Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) (sửa đổi). Theo đó, một số đại biểu cho rằng Dự thảo luật cần quy định hài hòa lợi ích giữa các bên khi tham gia bảo hiểm.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật KDBH (sửa đổi).
Hơn 20 năm qua, Luật KDBH đã trở thành khung pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động KDBH, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay, trước sự phát triển của thị trường, nhiều quy định pháp luật liên quan đã thay đổi. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho rằng: “Luật KDBH bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Dân sự… Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Luật KDBH là hết sức cần thiết”.
Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng ý với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật KDBH, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành và phát triển. Bà Dương Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động KDBH có nhiều rủi ro. Vì vậy, tôi đề nghị trong Luật KDBH (sửa đổi) cần có những quy định mang tính pháp lý, để phòng ngừa gian lận trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vi trong hoạt động KDBH”. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng Dự thảo Luật KDBH cần thống nhất cơ quan quản lý về đào tạo bảo hiểm để chuyên nghiệp hóa hoạt động này.
Có đại biểu đề xuất Dự thảo Luật KDBH (sửa đổi) cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng thiết kế sản phẩm bảo hiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tái bảo hiểm phải công khai, cập nhật các thông tin công khai định kỳ, công khai thường xuyên, công khai bất thường theo quy định, giúp khách hàng nắm bắt được tình hình hoạt động, năng lực, uy tín của doanh nghiệp. Từ đó, khách hàng dễ dàng lựa chọn tham gia.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến là quy định về phòng, chống gian lận bảo hiểm tại khoản 3, Điều 63, Dự thảo Luật KDBH: “Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm. Trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm, kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng có thẩm quyền”. Theo ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Cần Thơ, quy định như dự thảo là chưa đủ mạnh, chưa đủ ràng buộc và răn đe đối với hành vi gian lận bảo hiểm, chiếm đoạt tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, ông Luân đề nghị: “Dự thảo luật cần phải có biện pháp chế tài (về mặt hành chính, dân sự, thậm chí hình sự nếu hậu quả của hành vi gian lận bảo hiểm đủ lớn) đối với các đối tượng là chủ thể của hợp đồng bảo hiểm, nếu họ biết rằng có hành vi gian lận bảo hiểm mà vẫn làm ngơ, không thông báo hay thậm chí tiếp tay hoặc đồng thuận”. Ông Nguyễn Thanh Hoài ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, nêu ý kiến: “Hoạt động KDBH là hoạt động đặc thù. Khách hàng tiếp cận các loại hình bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm. Do đó, đại lý bảo hiểm cần phải nắm rõ về nguyên tắc hoạt động, cũng như tư vấn đúng, đủ cho khách hàng, nhằm tránh những tranh chấp có thể phát sinh”.
Tại Mục 8 “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KDBH” (chương 2) từ Điều 108 đến Điều 113, nội dung dự thảo quy định cụ thể khá chi tiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần luật hóa những vấn đề bảo hiểm trong thực tiễn; đồng thời, cần tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của bảo hiểm thương mại. Bà Dương Thị Thu Hà cho biết: “Hiện nay, công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu bảo hiểm còn phân tán và manh mún, không có đầu mối tập trung. Do đó, theo tôi, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, của Hiệp hội Quản lý KDBH đối với vấn đề này...”.
Bài, ảnh: Chấn Hưng