24/05/2021 - 13:18

Sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Cần tháo gỡ nút thắt 

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang tăng cao ở cả thị trường trong nước, quốc tế. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã tích cực vào cuộc trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, diện tích, sản lượng còn khiêm tốn; chưa gây dựng niềm tin, uy tín trên thị trường; năng lực chứng nhận hạn chế… là những nút thắt đối với sản xuất và tiêu dùng sản phẩm NNHC. Thực tế này đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp, nông dân khai thác tiềm năng, lợi thế từ dòng sản phẩm này.  

Nhiều tiềm năng

Kiểm tra chất lượng, độ an toàn của gạo tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Kiểm tra chất lượng, độ an toàn của gạo tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức NNHC quốc tế (IFOAM), NNHC Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng đáng khích lệ. Diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350ha năm 2016 lên khoảng 237.693ha năm 2019; có 46/63 tỉnh, thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp. Trong đó, có 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm NNHC Việt Nam không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Đáng chú ý, sản phẩm NNHC nước ta đã xâm nhập được những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia...

Có được kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống từ nhà quản lý, nhà khoa học đến người sản xuất, người tiêu dùng, doanh nghiệp, nông dân trong phát triển NNHC khi yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng cao. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 144/UBND-KH về xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có các chương trình, kế hoạch và xây dựng chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, NNHC, nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra những sản phẩm đạt năng suất, chất lượng có khả năng cạnh tranh cao. Hiện TP Cần Thơ có một số tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình canh tác hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học như: Tổ hợp tác Lúa sạch My Hậu; gạo Khang Việt, gạo sạch Thạnh Đạt, gạo hữu cơ Tứ Minh, các sản phẩm gạo của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An...

Theo chuyên gia đầu ngành, Việt Nam có nhiều cơ hội cho phát triển NNHC do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng mạnh đối với những sản phẩm sạch, an toàn và đạt tiêu chuẩn. TS Đặng Thị Phương Lan, Viện Môi trường nông nghiệp cho rằng, điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp lớn, nguồn phân bùn dồi dào là những yếu tố thuận lợi để canh tác NNHC. Không chỉ vậy, nguồn lao động ở nước ta khá dồi dào với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Về góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030; Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia… Đó là những tín hiệu tích cực để NNHC nước ta phát triển và nhân rộng.

Gỡ nút thắt

Mặc dù có nhiều lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ, song sản xuất NNHC nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, NNHC chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp; một bộ phận người sản xuất (nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã) vẫn còn tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh cao nhằm tạo ra sản lượng nông sản lớn. Ở thị trường nội địa, tiêu thụ nông sản hữu cơ còn khó khăn do giá bán cao, người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng và chưa đánh giá đúng giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất NNHC mang lại. Mặt khác, để nông sản hữu cơ ra được thị trường quốc tế cần phải có chứng nhận tiêu chuẩn theo yêu cầu của mỗi quốc gia nhập khẩu. Các chứng nhận theo phương pháp PGS của Việt Nam chỉ áp dụng chủ yếu trong thị trường nội địa. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn phải trông chờ vào các tổ chức chứng nhận nước ngoài như: IFOAM, USDA, Organic EU... dẫn đến sự tốn kém thời gian và tiền bạc.

Từng bước gỡ nút thắt, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHO NHO, đề xuất: Trước hết, chúng ta cần lựa chọn chủng loại sản phẩm NNHC thích hợp cho từng thị trường xác định; ưu tiên sản xuất các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh sản xuất hữu cơ: lúa gạo, rau quả, trà, cà phê, thủy sản, mật ong,.. Mặt khác, chúng ta cần có giải pháp liên kết những người sản xuất nhỏ với nhau hoặc tổ chức các mô hình hữu cơ khép kín kiểu vườn - ao - chuồng (theo mô hình kinh tế tuần hoàn) nhằm tận dụng phế thải, phụ phẩm hữu cơ cho việc tái sản xuất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành. Chúng ta cũng phải nghĩ đến việc tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm hữu cơ và từng bước đưa hoạt động sản xuất hữu cơ theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng làm sao để mỗi khâu, mỗi tác nhân trong chuỗi phải được hoàn thiện để có được hiệu quả tốt nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành Nông nghiệp cần thiết lập hệ sinh thái NNHC theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh về NNHC của các vùng miền và địa phương. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, điều cốt lõi hiện nay là phải thay đổi tư duy về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm NNHC. Do đó, các bộ ngành hữu quan cần phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao nhận thức sản xuất và trình độ cho cán bộ quản lý, tổ chức, cá nhân về sản xuất và nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm NNHC. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá, phát triển thị trường nông sản hữu cơ cả nội địa lẫn quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối, các kênh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu…

Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 đặt mục tiêu diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2025 và 2,5-3,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2030. Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ vào năm 2025 và cao gấp 1,5-1,8 lần vào năm 2030. Tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên 30%.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết