14/10/2009 - 20:56

ỨNG DỤNG THƯ ĐIỆN TỬ TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH

Cần nỗ lực nhiều hơn từ mỗi cán bộ, công chức

Sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính ngày càng phổ biến ở các cơ quan hành chính. Ảnh: ANH DŨNG

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng thư điện tử trong giao dịch hành chính là việc cần xúc tiến để tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân và cả trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Để tận dụng và phát huy ưu điểm của thư điện tử, UBND thành phố vừa triển khai kế hoạch sử dụng thư điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện kế hoạch này hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần quan tâm...

HƯỚNG ĐẾN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Nằm trong chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, UBND thành phố đã xây dựng “Kế hoạch sử dụng thư điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước đến năm 2010 và những năm tiếp theo”, vừa triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng thư điện tử trong các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, đồng thời thực hành tiết kiệm. Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến hết năm 2010 có 100% cán bộ, công thức hành chính và 50% cán bộ, công chức cấp xã được cung cấp địa chỉ thư điện tử của thành phố và sử dụng thường xuyên thư điện tử trong công việc. Đồng thời, xây dựng lộ trình, để từng bước ứng dụng chữ ký số trong giao dịch hành chính.

Để từng bước triển khai thực hiện kế hoạch này, UBND thành phố đề nghị, trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước các loại văn bản như: lịch công tác, thư mời, các tài liệu trao đổi phục vụ công việc, tài liệu phục vụ các cuộc họp, báo cáo các cấp, những văn bản gởi đến những cơ quan để biết, để báo cáo,... sẽ được gởi bằng thư điện tử và không cần văn bản giấy. Còn trong giao dịch với người dân, doanh nghiệp, UBND thành phố khuyến khích các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, trao đổi qua hệ thống thư điện tử các hồ sơ, thủ tục thuộc dịch vụ hành chính công theo Đề án 30. Ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, phân tích: “Trước mắt, khi các website của các sở, ngành, quận huyện còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân là truy cập vào để tải mẫu đơn, điền vào, đến cơ quan, đơn vị chức năng để nộp; hoặc đăng ký thủ tục hành chính qua mạng (đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến),... thì người dân, doanh nghiệp có thể gởi thư điện tử yêu cầu cơ quan, đơn vị cho biết những loại văn bản, thủ tục, giấy tờ có liên quan đến loại thủ tục có nhu cầu thực hiện. Sau đó, cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục phúc đáp bằng thư điện tử, liệt kê các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết để người dân làm một lần và đến nộp ở cơ quan thực hiện và chờ kết quả”.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “Khai thác sử dụng thư điện tử chỉ mới là bước khởi đầu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính ở các cơ quan nhà nước. Bước tiếp theo sẽ là tích hợp các thủ tục đưa lên mạng, hướng tới thực hiện việc đăng ký, thực hiện thủ tục hành chính qua mạng Intrenet để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp”.

CẦN QUYẾT TÂM HƠN

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2006 đến nay, hệ thống thư điện tử của thành phố đã cấp 3.081 địa chỉ thư điện tử cho các đơn vị và cá nhân là cán bộ, công chức của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, để chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tăng cường sử dụng thư điện tử trong hoạt động, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 07/2009, quy định kể từ ngày 1-8-2009, các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải áp dụng hình thức phát hành một số loại văn bản thông qua thư điện tử, thay cho văn bản giấy. Tuy nhiên, thời gian qua, rất ít cơ quan, đơn vị thực hiện hình thức này, nếu có cũng không thường xuyên. Nguyên nhân do nhiều cơ quan nhà nước chưa có thói quen xử lý văn bản bằng thư điện tử; cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, hệ thống thư điện tử của thành phố (thuộc Đề án 112) đã đầu tư trước đây hiện đã bộc lộ nhiều “khuyết điểm”, như: tính ổn định chưa cao và dung lượng hạn chế (30 MB đối với thư điện tử cá nhân và 100 MB với thư điện tử của đơn vị). Bên cạnh đó, tỷ lệ máy vi tính trên tổng số cán bộ công chức còn ít, chỉ khoảng 75% ở các sở ngành, 56% ở quận, huyện; còn cấp xã chỉ có từ 4-6 máy/đơn vị. Đặc biệt, hiện còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa kết nối Internet băng thông rộng, nên chưa sẵn sàng cho việc khai thác thư điện tử trong công việc. Đáng nói hơn là hiện nay vẫn còn khoảng 10% cán bộ công chức, nhất là cấp quận, huyện và có cả một số lãnh đạo cơ quan hành chính cấp sở, ngành, quận, huyện chưa biết sử dụng máy tính.

Để khắc phục những mặt hạn chế và triển khai thực hiện tốt kế hoạch sử dụng hệ thống thư điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính, ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với Sở Nội vụ thành phố tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn cho 546 cán bộ, công chức hành chính có nhu cầu đào tạo về kỹ năng sử dụng máy vi tính và thư điện tử ngay trong năm 2009. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện, phấn đấu đến tháng 6 - năm 2010 sẽ ứng dụng chữ ký số trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước”. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư về con người, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, kế hoạch chỉ có thể hoàn thành khi các đơn vị chức năng được UBND thành phố giao trách nhiệm xúc tiến đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường truyền, đầu tư hệ thống máy vi tính tại các cơ quan hành chính... một cách đồng bộ.

***

Sử dụng thư điện tử chỉ là một trong những bước đầu tiên của mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Để đạt mục tiêu như “Kế hoạch sử dụng thư điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước đến năm 2010 và những năm tiếp theo” đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành và UBND thành phố, thiết nghĩ, cần có sự chuyển biến về nhận thức của mỗi cán bộ, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của vấn đề này, từ đó, xây dựng ý thức, quyết tâm học tập để ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết