đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ; đang đầu tư tiếp tục xây dựng Trung tâm Ðiện lực Ô Môn để thúc đẩy TP Cần Thơ và Vùng ÐBSCL phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Các ý kiến của cử tri thành phố đề xuất thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết của thành phố được đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, tiếp thu và trả lời thấu đáo.
HÀ VĂN - ANH DŨNG