01/01/2025 - 10:41

Cần hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận dịch vụ công 

Người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận dịch vụ công, nhận trợ cấp. Có đến 25,6% số NKT được khảo sát cảm thấy hơi khó (hoặc rất khó) để tìm kiếm thông tin trên cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Ðây là kết quả nghiên cứu được chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề “Ðánh giá mức độ hòa nhập NKT trong quản trị địa phương” năm 2024, do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện. Các chuyên gia khuyến nghị cần có những giải pháp cấp bách để cải thiện cổng DVCTT, xem xét đến khả năng và mong muốn của NKT khi triển khai cách thức nhận trợ cấp tại địa phương.

NKT trình bày ý kiến tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương” năm 2024. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp.

Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với 2.310 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh các thảo luận chung về sự hòa nhập của NKT trong hành chính công, nghiên cứu nêu bật những thách thức lớn mà NKT phải đối mặt trong tiếp cận thông tin. Ông Phùng Ðức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho biết: “Nghiên cứu này nhằm tạo cơ hội để NKT đóng góp quan điểm cá nhân, bổ khuyết cho chỉ số PAPI thường niên và đưa ra khuyến nghị chính sách liên quan đến NKT. Ðây là một nghiên cứu rất thiết thực và cần thiết vì từ trước đến nay hầu như chưa có một nghiên cứu nào về sự tham gia và hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những NKT thực hiện thủ tục hành chính trong 12 tháng qua, có đến 25,6% cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm thông tin trên các cổng DVCTT. Nhiều cổng DVCTT chưa được thiết kế để hỗ trợ trình đọc màn hình, khiến việc tiếp cận của NKT, đặc biệt là người khiếm thị bị hạn chế. Tỷ lệ NKT nghe nói có trải nghiệm thực hiện thủ tục hành chính gặp khó khăn cao nhất, với 46,7%. Trong khi đó, cán bộ địa phương cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với NKT. Những năm gần đây, một số UBND cấp xã đã xây dựng đường dốc cho xe lăn giúp NKT dễ dàng di chuyển hơn. Theo bà Huỳnh Thị Thúy Niềm, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ, nhiều công sở vẫn chưa có lối đi riêng dành cho NKT hoặc có xây dựng đường dốc cho xe lăn nhưng quá cao, gây khó khăn cho NKT khi đến cơ quan nhà nước để giao dịch hồ sơ.

Ðối với việc nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, một trong những khó khăn phổ biến nhất của NKT khi nhận trợ cấp là phải phụ thuộc vào người nhà nhận hộ (52,4%). Ðiều này khiến NKT không hoàn toàn quyết định được việc sử dụng khoản trợ cấp này. Trong số NKT đang nhận trợ cấp hằng tháng tham gia khảo sát, 24,3% hiện đang nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở khu vực Ðông Nam Bộ và Ðồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức nhận trợ cấp này còn nhiều rào cản với NKT ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi cây ATM cách UBND xã tới 20km. Ðơn cử tại 2 khu vực có tỷ lệ NKT được khảo sát nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng thấp nhất là ÐBSCL (7%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (4,9%). NKT gặp khó khăn từ việc mở tài khoản (cần có giám hộ/người làm chứng) đến việc sử dụng dịch vụ (thiết kế app không thân thiện với trình đọc màn hình của NKT và khó khăn trong việc xác nhận sinh trắc học).

Những bất cập trên đòi hỏi sự cải thiện cả về chính sách và dịch vụ để đảm bảo sự bình đẳng và thuận tiện cho NKT trong tiếp cận trợ cấp và sử dụng DVCTT. Các chuyên gia khuyến nghị, cần cải thiện các cổng DVCTT và tham vấn NKT trong quá trình xây dựng cổng DVCTT. Theo bà Sabina Stein, Trợ lý đại diện thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam, những kết quả nghiên cứu này cho thấy khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về quyền của NKT cần được củng cố để tạo cơ sở cho các giải pháp và tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển trong một xã hội chuyển đổi số. Các chuyên gia cũng kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận thủ tục hành chính của NKT. Cụ thể, cán bộ, công chức địa phương cần được tập huấn về kiến thức và kỹ năng giao tiếp, ứng xử với NKT để hỗ trợ hiệu quả hơn; cải thiện hạ tầng và cân nhắc lấy ý kiến của NKT trước khi xây dựng để công trình công cộng thân thiện hơn. Ðồng thời, xây dựng quy trình, thủ tục phù hợp để NKT có thể mở và sử dụng tài khoản ngân hàng một cách chủ động và thuận tiện hơn; nâng cao kỹ năng số cho NKT. Trong thực hiện chuyển đổi số, cần tham vấn ý kiến NKT để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận với NKT vào các nền tảng số, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của cán bộ địa phương trong phổ biến thông tin chính sách cho NKT.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết