21/07/2010 - 22:17

Giáo dục thanh thiếu niên:

Cần tạo niềm tin cho các em

Tại những phiên tòa xét xử các vụ thanh thiếu niên phạm tội, nhiều bậc phụ huynh đã lý giải rằng vì cuộc sống mưu sinh nên đã thiếu sự quan tâm, gần gũi với con, để con mình sa vào con đường vi phạm pháp luật. Thế nhưng, cũng có nhiều phụ huynh lý giải rằng họ đã làm tròn vai trò của bậc cha mẹ, luôn yêu thương, chăm sóc con, và họ không tìm ra được nguyên nhân vì đâu con mình trở thành tội phạm...

Những ngày này, gia đình chị Liên và chị Hồng (ở khu vực Bình Nhựt A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đang thấp thỏm chờ ngày tòa án xét xử con trai của hai chị. Anh Hoằng, chồng chị Hồng cho biết: “Từ ngày 2 đứa nhỏ bị bắt đến giờ, vợ chồng tôi không chú tâm làm được việc gì. Vợ tôi cũng bệnh rề rà suốt từ hôm đó cho tới nay. Hết hè này là tụi nó vào học lớp 11, bây giờ gia đình tôi không biết phải làm sao. Vừa giận nhưng cũng vừa thương khi nghĩ đến tương lai của nó sau này. Chuyện học hành sẽ lỡ dở khi tụi nó chấp hành hình phạt của pháp luật...”. Nói đến đây, anh Hoằng đưa tay chùi vội những giọt nước mắt đang chảy dài trên má. Còn vợ chồng chị Liên cũng trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng, không thiết tha gì với công việc. Tin Hiếu và Minh bị Công an quận Ninh Kiều bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi cướp giật trên đường phố gây xôn xao ở cái xóm nhỏ vốn bình yên từ trước đến nay. Bà con trong xóm vẫn chưa hết bàng hoàng và không tin rằng đó là sự thật, cho đến khi Hiếu và Minh bị tạm giam tại nhà tạm giam của quận Ninh Kiều.

Thanh thiếu niên quận Ninh Kiều chia sẻ những suy nghĩ và ước mơ của mình tại Hội thi kỹ năng sống do Dự án Bình Minh và Trường Cao đẳng nghề Ispace phân hiệu Cần Thơ tổ chức.  

Hiếu và Minh ở cùng xóm, nhà của hai bạn cách nhau có mấy căn, lại cùng tuổi nên cả 2 chơi thân với nhau từ nhỏ. Lớn lên, Hiếu và Minh học chung trường. Cũng như những gia đình khác trong xóm, cha mẹ Hiếu và Minh đều vất vả mưu sinh để lo cho con được học hành đến nơi đến chốn. Anh Hoằng, cha của Minh vừa làm vườn, vừa chạy xe ôm, còn mẹ Minh thì làm công nhân. Cảnh nhà của Hiếu cũng đủ ăn đủ mặc. Cha Hiếu làm thợ hồ, còn mẹ Hiếu thì làm công cho một cơ sở trứng ở Khu công nghiệp Trà Nóc. Hiếu là con một, còn Minh là con trai út trong gia đình có 2 chị em. Năm tốt nghiệp cấp II, Hiếu và Minh đều trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa. Thấy con có cố gắng trong học tập nên cha mẹ Hiếu và Minh rất vui mừng. Hằng ngày, Minh được chị gái chăm sóc ăn uống, nhắc nhở học bài khi cha mẹ đi làm. Còn Hiếu cũng được cha mẹ chuẩn bị cho mọi thứ trước khi đi làm. Cứ mỗi buổi sáng, Hiếu và Minh được cha đưa đi học, tan học thì cùng nhau đi bộ về nhà, vì đường từ trường về nhà khá gần. Hai gia đình còn động viên con bằng việc mua cho Hiếu và Minh, mỗi em một chiếc điện thoại di động. “Chúng tôi nghĩ đó vừa là để khuyến khích tụi nó cố gắng học tốt, vừa để tiện liên lạc với con khi có việc cần. Chứ tôi đâu có ngờ...”, chị Liên, mẹ Hiếu nói với đôi mắt đỏ hoe.

Trong một lần chi xài quá trớn, Hiếu và Minh giấu gia đình đem điện thoại đi cầm. Sợ người nhà phát hiện, để có tiền chuộc điện thoại về, Hiếu mượn xe gắn máy của mẹ chở Minh xuống đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều giật giỏ xách của một người phụ nữ. Anh Hậu, cha Hiếu, kể lại: “Thời gian trước khi sự việc xảy ra, tôi thấy con cứ lầm lì, dường như muốn nói gì đó. Tôi thấy con vẫn đi học, không đi chơi khi nghỉ hè nên tôi cũng không hỏi han gì”. Sau thời gian ở trường, Hiếu về nhà ăn cơm, học bài rồi đi uống cà phê hoặc đi chơi trong xóm với Minh. Đến tối, cha mẹ về, Hiếu đã ăn cơm rồi. Sau một ngày cả nhà có mặt đầy đủ, cha mẹ Hiếu ăn cơm xong thì xem ti-vi, thỉnh thoảng nhắc Hiếu học bài. Còn Minh thì có vẻ khá hơn Hiếu. Hằng ngày, chị gái là người gần gũi với Minh, nấu cơm cho Minh ăn, giặt quần áo cho Minh. Anh Hoằng, cha Minh kể lại: “Dạo trước hôm vụ việc xảy ra, cứ 7-8 giờ tối là Minh và Hiếu cứ ngồi trước nhà nói chuyện rù rì cho tới khuya mới vô nhà. Thấy con không đi chơi nên vợ chồng tôi cũng không để tâm xem các cháu nói chuyện gì. Vợ chồng tôi đều nghĩ lo cho con như thế là đã quá đầy đủ. Đến bây giờ tôi mới chợt hiểu ra trong một thời gian dài, tôi hoàn toàn không biết con suy nghĩ gì, mong mỏi điều gì, hay có những lần hỏi thăm về con. Nếu có cũng chỉ là những câu nhắc nhở chuyện học hành, không được đi chơi bời”.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng có cùng suy nghĩ như cha mẹ Minh và Hiếu. Hầu hết đều cho rằng, họ đã quan tâm và chăm sóc con bằng việc cố gắng lao động để có điều kiện lo cho con được cơm no, áo ấm, học hành. Làm được tất cả những việc ấy cho con là đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận của cha, mẹ với con cái. Nhưng thực sự vai trò của cha mẹ không chỉ dừng lại ở mức như thế. Đó chỉ là điều kiện cần để các em phát triển mạnh khỏe về thể chất và những mối quan hệ trong gia đình. Còn việc chia sẻ những suy nghĩ, ước mơ, giúp cho các em tin tưởng vào cha mẹ mới chính là yếu tố quan trọng hình thành và phát triển nhân cách sống lành mạnh. Nhu cầu được tâm tình, trò chuyện với cha mẹ của các em ở lứa tuổi thiếu niên rất cao. Em Ngọc Ngân, 16 tuổi ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều cho biết: “Cha em đi làm công nhân sửa chữa điện, còn mẹ em thì ở nhà nội trợ. Mỗi khi đi học về, em rất thích trò chuyện với mẹ, muốn mẹ hỏi em về chuyện bạn bè, chuyện học ở lớp. Nhưng ít khi nào mẹ hỏi em những chuyện như thế. Mẹ thường bảo em cố gắng học tốt, đừng đi chơi. Nhiều lúc em muốn kể chuyện về bạn bè của em cho mẹ nghe, nhưng mẹ gần như không để ý tới nên em cũng thôi”.

Ông Ngô Thành Thuận, Cử nhân tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lý, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, do nhu cầu phát triển của xã hội nên việc nuôi dạy con cũng chịu nhiều tác động. Có rất nhiều gia đình nuôi dạy con theo lập trình sẵn. Đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì các bậc phụ huynh này chỉ quan tâm đến việc mưu sinh. Các bậc phụ huynh này cho rằng họ đã vất vả làm việc để lo cho con có cơm ăn đầy đủ, được đến trường học là đã làm tròn trách nhiệm của cha mẹ. Những gia đình công nhân viên chức, có điều kiện kinh tế khá giả thì công việc, học hành chuyên môn đã cuốn lấy hết thời gian, nên hầu như họ không có thời gian bên con. Họ nuôi dạy con theo cách kiểm soát việc học, ăn uống và vui chơi của con thông qua thầy cô giáo ở trường, gia sư và người giúp việc ở nhà. Thậm chí có phụ huynh cả một tuần chưa có lần nào trò chuyện cùng con khi các em đang trong độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Đáng báo động là xu hướng này ngày càng phổ biến”.

Trường hợp của Hiếu và Minh, nếu cả hai có được sự gần gũi, khích lệ của gia đình, các em sẽ tin tưởng và bộc bạch những suy nghĩ cũng như những lỗi lầm mình đã gây ra. Từ đó, gia đình có thể hiểu và tìm cách giải quyết. Cha mẹ của Hiếu và Minh đều nói rằng, nếu trước đó cả hai nói ra sự thật thì gia đình sẽ chuộc điện thoại về, không để con cạn nghĩ rồi dẫn đến dại dột như thế.

Cũng theo chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, ở lứa tuổi thiếu niên, các em có rất nhiều biến đổi trong suy nghĩ và cách ứng xử. Trong suy nghĩ và hành động, các em luôn mong muốn mọi người, nhất là người thân trong gia đình xem các em là những người lớn như: được quen bạn gái, chi tiêu tiền, tặng quà, đi sinh nhật bạn bè... Đôi lúc, sự thể hiện người lớn đó quá trớn, dẫn đến các em mắc phải lỗi lầm. Nếu cha mẹ tạo được sự tin tưởng ở con mình, các em sẽ nói lên để nhờ sự giúp đỡ của gia đình. Ngược lại, các em sẽ tự tìm cách giải quyết, trong khi bản thân chưa đủ khả năng và nhận thức đúng về bản chất của vấn đề. Từ đó, các em dễ dẫn đến hành động sai lầm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tạo môi trường thoải mái, tin tưởng ở con em mình ngay chính trong gia đình, để các em không “tự bơi” trong quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách sống lành mạnh.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết