15/11/2008 - 07:43

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII

Cần quy định cụ thể hơn các chế tài xử lý thông qua dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự

TTH.VN - Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo Luật lần này đã được sửa đổi 47 điều

* Kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp đến năm 2011
* Thông qua Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Sáng 14-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo Luật lần này đã được sửa đổi 47 điều, bỏ 01 điều và bổ sung mới 16 điều, liên quan đến 12/23 chương của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Về cơ bản, các đại biểu nhất trí về nội dung việc sửa đổi một số điều, khoản như dự thảo Luật đã nêu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số nội dung: Việc bỏ khung hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể; việc phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng chất ma túy; việc nâng định mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm...

Đa số đại biểu nhất trí việc cần duy trì hình phạt tử hình trong một số tội là cần thiết nhưng chỉ áp dụng rất hạn chế đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định, để thể chế một cách đúng đắn chính sách hình sự đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng tiến bộ, thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước ta. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: trong tình hình hiện nay, việc Chính phủ đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở một số loại tội phạm chưa phù hợp với tình hình thực tế. Các đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang), Trần Văn Độ (An Giang) không đồng tình với quy định của dự thảo Luật là bỏ tử hình đối với ba loại hình tội phạm: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; hối lộ. Đại biểu Triệu Mùi Nái cho rằng, những loại hình tội phạm này rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước, do vậy chưa thể bỏ được tử hình đối với loại tội phạm này mà phải giữ lại theo như bộ luật cũ để tiếp tục răn đe.

Đối với tội tham ô tài sản (Điều 278) và tội nhận hối lộ (Điều 279), một số đại biểu cho rằng, không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này. Vì hiện nay, tệ nạn tham nhũng vẫn diễn ra, phức tạp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương và mọi người dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, việc tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này là cần thiết nhằm đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; đồng thời thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.

Liên quan tới tội phạm tham ô có tính chất vụ lợi, đại biểu Ngô Minh Hồng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo không nên quy định việc áp dụng án tử hình hay không tử hình mà vấn đề ở đây là chúng ta đưa ra hình thức xử phạt như thế nào cho phù hợp. Việc tịch thu được những tài sản tham ô là điều người dân đang mong đợi, còn án tử hình chỉ nên áp dụng đối với những đối tượng mất hết tính người, không thể giáo dục được nhân cách.

Về sửa đổi, bổ sung tội đầu cơ (Điều 160), nhiều đại biểu cũng nhất trí cần phải sửa đổi, bổ sung tội đầu cơ theo hướng mở rộng khả năng để có thể xử lý hình sự đối với những hành vi mang tính đầu cơ găm hàng, tạo sự khan hiếm giả tạo trong thời gian qua đối với các mặt hàng như gạo, xăng dầu, xi măng, sắt thép, thuốc tân dược... Các đại biểu cho rằng: đây là hành vi phải được xử lý nghiêm và cần được tăng cường các chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, không hạn chế quy mô, phạm vi và mức độ kinh doanh thì không nên giữ lại tội danh này trong Bộ luật Hình sự mà hành vi đầu cơ trong nền kinh tế thị trường cần được điều chỉnh bằng Luật cạnh tranh, các luật thuế cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Về sửa đổi, bổ sung tội trốn thuế, gian lận thuế, đa số các đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua việc xử lý hành vi trốn thuế nhìn chung chưa nghiêm, chủ yếu là xử lý hành chính, chỉ một số ít được xử lý bằng các biện pháp hình sự. Đây là hành vi gây thiệt hại trực tiếp, nghiêm trọng đến nguồn thu của Nhà nước và nền kinh tế quốc dân cần phải được xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung. Đại biểu Trần Văn Châu (Bến Tre), Nguyễn Văn Độ (An Giang) đề nghị nâng các mức định lượng số tiền trốn thuế để truy cứu trách nhiệm hình sự và nâng mức tiền phạt lên cao hơn nữa đối với tội danh này cho phù hợp với tình hình kinh tế -xã hội hiện nay.

Đối với tội gây ô nhiễm môi trường, một số đại biểu cho rằng, việc xử lý các hành vi vi phạm môi trường hiện nay chủ yếu là biện pháp hành chính, chưa bảo đảm tính nghiêm minh. Hơn nữa, khó khăn trong xử lý tội phạm về môi trường là do khó xác định chủ thể; chủ thể gây ô nhiễm môi trường hiện nay chủ yếu là các pháp nhân và theo quy định của pháp luật không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) đề nghị cần nghiên cứu, xem xét để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực nhất định (như môi trường, thuế...) với những chế tài phù hợp để tăng cường tính khả thi và khắc phục những bất cập trong việc xử lý loại tội phạm này. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về môi trường, đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn nữa mức phạt tiền và hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về môi trường, quy định trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường...

* Chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội tập trung làm việc tại hội trường.

Với tuyệt đại đa số các đại biểu có mặt tán thành, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Dự thảo luật đã được chỉnh lý gồm 10 chương, 52 điều; theo đó sẽ tiếp tục thực hiện cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT với ba mức quy định là 0%, 5% và 20%; đối tượng được miễn cùng chi trả là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, sĩ quan và chiến sĩ công an. Về bảo hiểm y tế cho nông dân, để đảm bảo tính linh hoạt, mức hỗ trợ sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được thông qua với 88,03% tổng số đại biểu nhất trí. Các đại biểu Quốc hội thống nhất là đối với mặt hàng ô tô, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trước khi quyết định mức thuế suất cụ thể trong phạm vi tăng, giảm tối đa không quá 20% và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Dự thảo luật vẫn giữ nguyên quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng giảm thuế suất từ 15% (hiện hành) xuống còn 10%. Đối với mặt hàng bia hơi sẽ không phân biệt loại bia mà quy định chung một mức thuế suất là 45% từ năm 2010 đến 2012, từ năm 2013 trở đi là 50%.

Với 87,83% tổng số đại biểu tán thành, Dự thảo Luật thi hành án dân sự đã được Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm; giữ nguyên tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên như Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, không quy định trong Luật mà để Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật thi hành án dân sự quy định. Hệ thống tổ chức thi hành án được quy định theo hướng phân định rõ cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời giao Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, tên gọi, cơ cấu, tổ chức. Các đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án.

Nghị quyết về việc thi hành Luật thi hành án dân sự được cũng đã được Quốc hội thông qua trong buổi chiều 14-11; theo đó luật này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày, nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của HĐND và UBND các cấp sẽ kéo dài đến năm 2011, khi HĐND và UBND các cấp khóa mới được bầu ra. Ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp khóa mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố.

Trong phần Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thêm 2 năm nhiệm kỳ 2004 - 2009 của HĐND, UBND để thời điểm bầu cử HĐND các cấp khóa tới sẽ được tiến hành vào năm 2011, cùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp cho đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa mới.

Kết thúc buổi làm việc, Nghị quyết về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp được thông qua với 90,47% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

LƯU THỊ THOAN - THU HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết