12/03/2014 - 20:10

Cần “một chiếc áo pháp lý” để liên kết vùng

Nằm trong xu thế chung, liên kết vùng ĐBSCL để phát triển là yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Song, đến nay, cơ chế liên kết, vai trò “nhạc trưởng” để thúc đẩy liên kết vùng vẫn chưa có sự thống nhất do vướng nhiều cơ chế, quy định. Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp khai thác tiềm năng kinh tế-xã hội các tỉnh ĐBSCL theo hướng liên kết vùng” do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, bên cạnh đề xuất nhiều mô hình liên kết, vấn đề cần có một tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành lại được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đem ra mổ xẻ, thảo luận.

Theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ sau năm 1975, vấn đề phân vùng kinh tế, liên kết để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL đã được đặt ra qua các nghiên cứu như: “ĐBSCL: Tài nguyên-môi trường-phát triển” (1986), Quy họach tổng thể ĐBSCL (1990)... Các nghiên cứu này đều xác định sự cần thiết phải có một giải pháp quy hoạch tổng thể, thành lập Ban Phát triển vùng có chức năng chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội với yêu cầu phối hợp, hướng dẫn, điều phối, yểm trợ và giám sát… Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, một thiết chế “Ban Chỉ đạo” có chức năng tương tự như các nghiên cứu đề cập trước đây mới được thành lập theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 9-12-2002 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tiếp theo là Quy định số 89-QĐ/TW (năm 2007) của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, địa bàn hoạt động, quan hệ công tác, chế độ, chính sách cán bộ của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ” và Quy định số 96-QĐ/TW (năm 2012) của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo đó, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng; công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn là đầu mối liên kết lực lượng chỉ đạo của các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của vùng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng; thông qua nhiều hoạt động liên kết như Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL tổ chức hằng năm; chương trình xúc tiến đầu tư, vận động an sinh xã hội… Tuy nhiên, hoạt động thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện, đặc biệt là cần có cơ chế pháp lý về liên kết vùng hiệu quả, thiết thực.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, ĐSBCL cần có một tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp hiệu quả. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành cho rằng, trong các vùng kinh tế cả nước, trong đó có ĐBSCL, không phải là đơn vị hành chính - kinh tế nên việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Sự đầu tư của Trung ương và các tỉnh, thành chủ yếu là để phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương, qua đó đóng góp cho vùng. Việc phân vùng kinh tế hiện nay mang tính chất tương đối, chủ yếu phục vụ yêu cầu chỉ đạo, định hướng chính sách. Việc phân vùng còn trùng lắp như trường hợp của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang vừa thuộc vùng ĐBSCL lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không gian kinh tế vùng bị chia cắt và thu hẹp. Nhiều cụm ngành kinh tế và các sản phẩm thế mạnh mà các địa phương có lợi thế chung không được liên kết hoặc lợi thế so sánh không được phát huy mà còn cạnh tranh cục bộ lẫn nhau, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt khúc. Đó là chưa kể tình trạng đầu tư trùng lắp, tính gia tăng giá trị thấp, suất đầu tư cao do không tận dụng được “lợi thế cùng chung” trên cơ sở phân công nội bộ vùng và liên vùng…

Từ những bất cập trên, Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, nhấn mạnh: “Việc xây dựng và triển khai chương trình liên kết vùng ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào sản phẩm mũi nhọn là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương liên kết vùng cần phải có một cơ chế rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Một “chiếc áo pháp lý” cho liên kết vùng là đòi hỏi bức thiết từ vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước trong giai đoạn hiện nay”. Theo đó, các bộ ngành Trung ương và địa phương cần sớm hình thành tổ chức quản trị, điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương, điều tiết và giải quyết các nhu cầu cấp vùng. Trước mắt, cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối vùng kinh tế trọng điểm để thử nghiệm cho Chương trình liên kết vùng ĐBSCL; hình thành Ban Chỉ đạo phát triển vùng trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian qua. Đồng thời, phát huy những thành quả của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL; tăng cường các hình thức liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng theo nhu cầu và thực chất hơn là chỉ mang tính cam kết, nặng nề về hình thức.

Liên kết là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhất hiện nay, là yêu cầu mang tính sống còn trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Gấm, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ các dạng liên kết: vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, chuỗi sản xuất, “4 nhà”. Theo đó, liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất (liên kết theo chiều ngang) nhằm tăng cường sức mạnh trong cạnh tranh về số lượng với bên ngoài và giảm thiểu cạnh tranh nội bộ; tập trung đầu tư đất đai, vốn, công nghệ một cách đồng bộ và tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Liên kết chuỗi sản xuất là dạng liên kết theo chiều dọc từ khâu giống-nuôi trồng-chế biến-phân phối-tiêu thụ để sản phẩm chủ lực của vùng có thể phát triển ổn định và bền vững. Cuối cùng, liên kết “4 nhà” để phát triển hiệu quả sản phẩm chủ lực của vùng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của nhà nông. Khi các lợi ích của “4 nhà” hài hòa sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển bền vững.

Vấn đề liên kết để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng. Vấn đề liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó phải kể đến những nút thắt về chính sách vùng và cơ chế quản lý phối hợp. Do vậy, ĐBSCL rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là cần có cơ chế pháp lý về liên kết vùng hiệu quả, thiết thực… Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết