25/09/2011 - 16:53

TIẾN SĨ LÊ VĂN BẢNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÚA ĐBSCL:

Cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu lúa gạo qui mô lớn

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: T. LONG 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn mới được thí điểm triển khai tại ĐBSCL nhưng mang lại hiệu quả rất khả quan và được sự đồng thuận, hợp tác tốt của người trồng lúa. Để mô hình này sớm được nhân rộng, phát triển bền vững, giúp nâng cao vị thế hạt gạo ĐBSCL và vai trò nông dân trồng lúa, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

-Từ trước đến nay, chúng ta làm nhiều mô hình, áp dụng phương pháp sản xuất lúa mới đều thành công, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, hạn chế chung là vẫn còn tình trạng sản xuất lúa theo kiểu nhỏ lẻ, quy mô gia đình... chi phí đầu tư vẫn còn cao, rất khó áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để giảm thiểu tối đa thất thoát sau thu hoạch. Chính vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều, khó xây dựng thương hiệu cho hạt gạo... Từ hạn chế này, các doanh nghiệp chưa mạnh dạng bắt tay cùng nông dân, ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cơ bản giải quyết những hạn chế trong sản xuất lúa vừa qua, đáp ứng được các điều kiện để doanh nghiệp và nông dân chủ động trong hợp tác sản xuất mang tính bền vững. Không những vậy, cánh đồng mẫu lớn giúp đưa máy móc vào đồng ruộng, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, có sản lượng lớn, chất lượng cao, giảm chi phí; xây dựng thương hiệu, triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất thuận lợi...

* Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân trồng lúa được những lợi ích cụ thể gì, thưa Tiến sĩ?

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở
An Giang. Ảnh: T. HUY

- Trước đây, phần lớn nông dân vay tiền của ngân hàng để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu qua nhiều tầng nấc trung gian và chịu lãi suất. Đến khi thu hoạch, bán sản phẩm cũng qua trung gian - thương lái. Trong khi đó, cùng hợp tác trên các cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp ứng trước vốn, đầu tư tận nơi cho nông dân với lãi suất 0%; được hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiện đại và bao tiêu sản phẩm từ bằng đến cao hơn giá thị trường. Từ những mô hình thí điểm thành công ở nhiều địa phương ĐBSCL như: An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp... cho thấy nông dân được lợi rất lớn, về nhiều mặt. Đặc biệt những nông hộ có diện tích nhỏ lẻ, thiếu vốn, kỹ thuật được đầu tư hỗ trợ rất nhiều...

Chỉ mới phát động trong vụ lúa hè thu năm nay nhưng ở Nam Bộ đã có hơn 7.800 ha, với 6.400 nông dân ở ĐBSCL và Tây Ninh tham gia cánh đồng mẫu lớn, đạt kết quả rất khả quan. Tại Đồng Tháp, nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn thu hoạch đạt năng suất 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 16-18 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng thêm cho nông dân so với diện tích ngoài mô hình gần 2,5 triệu đồng/ha. Giá thành sản xuất lúa giảm so với ngoài mô hình từ 120-300 đồng/kg và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 1,7-2,5 lần/vụ. Hàng ngàn nông dân Trà Vinh, Long An, An Giang tham gia cánh đồng mẫu đạt hiệu quả rất cao, nhiều diện tích năng suất 6-7 tấn/ha; lợi nhuận từ 25-28 triệu đồng/ha.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và nông dân mạnh dạn tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Thống kê sơ bộ đến thời điểm này, các địa phương ở ĐBSCL đã đăng ký thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong năm 2012 đạt hơn 70.000 ha và có khả năng lên đến 100.000 ha. Trong hội nhập kinh tế thế giới, việc sản xuất, xuất khẩu lúa gạo nhất thiết phải tập trung, có quy mô lớn, hiện đại...

* Làm thế nào để đẩy mạnh việc thực hiện sản xuất lúa gạo theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thưa Tiến sĩ?

- Rõ ràng hiệu quả từ các mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn rất tốt, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng lúa. Tuy nhiên, bước đầu, việc đầu tư vùng nguyên liệu trồng lúa, xây dựng dây chuyền chế biến, hệ thống lò sấy, kho chứa theo hướng hiện đại, thu mua tồn trữ... đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Vì thế, vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ vốn vay là rất quan trọng. Đặc biệt, để thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn phát triển bền vững, nâng tầm nghề sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, ngoài việc hoàn thiện cấu trúc hạ tầng nông thôn, hệ thống thủy lợi, thắt chặt mối liên kết “4 nhà”... thì cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia là hết sức cần thiết. Bởi thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang “lăm le” vào ĐBSCL xây dựng các mô hình sản xuất lúa quy mô lớn. Đặc biệt, có thể họ thuê lại chính các doanh nghiệp trong nước thực hiện các khâu dịch vụ, sản xuất... Khi đó, chúng ta chạy theo đuôi thì không kịp...

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Thanh Huy (thực hiện)

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: T. LONG 

Chia sẻ bài viết