11/07/2010 - 20:58

Bình ổn giá 6 tháng cuối năm

Cần sự đồng hành của doanh nghiệp

Nền kinh tế đang phục hồi, nhưng giá cả đầu vào đều tăng và đang ở mức cao, nhiều người lo ngại giá cả hàng hóa sẽ tăng vào các tháng cuối năm. Việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong khi chi phí đầu vào tăng là điều không dễ dàng đối với doanh nghiệp (DN) hiện nay. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong 6 tháng cuối năm là cần thiết, nhưng cũng cần trợ lực để DN cùng tham gia công tác này.

Nguồn hàng dồi dào, nhưng giá ở mức cao...

Theo nhận định của ngành công thương TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2010, tình hình lưu chuyển hàng hóa trên thị trường thành phố ổn định. Nguồn hàng lưu thông thông suốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt gia cầm sạch, cá...), hàng thực phẩm công nghệ như: dầu ăn, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt có tăng giá trong thời điểm cận Tết, nhưng mức tăng không cao, người tiêu dùng chấp nhận được, riêng giá sữa tăng khá mạnh. Còn giá xăng, dầu, ga, sắt thép cũng dần ổn định và giảm so với đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm, hàng hóa bán ra trên địa bàn thành phố ước khoảng 35.647 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ (đạt 57,5% kế hoạch năm). Trong đó, bán lẻ khoảng 19.592 tỉ đồng, tăng trên 23% so với cùng kỳ.

 Hiện nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang ở mức cao (trong ảnh: người dân chọn mua hàng ở siêu thị Vinatex). Ảnh: T. HÀ

Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, ngành công thương đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Quản lý thị trường tập trung chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát biểu hiện nâng giá đối với các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong 6 tháng, số vụ kiểm tra là 561 vụ; xử lý 370 vụ; số tiền nộp ngân sách trên 1,3 tỉ đồng. Công tác xúc tiến thương mại được thành phố quan tâm; đặc biệt tổ chức thành công Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I tại Cần Thơ. Qua đó, giúp ngành thủy sản Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Cần Thơ nói riêng có điều kiện quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho biết: “Mặc dù trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động thương mại vẫn tăng trưởng khá; hàng hóa bán ra và bán lẻ tăng khá cao so cùng kỳ. Ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo ngành công thương cùng các ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Từng bước giải quyết vướng mắc, giúp DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế tăng ở mức khá cao (12,76%)”. Dù lượng hàng hóa bán ra trên thị trường vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, nhưng còn tiềm ẩn nhiều bất cập. Cụ thể như việc huy động vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất khá cao; áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, việc tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản còn khó khăn cũng tác động đến sức cầu trên thị trường.

Thêm vào đó, DN xuất khẩu (nhất là mặt hàng gạo, thủy sản) trên địa bàn gặp khó khăn khi thị trường sụt giảm do tác động của năm tài khóa 2009. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, tiến độ xuất khẩu gạo trong quý II/2010 khá chậm, chưa có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo đang tồn kho khá cao trong DN; do vậy tiêu thụ lúa gạo của nông dân chậm, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và nông dân cũng chưa được lợi nhuận thực sự. DN sản xuất, kinh doanh thủy sản không đủ nguyên liệu sản xuất, người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, do sản xuất bị lỗ từ 2 năm nay (2008-2009); hiện giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, dao động ở mức 16.000 - 16.200 đồng/kg tùy loại; với mức giá này, người nuôi cá bị thua lỗ, vì giá thành sản xuất cao... Trong khi DN và nông dân là những khách hàng chính của thị trường hàng hóa, do vậy, rất cần quỹ bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Cần có quỹ bình ổn giá

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2010 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 4,58% so với tháng 12-2009. Từ đầu năm đến nay, CPI của thành phố duy trì mức tăng thấp, chứng tỏ cán cân cung- cầu đang được kiểm soát chặt chẽ. Sự tích cực của các DN trên địa bàn trong việc đưa hàng Việt về nông thôn để kích cầu tiêu dùng nội địa; đồng thời thiết lập lại hệ thống kênh phân phối của DN, từ đó, tạo nhiều kênh phân phối để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, sự phục hồi của các nền kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định, trong khi thị trường nội địa vẫn đang bị “chia phần” bởi các DN đa quốc gia. Cho nên cần có quỹ bình ổn giá, cùng cơ chế cho DN vay với lãi suất ưu đãi để sản xuất ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh. Có như vậy, DN và người dân mới hưởng lợi thực sự trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều DN ở TP Hồ Chí Minh cũng đặt đại lý phân phối tại đây, hệ thống siêu thị với lượng hàng hóa lớn, nên việc khan hàng rất khó xảy ra. DN, tiểu thương tham gia thị trường phân phối khá đa dạng, với nhiều chủng loại hàng hóa, giúp người tiêu dùng có nhiều kênh lựa chọn. Từ nay đến cuối năm, khả năng nhiều mặt hàng sẽ tăng giá (vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng...) do phục vụ nhu cầu mua sắm dịp lễ, Tết, mùa vụ sản xuất của bà con nông dân, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng sốt giá”. Theo ông Hừng, trong 2 năm qua, thành phố chỉ làm được việc dự trữ hàng, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, còn thực hiện xuyên suốt cả năm vẫn chưa được. Ngành công thương đã đề xuất với lãnh đạo thành phố cho phép lập quỹ bình ổn giá, nhưng còn vướng nhiều cơ chế, chính sách.

Trong Tết Nguyên đán Canh Dần vừa qua, các DN trên địa bàn thành phố đã chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ người dân, với tổng giá trị trên 933 tỉ đồng (chủ yếu là các mặt hàng lương thực- thực phẩm, vải sợi, may mặc, hóa mỹ phẩm...). Sở Công thương đã phối hợp với Sở Tài chính đề nghị thành phố xem xét hỗ trợ cho 4 DN đầu mối cung ứng các mặt hàng thiết yếu (Co.opMart Cần Thơ, CTC, Gentraco, Công ty TNHH thực phẩm rau quả Cần Thơ) vay vốn ưu đãi 15 tỉ đồng để trữ hàng phục vụ Tết. Các DN này đảm bảo nguồn hàng cung ứng và giá cả một số mặt hàng được bán ra thấp hơn giá thị trường. Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, việc bình ổn giá phải có sự đồng thuận của DN. Năm nay, ngành công thương sẽ đề xuất thành phố tăng vốn vay hỗ trợ DN lên 15-20% (dự kiến khoảng 20 tỉ đồng) so với năm trước để trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Còn hiện tại, chưa có quỹ bình ổn giá, ngành đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bình ổn giá, đảm bảo nguồn hàng là chính sách thiết thực và lâu dài. Nhưng để làm được việc này cần thực hiện nhiều chính sách đòn bẩy để ổn định nguồn hàng, đời sống của người dân và “sức khỏe” của DN. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiêu thụ lúa gạo trong dân, giúp DN khơi thông thị trường xuất khẩu và thiết lập kênh phân phối nội địa. Có như vậy, mới đảm bảo ổn định cung- cầu thị trường.

HẢI ĐĂNG

Chia sẻ bài viết