14/04/2011 - 20:48

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch và thương mại

“Liên kết vùng”- cụm từ được lặp lại nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo bàn về hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư ở ĐBSCL. Thực tế thời gian qua, hoạt động này vẫn còn rời rạc và mỗi địa phương đều xây dựng chương trình xúc tiến riêng, nhưng các dự án mời gọi gần như tương đồng. Các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL là một tổng thể với đặc thù sinh thái giống nhau, khó tách rời, mà bổ sung cho nhau, nên việc liên kết là yếu tố sống còn nhằm khai thác lợi thế, phát huy tiềm năng, vai trò của vựa nông sản. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh và đưa vùng ĐBSCL hội nhập quốc tế vững tin hơn.

* Thiếu mô hình thống nhất

Doanh nghiệp ĐBSCL gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ĐBSCL tháng 9-2010 tại TP Cần Thơ.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư (gọi chung là hoạt động xúc tiến) ở ĐBSCL cho đến thời điểm này vẫn chưa có mô hình thống nhất. Một số nơi, cơ quan xúc tiến phụ trách cả ba lĩnh vực (thương mại, du lịch, đầu tư); một vài nơi tách rời từng lĩnh vực... TP Cần Thơ và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh tập hợp ba lĩnh vực cho hoạt động xúc tiến. Tỉnh An Giang, Đồng Tháp chỉ có Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư. Các tỉnh Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long gắn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư. Tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, ba lĩnh vực xúc tiến vẫn nằm riêng lẻ, trực thuộc các sở chuyên môn. Riêng Kiên Giang có thêm hai Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch cấp cơ sở, đặt tại huyện đảo Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Lý giải về sự khác biệt này, lãnh đạo các trung tâm xúc tiến cho rằng, trước đây các trung tâm hoạt động riêng lẻ và trực thuộc sở. Một số địa phương học tập theo mô hình của TPHCM nên “gom” ba lĩnh vực này thành một đầu mối và trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Song, đến thời điểm này, vẫn chưa có mô hình thống nhất và hoạt động xúc tiến còn dàn đều, thiếu trọng tâm.

Trước thực trạng này, các chuyên gia nhận định, sự thiếu thống nhất trong tên gọi, chức năng, nhiệm vụ nên các trung tâm xúc tiến khó tìm được tiếng nói chung, dẫn đến hoạt động rời rạc, hiệu quả không như mong đợi. Việc thành lập Câu lạc bộ các trung tâm xúc tiến ĐBSCL (Mekong PC) là một bước để tiến tới sự liên kết trong các hoạt động, tạo tiếng nói đồng thuận giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số tỉnh chưa thừa nhận sự tương đồng trong hoạt động xúc tiến của vùng và một vài trung tâm đã xin rút khỏi Mekong PC. Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư TPHCM (ITPC), cho rằng: “Trong mắt nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, ĐBSCL là một vùng có những nét tương đồng chứ ít có quan niệm chia thành từng địa phương. Vì thế, hoạt động xúc tiến ở đây phải có sự liên kết kiểu như các địa phương là một địa phương, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”... Song, làm thế nào để có tiếng nói chung, một mô hình xúc tiến thống nhất là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

* Chưa có lời giải cho liên kết vùng

Điểm lại các hoạt động xúc tiến ở ĐBSCL thời gian qua, nhất là lĩnh vực thương mại và đầu tư, các địa phương có rất nhiều hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước. Hàng năm, các tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến tại nhiều quốc gia, tham gia hội chợ chuyên ngành... Tuy nhiên, hầu hết đều hoạt động riêng lẻ và thiếu sự liên kết. Trong khi đó, mỗi chuyến xúc tiến đầu tư ra nước ngoài rất tốn kém, các dự án mời gọi lại thiếu trọng tâm, thậm chí nhà đầu tư không quan tâm, nên hiệu quả của các đợt xúc tiến này không cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến, việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến hiện đang bỏ ngỏ ở nhiều địa phương. Do vậy, việc chuyển tải các thông tin về dự án, những vấn đề mà địa phương đang cần mời gọi đầu tư đến các đối tác thiếu sự thống nhất và khó thuyết phục nhà đầu tư. Bởi hoạt động xúc tiến mang tính đặc thù, đòi hỏi cán bộ xúc tiến phải có chuyên môn và kỹ năng cao. Tại cuộc họp các thành viên Mekong PC diễn ra tại TP cần Thơ vào cuối tháng 3-2011, lãnh đạo các trung tâm xúc tiến nhất trí cao về việc liên kết vùng và liên kết với TPHCM để tạo hiệu quả cho hoạt động này, thu hút vốn đầu tư mạnh hơn về vùng trũng ĐBSCL. Tuy nhiên, liên kết như thế nào, ai là “đầu tàu” vẫn chưa được bàn bạc thấu đáo và để tạo được mô hình lý tưởng cho hoạt động xúc tiến là bài toán vẫn chưa có lời giải.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết