28/11/2022 - 10:46

Cần Thơ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Thời gian qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ nâng cao chất lượng, hiện đại hóa trang thiết bị thực hành, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, góp phần bổ sung đáng kể nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Hiệu quả đầu tư

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Từ chỉ có Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đến nay tại TP Cần Thơ đã có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ. Đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo cả 5 trường trên 80.000 sinh viên. Tại thành phố còn có 2 cơ sở ĐH là Phân hiệu của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH FPT. Bên cạnh đó còn có 13 trường CĐ, 1 phân hiệu của trường CĐ. Thời gian qua, các trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước.

Mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tại Cần Thơ hiện nay phát triển mạnh. Đây là kết quả tất yếu của sự đầu tư từ Trung ương, địa phương, cũng như chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục ĐH. Sự đầu tư này là "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn, Trung ương đã hỗ trợ thành phố xây dựng Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành; phát triển Trường ĐH Y Dược đào tạo cán bộ y tế. Cần Thơ tự chủ trong nâng cấp Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ thành Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ qua việc đầu tư Dự án cải tạo và xây dựng mới khối phòng học và thực hành thí nghiệm quy mô 1 trệt 6 lầu, với mức đầu tư 50 tỉ đồng.

Qua 10 năm thành lập, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã mở được 22 chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH; trong đó có nhiều ngành phù hợp, cấp thiết như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm…; với quy mô gần 5.000 sinh viên, tuyển sinh hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trường được đánh giá là một trong những trường ĐH đào tạo các chuyên ngành, liên ngành phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút sự quan tâm của phụ huynh và đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, những thành quả đạt được trong những năm qua khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo thành phố. Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ và các sở, ban, ngành đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trường trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực có uy tín trong vùng và cả nước.

Theo Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ, lãnh đạo TP Cần Thơ đã tạo cơ chế cũng như hợp tác cùng phát triển. Trường ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cùng thành phố, như Đề án Cần Thơ 150 (thuộc chương trình Mekong 1000) đưa nguồn nhân lực đào tạo ở nước ngoài. Khi trở về địa phương, các cán bộ đã phát huy năng lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thành phố cũng tạo điều kiện để mở rộng các ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ. Đồng thời, nâng cấp một số trường trung cấp thành trường CĐ. Trong đó, thành phố phê duyệt dự án nâng cấp Trường CĐ Nghề Cần Thơ trở thành trường dạy nghề chất lượng cao (theo Quyết định số 761/QĐ-TTg), có dự án đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề cho 7 nghề, với tổng mức đầu tư 292 tỉ đồng. Nâng cấp Trường CĐ Du lịch Cần Thơ (theo Quyết định số 2792/QĐ-BVHTTDL) về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu của giai đoạn I thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ; tổng mức đầu tư hơn 223,3 tỉ đồng. Đồng thời đầu tư dự án Khu giảng đường dãy D, E thuộc Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 44 tỉ đồng…

Xây dựng trường phát triển mạnh, xứng tầm

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các trường ĐH, CĐ xác định mục tiêu và nội dung giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với thị trường lao động.

Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, năm học này, trường tiếp tục quan tâm công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp khoa, bộ môn; tiếp tục thu hút nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ; cử cán bộ đi bồi dưỡng và đào tạo sau đại học trong và ngoài nước theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Đồng thời tăng cường hợp tác phát triển các nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở 1 tại phường An Hòa quận Ninh Kiều, đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại phường Long Tuyền quận Bình Thủy... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đưa sinh viên thực hành, thực tập. Định hướng phát triển trường đến năm 2030 trở thành trường đại học ứng dụng liên ngành kỹ thuật công nghệ phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập.

Thành lập trên cơ sở Khoa Y - Nha - Dược Trường ĐH Cần Thơ, gần 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã phát triển mạnh, với 820 viên chức và người lao động. Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm 85%. Định hướng sắp tới, trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dự án nâng cấp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành trường trọng điểm Quốc gia theo Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ. Ban Giám hiệu Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết đến năm 2030 phát triển thành trường ĐH định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, một trong 5 trường ĐH khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam và xếp hạng trong 1.000 trường ĐH hàng đầu châu Á. 

Trường ĐH Cần Thơ năm học này tiếp tục xúc tiến việc chuyển đổi thành ĐH Cần Thơ với các trường chuyên ngành và thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng. Phát triển là trường đa ngành, đa lĩnh vực có định hướng theo nhu cầu của vùng ĐBSCL như chuỗi cung ứng và kho vận logistics, khoa học sức khỏe, chuẩn bị nguồn lực để phát triển các ngành về ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh và Pháp), các ngành văn hóa học và báo chí, các ngành về kinh tế và công nghiệp biển… Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường tiếp tục tập trung cho các định hướng nghiên cứu công nghệ cao, tự động hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đưa Trường ĐH Cần Thơ thành cơ sở giáo dục ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý. Tiếp tục phát triển các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ngoài trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và các vùng khác, trong đó sẽ tiếp mở rộng các cơ sở nghiên cứu và thực hành về nông nghiệp và thủy sản vùng cao (ở Tây Nguyên, Trung Bộ).

* * *

Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Một trong giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với quyết tâm, cùng sự nỗ lực của các trường, TP Cần Thơ từng bước khẳng định là trung tâm của vùng về giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Chia sẻ bài viết