(CTO)- Tối 1-8, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường có công văn hỏa tốc về tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Người dân Cần Thơ đóng cửa, hạn chế ra đường. Ảnh: H.HOA
Theo đó, tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn TP Cần Thơ đến 0 giờ ngày l6-8-2021.
Người dân đang cư trú trên địa bàn TP Cần Thơ tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi thành phố cho đến khi hết thực hiện giãn cách xã hội (trừ trường hợp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép).
Thực hiện triệt để các quy định về giãn cách xã hội, nhất là giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế tối đa việc di chuyển từ khu dân cư, tổ dân phố, ấp, khu vực, phường, xã, thị trấn, quận, huyện này sang khu dân cư, tổ dân phố, ấp, khu vực, phường, xã, thị trấn, quận, huyện khác. Người dân ở yên tại chỗ, không ra khỏi nơi cư trú nếu không có việc thật sự cần thiêt.
Cấm các phương tiện giao thông (bao gồm người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện) từ các tỉnh, thành phố khác vào TP Cần Thơ, trừ các trường hợp sau:
- Chở người dân đến các cơ sở khám, chữa bệnh để cấp cứu.
- Người đi thực hiện nhiệm vụ công vụ và lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh (bao gồm phương tiện vận chuyển dụng cụ, thiết bị, hàng hóa, nhân sự phục vụ công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền).
Việc vận chuyển hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện theo Công văn số 3032/UBND-KT ngày 30-7-2021 của UBND thành phố.
Mỗi hộ gia đình chỉ cử 01 người đại diện đi mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu theo nguyên tắc không quá 3 lần/tuần ở trong phạm vi phường, xã, thị trấn nơi cư trú.
Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp (như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh... được tiếp tục hoạt động với một số yêu cầu sau:
- Chỉ cho phép triển khai, thi công đối với công trình giao thông, xây dựng quan trọng, thật sự cấp bách và bảo đảm thực hiện phương án “vừa cách ly vừa thi công” với yêu cầu “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ).
- Ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị đang được phép hoạt động, chỉ duy trì hoạt động với công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời các dịch vụ cần thiết; bố trí nhân sự luân phiên làm việc trực tiếp, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ” để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.
Người đang thực hiện cách ly y tế tại các khu cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được tự ý ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác, trừ trường hợp cấp cứu y tế và các tình huống khẩn cấp khác.
Người trong khu vực đang phong tỏa thực hiện nghiêm nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; thực hiện triệt để người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; chỉ được phép ra khỏi nơi cư trú khi có yêu cầu cấp cứu y tế, đi tiêm vaccine phòng COVID-19, mua nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng bình ổn giá trong khu phong tỏa (sử dụng phiếu mua hàng hóa do UBND cấp xã cấp, đi tối đa không quá 02 lần/tuần), người đi thực thi công vụ và các tình huống khẩn cấp khác.
Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân tại nơi cư trú, UBND cấp xã sẽ tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nơi cư trú của người dân.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm; cải tiến năng lực, đẩy nhanh tốc độ truy vết, khai thác hiệu quả thông tin dịch tễ các trường hợp F0, F1 để đưa đi cách ly tập trung nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Chủ động lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 ngẫu nhiên đối với người làm việc ở một số nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, có nguy cơ cao như: cơ sở, hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm, ăn, uống; bến xe, các tổ chức tín dụng, công chứng... và người giao hàng (shipper).
Bảo đảm nhu cầu y tế cho người dân thành phố, duy trì hoạt động hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ôxy y tế, máy thở, máy chụp X quang...; thành lập ngay Trung tâm điều phối bệnh nhân COVID-I9 để tổ chức sàng lọc, phân loại F0 theo tình trạng bệnh lý để tập trung điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tối đa tử vong; bảo đảm duy trì khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh khác có nhu cầu, không để ai bị bệnh mà không được tiếp cận dịch vụ y tế.
Huy động tất cả các nguồn lực y tế, không phân biệt công lập và ngoài công lập để điều trị các ca bệnh nặng, không để bị động, bất ngờ; sớm nghiên cứu, trình phương án thí điểm cách ly F1 tại nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 5.000 người mắc COVID-19 trở lên trên địa bàn thành phố, làm căn cứ cho việc mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng, đầu tư nguồn lực.
Tổ chức tiêm chủng hết số lượng vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế phân bổ; mở rộng diện tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền, người đang trong khu vực phong tỏa, nơi có nguy lây nhiễm cơ cao; phấn đấu hàng ngày mỗi đội tiêm phải tiêm ít nhất 200 liều.
Sở Công Thương tăng cường cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nâng giá, găm hàng...; phát huy các mô hình mua bán, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động đến người dân nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện hướng dẫn việc tận dụng những khu vực có không gian rộng rãi, thông thoáng, điều kiện giao thông thuận lợi để tổ chức, bố trí thêm các điểm mua bán phù hợp, khuyến khích một số hộ mua bán lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã có trước đây tại các tổ dân phố, khu dân cư hoạt động trở lại (phải tuân thủ nguyên tắc 5K, có sự quản lý của chính quyền và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh) nhằm tạo điều kiện cho người dân đến mua sắm, hạn chế tối đa việc di chuyển ra đường.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ các loại nông sản, thủy sản, vật nuôi...
Sở Giao thông vận tải triển khai ngay các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với tinh thần phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt, không gây ùn tắc giao thông.
Thực hiện tốt công tác vận tải, hỗ trợ lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là tại các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, vùng sâu, vùng xa, nơi còn khó khăn trong việc đi lại.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với người bán vé số, phụ hồ, bốc vác, chạy xe ôm, bán hàng rong, bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lưu trú...
Tin, ảnh: H.HOA