* Quốc hội thảo luận Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007 của Chính phủ
Sử dụng gói kích cầu; đầu tư cho y tế-giáo dục và phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (QH) tập trung thảo luận trong phiên làm việc tại hội trường sáng 27-5 về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện, nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.
Phân tích những yếu tố tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ (CP) cần quan tâm hơn nữa đến khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong điều kiện hiện nay, nên nghiên cứu tập trung gói kích cầu về nông thôn, trong đó chú ý chọn lĩnh vực, địa bàn, dự án đúng, trúng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) khẳng định nông nghiệp đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có bước khởi sắc, nhưng so với yêu cầu mục tiêu thì còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ và thống nhất, mối liên kết 4 nhà chưa được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, đạt hiệu quả còn thấp. Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định, cây trồng và vật nuôi phải thay đổi liên tục, người nông dân phải xoay quanh trục giá cả, có lúc phải điêu đứng với cây đay, cây mía, cà phê, cá da trơn, lúa. Theo đại biểu, khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là giá cả và thị trường tiêu thụ. Giá thành sản xuất lúa cao vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật thấp; giá chi phí đầu vào cao; giao thông nông thôn còn yếu kém, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh... Để người nông dân có đủ điều kiện đứng vững trong nền kinh tế thị trường (KTTT) và hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi CP phải từng bước trang bị cho người nông dân những kiến thức về công nghệ, kỹ thuật, thương mại có tầm nhìn xa hơn; tổ chức và liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế, nhất là liên kết 4 nhà thì họ mới có đủ sức ra “biển khơi”.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần có một chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Ông Tiếp cho biết, ở địa phương, bà con phấn khởi vì chính sách hỗ trợ lãi suất, mua máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp, nhà ở nông thôn và cho người nghèo vay vốn để xây dựng nhà nhưng bà con cũng lo lắng thủ tục rườm rà, khó tiếp cận. Ông Tiếp phân tích thêm, giá lúa gạo, hàng hóa năm 2008 và hiện nay cho thấy, hệ thống các thể chế điều hành vĩ mô và thể chế thương mại cần thiết của chúng ta còn chưa bắt kịp yêu cầu hội nhập và thị trường, phản ứng chính sách thiếu nhạy bén, chậm chạp, lạc hậu trước diễn biến thị trường...
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao các giải pháp của CP trong công tác điều hành kinh tế - xã hội thời gian qua; đồng thời đề nghị tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện để nâng cao hiệu quả của các chính sách, giải pháp; đặc biệt việc sử dụng gói kích cầu như thế nào cho phù hợp.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), cần chọn đúng địa chỉ, để hỗ trợ kịp thời và chi tiền đúng lúc, đúng việc. Hiện nay, việc hỗ trợ còn tràn lan, cào bằng, với cách làm này mới chỉ đáp ứng được việc tạm thời kéo dài sự sống mà chưa bốc đúng thuốc cho căn bệnh trầm kha của nền kinh tế. Ông Ba cho rằng để chữa được bệnh cho nền kinh tế hiện nay, phải nhân cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, đón đầu và hiệu quả. Đại biểu đề xuất, chọn những xí nghiệp, công ty có khả năng phát triển, có đủ nguồn lực tiếp cận được công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để hỗ trợ, bắt kịp được với nền sản xuất thế giới; coi đây là những đầu tàu của nền kinh tế trong tương lai.
Với quan điểm “có bột mới gột nên hồ”, nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế và giáo dục; cho rằng đây là một phần kích cầu hiệu quả nhất, trang bị tốt cho tương lai không xa thông qua đào tạo lao động có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với những nội dung trong các báo cáo của CP, báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra của QH về tình hình kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 4 tháng đầu năm 2009 và các nhóm giải pháp trong 8 tháng cuối năm cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Phó Chủ tịch khẳng định các chủ trưởng, giải pháp đang thực hiện là đúng đắn, thể hiện vai trò điều hành linh hoạt của CP và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và chính quyền các cấp... Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Nhà nước ta là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, vì vậy trong điều kiện kinh tế không bình thường như hiện nay rất cần sự hợp tác, chia sẻ để đưa đất nước vượt qua khó khăn, đạt kết quả toàn diện hơn trong các năm sau.
Chiều 27-5, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cho ý kiến vào Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007 của Chính phủ. Đa số đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007 của Chính phủ, cho rằng công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước đã chuyển biến theo hướng tích cực; hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài chính được sửa đổi, bổ sung từng bước hoàn thiện, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tiễn. Ý thức tuân thủ pháp luật của các bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong điều hành, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước được nâng lên, bước đầu khắc phục một số tồn tại của những năm trước. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào công tác lập và quyết định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; tổ chức quản lý, điều hành ngân sách; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...
Đánh giá công tác tác lập và quyết định dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, việc lập dự toán thu không sát, thậm chí thấp hơn so với thực tế. Một số đơn vị có phát sinh thu nhưng không được giao dự toán. Do đó, tổng thu ngân sách nhà nước tiếp tục tăng khá cao so với dự toán ở cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá: Thực tiễn cho thấy, bên cạnh sự tác động khách quan ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước như sự biến động của tình hình kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh... còn có yếu tố chủ quan nhất là công tác đánh giá, dự báo toàn diện các yếu tố có khả năng phát sinh làm tăng, giảm số thu chưa tốt. Một nguyên nhân nữa là xây dựng dự toán thiếu tích cực muốn tăng số bổ sung cân đối, tăng số vượt thu ngân sách địa phương nên ở không ít địa phương lập dự toán thu với trung ương thấp hơn khả năng thu thực tế. Những hiện tượng trên đã làm giảm ý nghĩa của dự toán trung ương giao...
Nhóm PV TTXVN