ANH KHOA
Tại cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số TP Cần Thơ năm 2022 mới đây, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban ngành thành phố và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số (CÐS) năm 2022 và kế hoạch 5 năm tới về CÐS. Ðồng thời thực hiện nghiêm túc việc rút kinh nghiệm CÐS của cơ quan, đơn vị mình; xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thực hiện CÐS.
TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức của các sở, ngành, cũng như áp dụng các công nghệ mới vào CĐS. Ảnh: Anh Khoa
Kết quả bước đầu
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về CÐS thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thực hiện đạt 8/17 chỉ tiêu và đạt tỷ lệ 47%; 42/82 nhiệm vụ và đạt tỷ lệ 51,2%. Thành phố đã ban hành các kế hoạch, văn bản thúc đẩy CÐS; các sở, ngành, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo CÐS và ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về CÐS. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về CÐS. Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS; qua đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp số, thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn thành phố phát triển...
Cụ thể, về phát triển chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp, cổng dịch vụ công TP Cần Thơ và hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Hiện có 100% Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đủ điều kiện, với 1.164 DVCTT (chiếm 60%) và đã tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 969 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết DVCTT chiếm 28%.
Cổng Thông tin điện tử thành phố từ đầu năm đến nay đã đăng tải 892 tin, cập nhật 2.845 văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố; 35 dự thảo văn bản lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 thành phố trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp nhận 651 phản ánh, hoàn thành 579. Về phát triển chính quyền số phục vụ hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước, tiếp tục duy trì phát triển hệ thống quản lý văn bản, điều hành, được triển khai đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã. Số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua trục liên thông văn bản thành phố và có ký số là 527.168/549.133 văn bản, đạt tỷ lệ là 96%. Hệ thống thư điện tử thành phố tiếp tục duy trì ổn định, với 13.139 hộp thư được cấp. Hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai cho 100% UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với hơn 130 điểm cầu.
Về phát triển đô thị thông minh, thành phố tiếp tục vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thông minh TP Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố trên 8 lĩnh vực; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của trung tâm đã được kiện toàn; quy chế quản lý, vận hành trung tâm được ban hành. Về hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội. Hiện đã đưa được 41/41 sản phẩm OCOP của thành phố tham gia các sàn thương mại điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 7.854 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn, hướng dẫn đăng ký, sẵn sàng sử dụng các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; 17.529 hộ sản xuất nông nghiệp hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử, 485 sản phẩm và phát sinh 1.845 giao dịch.
Cần quyết liệt hơn
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số thành phố, các sở, ngành thành phố và quận, huyện cho rằng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CÐS có trọng tâm, trọng điểm hơn. Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, ngành xác định nhiệm vụ CÐS, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh. Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở đã hoàn thành xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Sở đang tiếp tục triển khai các dự án tại quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai và huyện Cờ Ðỏ. Ðồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, sử dụng vốn vay ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì (triển khai tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Ðiền)… Về Xây dựng nền tảng quy hoạch không gian (SPP), đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền, địa lý của 16 lớp của ngành tài nguyên và môi trường. Và đang thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu địa lý nền tảng quy hoạch không gian, trong đó có một số ứng dụng tiêu biểu như danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tra cứu thông tin địa chính, thông tin quy hoạch sử dụng đất, hệ thống Quan trắc trực tuyến tài nguyên và môi trường, thông tin quy hoạch xây dựng…
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Y tế thành phố bắt đầu triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình kết hợp phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân từ năm 2017 tại 43/80 trạm y tế trên địa bàn. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân được lưu trữ tại Trung tâm Công nghệ và Truyền thông TP Cần Thơ (trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông). Năm 2017, tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe cá nhân mới đạt 12% thì hiện nay đạt đến 82%. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đã ban hành nhiều kế hoạch về CÐS để triển khai thực hiện Ðề án số 08 của Thành ủy về xây dựng y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Ðồng thời, tổ chức 3 cuộc hội thảo chuyển đổi số các lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh cũng như tiến hành khảo sát thực trạng, nhu cầu hạ tầng y tế cơ sở, nhu cầu của các bệnh viện nhằm thống nhất mục tiêu triển khai thực hiện các dự án về chuyển đổi số của ngành Y tế trong thời gian sắp tới. Sở sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị công nghệ thông tin để hoàn thiện và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố, với mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 90%, đến năm 2030 đạt 95%...
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định, thành phố tuy đã có bước tiến trong thực hiện các chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) so với năm 2020 (0,4794 điểm so với 0,3696 điểm), tuy nhiên xếp hạng DTI của thành phố năm 2021 đứng thứ 15, giảm 8 bậc so với năm 2020, nằm trong nhóm các tỉnh có xếp hạng giảm nhiều. Ðiều này cho thấy CÐS của thành phố đang chuyển động chậm hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và kế hoạch 5 năm về CÐS, phát triển đô thị thông minh của thành phố nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thực hiện CÐS và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho CÐS.