Ngày 17-2-2005, Bộ Chính trị (Khóa IX) ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là NQ45). Thực hiện nghị quyết quan trọng này, hơn 6 năm qua, Đảng bộ và nhân dân TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, phấn đấu trở thành thành phố động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL... Kết quả đạt được của chặng đường đã qua sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để TP Cần Thơ nỗ lực vượt khó khăn, thách thức cho chặng đường sắp tới trở thành thành phố trung tâm, thành phố động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL...
Thành quả bước đầu
 |
Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể góp phần làm cho bộ mặt đô thị Cần Thơ ngày càng đổi mới. Ảnh: THIỆN KHIÊM |
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Hơn 6 năm triển khai thực hiện NQ45, đến nay, có thể nói các mục tiêu, định hướng lớn của NQ45 đã được thành phố triển khai thực hiện khá đầy đủ, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 15,13%/năm (cơ cấu kinh tế giai đoạn 2001- 2005 chỉ đạt 13,48%); năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố là 14,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng đến năm 2011 chiếm 44,61% (tăng 4,77% so với năm 2005); khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 41,46% năm 2011 (tăng 4,05% so với năm 2005); tỉ trọng nông nghiệp đến năm 2011 còn 9,88% (giảm 8,82 % so với năm 2005). Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 8.546 tỉ đồng (năm 2005) lên 19.887 tỉ đồng (năm 2011); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,4 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên 48,8 triệu đồng/người/năm.
Thời gian qua, thành phố kịp thời cập nhật mục tiêu NQ45 vào các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực... Được Thủ tướng Chính phủ cho phép, thành phố đang tiến hành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020... Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới. Những kết quả đổi mới về cơ chế chính sách, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo điều kiện để huy động được một khối lượng lớn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước: đầu tư nước ngoài tăng bình quân 22,1%/năm; đầu tư của dân cư và tư nhân tăng bình quân 32,1%/năm. Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương tập trung xây dựng hệ thống giao thông. Đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Dự án mở rộng Sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui (giai đoạn 1 và một số hạng mục của giai đoạn 2), đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ 91B... góp phần đảm bảo nhu cầu giao thương hàng hóa và đi lại của người dân.
Thành phố huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện trợ giúp người nghèo (về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ vốn, hỗ trợ nhà ở...), tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ năm 2006 đến 2011, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 270.000 lao động, tăng bình quân 11%/năm; đào tạo nghề cho gần 195.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được nâng lên, đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, trẻ hóa, ngày càng trưởng thành, công tác cải cách hành chính có tiến bộ...
Có thể nói, hơn 6 năm qua, các mục tiêu, định hướng lớn của NQ45 đã được thành phố triển khai thực hiện khá đầy đủ, bước đầu mang lại những kết quả nhất định và thể hiện vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông, thông tin báo chí... TP Cần Thơ được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc trung ương trước năm 2010, tạo tiền đề trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 như mục tiêu NQ45 đã đề ra.
Bài học trong quá trình phát triển
Theo Thành ủy Cần Thơ, để đạt được những kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện NQ45, thành phố đã tuyên truyền, học tập, quán triệt từ trong Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đến các tầng lớp nhân dân, biến ý chí quyết tâm tạo nên sức mạnh làm tăng tốc quá trình phát triển TP Cần Thơ. Ngoài ra, Thành ủy đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ, xác định những khâu đột phá, có bước đi thích hợp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện nghị quyết. Có bước đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung cho cơ sở, biết phát huy dân chủ từ cơ sở, tạo sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân thành phố. Quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, kết quả tích cực từ việc thực hiện NQ45 còn phải kể đến sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: TP Cần Thơ phải cập nhật những yêu cầu mới, tình hình mới, như: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của cả nước, quy hoạch phát triển vùng... Thành phố tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL; cụ thể hóa hơn nữa vị trí, vai trò trung tâm của thành phố trong vùng và khu vực. TP Cần Thơ cần phát huy nội lực, đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan trung ương, địa phương, các ban chỉ đạo; đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của thành phố cho xứng tầm đô thị loại I, là trung tâm góp phần thúc đẩy ĐBSCL phát triển...
|
Bên cạnh những kết quả tích cực, so với mục tiêu, yêu cầu việc triển khai thực hiện NQ45 của TP Cần Thơ vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Đó là: kinh tế thành phố tăng trưởng cao nhưng quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là về công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Vai trò trung tâm của thành phố đối với vùng chưa được phát huy rõ nét; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu chiến lược; quản lý quy hoạch và quản lý đô thị chưa chặt chẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và đô thị được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều yếu kém chưa đồng bộ; chậm triển khai các dự án, công trình trọng điểm do thiếu vốn. Nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, dịch vụ, giao thông... chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của đô thị loại I trực thuộc trung ương. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững còn lúng túng; tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông, ngập lụt đường phố, tai nạn giao thông... đang là những vấn đề bức xúc...
Theo Thành ủy Cần Thơ, về mặt khách quan, thành phố có xuất phát điểm thấp quy mô kinh tế nhỏ, công nghiệp hóa chưa cao; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém. Với một thời gian 8 năm xây dựng thành phố trực thuộc trung ương, và sau 2 năm được công nhận đô thị loại I, hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội của thành phố chưa đồng bộ. Vì thế, khi đặt trong tổng thể phát triển chung của vùng với vai trò trung tâm thì thành phố chưa đáp ứng được như mong muốn. Bên cạnh đó, vốn đầu tư phát triển của thành phố vẫn còn thấp so với các thành phố trực thuộc trung ương trong khi áp lực, nhu cầu vốn cho các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, kể cả an ninh, quốc phòng của thành phố loại I là rất lớn. Mặc dù thành phố tích cực huy động, mời gọi nhà đầu tư, song do tình hình khủng hoảng tài chính tiền tệ và lạm phát xảy ra trong khi cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi của Trung ương dành cho thành phố vẫn không hơn các địa phương khác nên việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển còn chậm. Về chủ quan, thành phố chưa tận dụng, khai thác đúng mức tiềm năng, nội lực, nhất là khai thác quỹ đất để tạo vốn đầu tư, phát triển. Từ năm 2005-2010, bình quân thành phố chỉ khai thác được từ 200 - 250 tỉ đồng/năm từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Trong khi đó, việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực còn ít và nguồn lực từ trung ương hỗ trợ cho thành phố còn rất hạn chế. Sự lãnh đạo, quản lý và điều hành của các cấp, các ngành và một bộ phận cán bộ chưa theo kịp yêu cầu của đô thị loại I. Một số ngành chưa phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, lâu dài. Sự phối hợp với các bộ, ngành trung ương chưa thật sự tích cực, chặt chẽ trong triển khai thực hiện các công trình, dự án theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ. Một số doanh nghiệp thiếu nhạy bén trong cơ chế thị trường, chậm đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nên phát triển không vững chắc, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao, thiếu tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu.
Nỗ lực cho chặng đường mới
Đẩy mạnh việc thực hiện NQ45, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện NQ45. Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch theo hướng đặt TP Cần Thơ trong bối cảnh phát triển của vùng, xứng tầm là trung tâm của vùng, đảm bảo các tiêu chí về phát triển lâu dài và bền vững. Thành phố sẽ tập trung tăng trưởng kinh tế ở mức cao, vững chắc, xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, tiếp tục phấn đấu trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL. Trước hết là quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa XI), ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững (ở mức hợp lý, tương xứng với tiềm năng, lợi thế), gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Thành phố sẽ dành nhiều nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo, y tế, an sinh xã hội; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp; đổi mới xúc tiến đầu tư, tranh thủ các chương trình hợp tác tiểu vùng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức: BOT, BT, BTO, PPP; khai thác triệt để nguồn vốn ODA... Thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sách thu hút nhân tài...
Vừa qua (ngày 16-2) tại Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cùng các bộ ngành hữu quan có buổi làm việc với Thành ủy Cần Thơ sơ kết việc thực hiện NQ45. Tại buổi họp này, trước Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ khẳng định tiếp tục kiên định thực hiện NQ45 trong quá trình phát triển, nhất là tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy sự phát triển ĐBSCL.
HÀ TRIỀU