02/06/2010 - 20:46

PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐBSCL

Cần sự liên kết chặt chẽ

Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch biển đảo và sông vùng ĐBSCL” - sự kiện thứ 2 trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (Diễn đàn MDEC) vừa diễn ra tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Kiên Giang đồng tổ chức đã nêu bật tầm quan trọng về thế mạnh của ĐBSCL đối với sự phát triển du lịch, kinh tế của vùng.

Du lịch hoang dã như câu mực cũng rất lý thú với du khách khi đến
Phú Quốc.

Thời gian qua, ĐBSCL đã có sự phát triển khá mạnh về KT-XH đặc biệt là du lịch. Năm ngoái, lượng khách du lịch quốc tế đến với toàn vùng đạt hơn 1,2 triệu lượt, gấp 3 lần so với năm 2000, khách nội địa khoảng 8 triệu lượt. Thu nhập du lịch toàn vùng đạt khoảng 2 ngàn tỉ đồng. Du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển như mong muốn, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Tốc độ phát triển du lịch của ĐBSCL chưa xứng tầm với tiềm năng và vị thế so sánh của vùng bởi nhiều hạn chế như hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, thị trường, công tác xúc tiến quảng bá, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động, chưa khai thác và sử dụng đúng mức các giá trị tài nguyên sông nước- tài nguyên biển đảo...

Nhân tố chính dẫn đến tình trạng hạn chế, bất cập như vừa nêu là thiếu sự liên doanh, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, giữa khu vực với các địa phương liền kề như TP Hồ Chí Minh- các tỉnh miền Đông- Nam Trung bộ và với các quốc gia tiểu vùng Mê Công. Tại hội thảo, Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, công bố đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020. Mục tiêu của đề án này là xây dựng ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc trưng của cả nước, có thương hiệu và mang tầm quốc tế. Đề án cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, ĐBSCL đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, 5,2 triệu lượt khách nội. Thu nhập du lịch năm 2015, đạt 723 triệu USD và đạt 1,35 triệu USD vào năm 2020. Tiến sĩ Hà Văn Siêu cho rằng: “ĐBSCL là vùng rất đặc thù, có rất nhiều tiềm năng; bên cạnh tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ... thì tiềm năng du lịch cũng rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng chưa được khai thác tốt. Do vậy, Bộ VH-TT&DL đã quy hoạch ĐBSCL là một trong 7 vùng phát triển du lịch của cả nước. Bộ đã xây dựng đề án phát triển du lịch ĐBSCL, trong đó chú ý phát triển nguồn nhân lực và các điều kiện phát triển du lịch ĐBSCL. Trong định hướng phát triển du lịch ĐBSCL phải chú ý việc liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực, nhất là liên kết về quy hoạch tour, tuyến, tạo sản phẩm du lịch riêng của từng địa phương. Ngoài ra phải gắn du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành tiểu vùng sông Mê Công, nhất là các điểm ven biển giữa Việt Nam-Campuchia-Thái Lan”.

Làng chài ven sông Dương Đông - Phú Quốc.

Ông Pichai Raktasinha, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết: “Ở Thái Lan cũng có những tiềm năng du lịch tương tự như Việt Nam. Vì vậy, cần khai thác tốt những sản phẩm du lịch. Ở khu vực ĐBSCL của Việt Nam, theo tôi cần tập trung quảng bá, giới thiệu tạo sự ấn tượng mạnh nhất đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Có như vậy thì tour, tuyến du lịch tiểu vùng sông Mê Công từ Thái Lan về vùng ĐBSCL sẽ nhiều hơn. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân hiểu du lịch là gì. Du lịch mang lại lợi ích gì cho dân, cho đất nước, để họ hiểu và tự tham gia phát triển du lịch trong cộng đồng. Ở ĐBCSL cũng vậy, cần làm cho người dân hiểu để họ trực tiếp tham gia làm du lịch, chính họ bán những sản phẩm du lịch mà họ làm ra”. Với ông Bou Chan Serey, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, thì chia sẻ kinh nghiệm: “Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Công, nên xác định tiềm năng du lịch vùng đồng bằng thượng vùng sông Mê Công và những sản phẩm du lịch của vùng này. Trên cơ sở đó, để phát triển cộng đồng, khuyến khích người dân phát triển sản phẩm du lịch ở quy mô nhỏ, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ chẳng hạn, để làm thế nào hợp tác phát triển tốt du lịch vùng tam giác Việt Nam-Campuchia-Thái Lan”.

Ông Hiroyuki Kanzaki, Giám đốc Cty PADECO (Nhật Bản), thì nhắm đến môi trường sinh thái hơn. Ông nói: “Để du lịch ĐBSCL, nhất là du lịch trên đảo Phú Quốc phát triển, vấn đề giao thông là yếu tố quyết định. Hiện chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến khu vực ĐBSCL và đảo Phú Quốc còn hạn chế. Vì vậy, thời gian lưu lượng khách đến khu vực này cũng như Phú Quốc khá khiêm tốn. Riêng đảo Phú Quốc, môi trường thiên nhiên, sinh thái chiếm hơn 60% diện tích trên đảo, không phải nơi nào trên thế giới cũng có môi trường sinh thái tốt như hòn đảo này. Cho nên, theo tôi phát triển du lịch Phú Quốc cần phải giữ cho được môi trường sinh thái, nên áp dụng công nghệ tiên tiến không ảnh hưởng đến môi trường”.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Đồng bằng sông Cửu Long- vùng đất cực Nam của Tổ quốc, có diện tích gần 40.000km2, dân số khoảng 18 triệu người, là địa bàn của 13 tỉnh, thành phố từ Long An đến Cà Mau. Đây là vùng châu thổ phì nhiêu ở hạ lưu của sông Mê Công huyền thoại trước khi sông này hòa nhập với biển Đông bởi 9 cửa: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bassac và Trần Đề. Là một vùng đất trù phú, khí hậu thuận hòa, được thiên nhiên hết sức ưu đãi. Có thể nói hệ sinh thái sông nước và hệ sinh thái biển đảo đã làm nên toàn bộ giá trị tài nguyên du lịch ĐBSCL vừa phong phú đa dạng lại vừa mang tính độc đáo riêng của vùng châu thổ phía Nam; là điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Chia sẻ bài viết