04/12/2021 - 14:12

Cân nhắc khi rút bảo hiểm xã hội một lần 

Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động (NLÐ) sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Trong khi đó, tuổi già thường dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh.

Nhân viên Bưu điện huyện Vĩnh Thạnh chi trả tiền hỗ trợ BHXH cho người lao động. 

Dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của NLÐ. Vì thế, không ít trường hợp NLÐ đề nghị hưởng BHXH một lần để có khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Chị Trần Thị Trang ở phường Thới An, quận Ô Môn, làm công nhân tại công ty thủy sản và có tham gia BHXH. Dịch bệnh bùng phát, chị nghỉ việc và có ý định rút BHXH một lần để xoay xở cuộc sống. Chị Trang cho biết: “Tôi tham gia BHXH được hơn 10 năm. Dẫu biết rằng khi rút BHXH, quyền lợi của tôi sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, nhất là khi về già nhưng gia cảnh khó khăn, tôi đành chịu”.

Thực tế, số NLÐ nghỉ việc, thực hiện thủ tục hưởng BHXH một lần thời gian gần đây tăng nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10-2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng ở TP Cần Thơ, BHXH TP Cần Thơ đã giải quyết cho 12.047 NLÐ được hưởng chế độ BHXH một lần, với tổng số tiền 441.810 triệu đồng.

Ông Trần Kim Qui, Giám đốc BHXH quận Ô Môn, cho biết: “Theo quy định pháp luật, tổng mức đóng BHXH vào Quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLÐ. Trong đó, NLÐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLÐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLÐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014”.

Như vậy, nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân”, chính sách BHXH đem lại cho NLÐ những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với NLÐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLÐ. Trong đó, NLÐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của NLÐ là 5 triệu đồng/tháng, thì Quỹ BHXH thu 1,25 triệu đồng. Trong đó, NLÐ đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc đóng số tiền bằng 8% tiền lương hằng tháng, NLÐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này, bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLÐ nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLÐ đóng vào là 400.000 đồng/tháng. Với NLÐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLÐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.

Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền, để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định đối với trường hợp này. Vì vậy, thiết nghĩ, NLÐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, NLÐ hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, NLÐ có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết