11/04/2016 - 20:24

TƯ VẤN MÙA THI

Cần sự “cộng hưởng” toàn xã hội

Vài năm trở lại đây, các đơn vị, trường học trên địa bàn TP Cần Thơ rất quan tâm hoạt động tư vấn mùa thi (hướng nghiệp - tuyển sinh), nhằm giúp học sinh phổ thông định hướng chọn trường, ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn mùa thi vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.

Bạn Lê Nhật Hào, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: "Tôi dự định đăng ký xét tuyển ngành Quản trị du lịch và lữ hành của Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, với tổ hợp môn thi xét tuyển ở các khối A (Toán, Lý, Hóa), C (Văn, Sử, Địa) và D (Toán, Văn, Anh văn). Tôi chọn ngành này là vì yêu thích, được đi nhiều nơi để mở rộng kiến thức. Tôi học khá tốt các môn trong tổ hợp môn thi vào ngành này". Tương tự, bạn Đỗ Hồng Phúc, học cùng lớp với Nhật Hào, dự định thi vào ngành Dược, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho rằng: "Từ nhỏ, tôi đã yêu thích ngành học này và ước mơ có thể trở thành bác sĩ hoặc tham gia điều chế thuốc để chữa bệnh, cứu người". Với điểm trung bình các môn học học kỳ I từ 8,1 nên Phúc tự tin mình sẽ thi tốt kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 để có thể dự tuyển vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trước đây, Hào và Phúc khá mơ hồ về định hướng chọn ngành nghề phù hợp bản thân nhưng thông qua các buổi tư vấn mùa thi do một số trường ĐH, cao đẳng (CĐ) tổ chức vừa qua, Hào và Phúc có thể quyết định chọn học ngành nghề mình yêu thích. Hồng Phúc nói: "Các buổi tư vấn mùa thi trang bị cho chúng tôi rất nhiều thông tin về quy chế tuyển sinh năm nay (như thí sinh không được thay đổi nguyện vọng mỗi đợt xét tuyển), ngành nghề đào tạo các trường. Thầy cô còn giải đáp khá kỹ những thắc mắc về ngành Dược, dù điểm chuẩn rất cao nhưng tôi sẽ cố gắng thi đạt kết quả tốt nhất".

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Đô trả lời thắc mắc của học sinh về tuyển sinh ĐH năm 2016 của trường.

Với phương châm "mưa dầm thấm sâu", hoạt động tư vấn ngày càng đa dạng, phong phú, mang cả "trường thi" đến với thí sinh. Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp "Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề" do Trường ĐH Tây Đô tổ chức đầu tháng 4-2016 vừa qua, thu hút gần 1.000 học sinh các trường THPT ở ĐBSCL. Cán bộ Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tây Đô cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho học sinh, như: Điểm mới quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016; bức tranh tuyển sinh chung các trường và Trường ĐH Tây Đô. Đồng thời giải đáp thắc mắc của học sinh xoay quanh vấn đề lựa chọn ngành học phù hợp và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường;... Theo thầy Lê Nhật Thanh, giáo viên Trường THPT Tân Quới (tỉnh Vĩnh Long), trường có hơn 120 học sinh tham gia chương trình để có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với cán bộ trường ĐH, rèn sự tự tin, dạn dĩ. Nhất là được chứng kiến môi trường học tập bậc ĐH, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành,… để hiểu sâu hơn những ngành nghề mình yêu thích mà lựa chọn phù hợp.

Từ cuối tháng 2 đến tháng 4-2016, các trường ĐH, CĐ ở TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều đoàn đến tư vấn mùa thi cho học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên ĐBSCL. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, nói: "Đây là hoạt động định kỳ thường xuyên của trường, với quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2016, trường đến 86 trường THPT ở ĐBSCL để tư vấn mùa thi cho hàng ngàn học sinh".

Những năm qua, nhiều tổ chức, đơn vị, trường học hết sức quan tâm hoạt động tư vấn mùa thi, giúp nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa ĐH có kiến thức cơ bản để chọn ngành, nghề, xác định việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, công tác tư vấn mùa thi còn nhiều điều phải bàn, bởi chỉ "nở rộ" vào mùa tuyển sinh ĐH, CĐ; thông thường sau Tết Nguyên đán hàng năm. Nhiều cán bộ quản lý các trường cho rằng, tư vấn mùa thi chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của học sinh trong lựa chọn ngành nghề phù hợp. Theo Thạc sĩ Phan Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng ban tuyển sinh, Trường ĐH Tây Đô, mặc dù trường cố gắng cung cấp đầy đủ thông tin, giúp thí sinh cân nhắc, chọn lựa ngành nghề phù hợp nhưng khía cạnh nào đó, thí sinh còn tư tưởng chọn ngành theo số đông, cảm tính và chuộng vào ĐH hơn.

Một khía cạnh khác, nhiều cán bộ quản lý trường ĐH, CĐ cho rằng, để công tác tư vấn mùa thi đạt hiệu quả hơn, gia đình có vai trò quan trọng nhất; công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường phổ thông; sự phối hợp chặt chẽ giữa trường phổ thông với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để thường xuyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh... Trên thực tế, không ít trường đại học, cao đẳng đến tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh các trường THPT nhưng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", bởi thời gian tư vấn quá ngắn, hoặc chỉ làm việc với ban giám hiệu, giáo viên các trường THPT, rồi gởi... tờ rơi, tờ bướm quảng bá về trường để học sinh… tham khảo. Nhiều đơn vị tổ chức tư vấn makerting về trường nhiều hơn là định hướng cho học sinh. Theo cán bộ trường CĐ ở TP Cần Thơ, phần lớn học sinh ĐBSCL tham dự chương trình tư vấn mùa thi rầm rộ chủ yếu để đi chơi, ít quan tâm hướng nghiệp.

Không thể phủ nhận hoạt động tư vấn mùa thi có tác động tích cực đến thí sinh đối với chọn lựa ngành, nghề phù hợp. Tuy nhiên, thời gian một ngày hay một buổi, khó thể làm thay đổi nhận thức hàng trăm, hàng ngàn thí sinh. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, để hoạt động tư vấn mùa thi thực sự đạt hiệu quả, cần có sự "cộng hưởng" từ nhiều phía: gia đình - nhà trường - xã hội, giúp học sinh định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp để lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết